Giá trái cây nghịch vụ ĐBSCL khởi sắc Trái cây được mùa, mất giá Giá cả nhiều loại trái cây giảm mạnh vào mùa thu hoạch rộ |
Trái cây trúng mùa, rớt giá
Gần 1 tháng nay, trên các tuyến đường của các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long như Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre đều xuất hiện rất nhiều sạp bán cam sành, thanh long, sầu riêng ngay lề đường… được niêm yết giá rất rẻ.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Công Thương, giá giảm là do đang vào vụ chính, lượng thu hoạch cao, hàng xuất đi cả chính ngạch và tiểu ngạch đều dư nên giá những loại trái cây này đều rớt giá.
Thanh long Việt Nam đã lấy lại thứ hạng, chỉ sau sầu riêng. |
Trong số đó, thanh long là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt vào mùa nắng với giá thường ở mức trên 30.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khi bước vào mùa mưa, thu hoạch chính vụ nên giá thanh long giảm mạnh khiến nông dân gặp nhiều khó khăn.
Theo đánh giá, do đang mùa mưa, trái thanh long không đẹp, trái nhỏ và mềm, đặc biệt là tai không cứng, nên khó vận chuyển đi xa và giá thấp. Giá thanh long loại đẹp nhất hiện chỉ từ 8.000 đến 10.000 đồng/kg, còn loại thường chỉ khoảng 5.000 đến 6.000 đồng/kg. Giá thanh long, đặc biệt là loại 1 xuất khẩu đang ở mức rất thấp, thanh long ruột đỏ hiện chỉ từ 12.000 đến 15.000 đồng/kg, so với mức 40.000 đồng/kg sau Tết. Giá giảm nhưng nhiều hộ dân vẫn có lãi, tuy nhiên lợi nhuận giảm nhiều so với tính toán ban đầu.
Thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, diện tích và sản lượng thanh long có tăng so với cùng thời gian năm trước nhưng giá chỉ bằng 30-40% so với thời gian hồi tháng 3-4. Tương tự, nông dân ở Tiền Giang cũng cho biết giá thanh long giảm và khó bán, chi phí thuê công nhân và vận chuyển cao khiến lợi nhuận giảm đáng kể.
Nhiều hộ nông dân ở tỉnh Tiền Giang có vị trí giáp ranh với Long An cũng cho biết, thời gian này giá thanh long giảm và khó bán, trong khi đó, tiền thuê công nhân cắt trái, vận chuyển lại cao hơn. Những nhà vườn có vị trí nằm xa đường nhựa, xe tải lớn khó vào, phải thuê xe nhỏ thì chi phí thu hoạch còn cao hơn, khiến lợi nhuận bị giảm.
Theo ông Nguyễn Văn Khánh, ở xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang cho biết: "Gia đình tôi có hơn 6,5 công (6.500 m2) thanh long ruột đỏ. Năm nay năng suất không được như những năm rồi. Vào vụ thu hoạch giá thu mua của thương lái giảm mạnh 40%. Nên năm nay thu thất thu và nguy cơ lỗ nhiều”.
“Thị trường chính của thanh long vẫn phụ thuộc vào xuất khẩu đi Trung Quốc, từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm là vụ thu hoạch chính của thị trường này, nên thanh long Việt Nam lại rớt giá theo chu kỳ. Nông dân ở đây đang vào vụ thu hoạch nhưng buồn vì giá thảm, gây thiệt hại đáng kể”, anh Nguyễn Bình Minh, chủ vườn thanh long ở xã An Lục Long, huyện Châu Thành, Long An nói.
Ngoài thanh long, sầu riêng cũng đang giảm giá mạnh. Theo đó, sầu riêng giống Musaking của Malaysia, từng neo ở mức giá cao khoảng 150.000 - 200.000 đồng/kg, hiện chỉ được thương lái thu mua ở mức 100.000 đồng/kg trở lại, gây khó khăn cho nông dân.
Sầu riêng vượt thanh long dẫn đầu xuất khẩu trái cây. |
Những nhà vườn chuyên trồng cam sành, bưởi da xanh cũng chịu thất thu, thua lỗ nặng từ 50 – 70 triệu đồng/ha do giá cam sành tiếp tục giảm mạnh từ mức 15.000 đồng/kg, xuống còn 5.000 đồng/kg ở thời điểm hiện nay; bưởi da xanh từ 25.000 đồng/kg nay cũng giảm còn 15.000 – 18.000 đồng/kg.
Chị Kim Thanh, chủ nhà vườn ở Tô Văn Nghĩa, ở xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh cho biết: “Những năm qua, dù giá cam trên thị trường có dao động nhưng cũng ở mức bán ra bình quân 12.000- 15.000 đồng/kg, nên nhà vườn vẫn còn có thu lợi nhuận. Năm nay giá cam sành giảm mạnh, chỉ tính về chi phí chăm sóc, nhà vườn trồng cam đã thua lỗ nặng”.
Là vựa trái cây lớn nhất cả nước nhưng nông dân các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long thường gặp khó khăn khi bước vào vụ thu hoạch do không chủ động được giá cả, bị ép giá và chịu thua thiệt. Những loại trái cây có diện tích trồng nhiều dễ bị ép giá nhất, bởi chính vụ sản lượng cung cao hơn nhiều lần nhu cầu, khiến người trồng không có lựa chọn nào khác.
Giải pháp dài hạn và bền vững
Trước tình hình khó khăn về đầu ra thị trường, giá cả xuống thấp, ngành nông nghiệp các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long đều khuyến cáo nông dân không mở rộng diện tích trồng cam; thanh long, sầu riêng, nên chuyển sang phương thức lập vườn cây ăn trái với đa dạng cây trồng để tránh cung vượt cầu, nhất là khi thị trường xuất khẩu bị hạn chế. Đồng thời nhà vườn cần kết nối cùng các hợp tác xã tìm nguồn tiêu thụ trái cây ổn định với giá tốt hơn từ các chủ vựa, cơ sở thu mua lớn ngoài tỉnh.
Để giải quyết vấn đề giá cả bấp bênh và tránh tình trạng "trúng mùa, rớt giá," cần có những giải pháp dài hạn và bền vững. Và một trong những giải pháp quan trọng là đầu tư vào hạ tầng chế biến và lưu trữ trái cây. Các nhà máy chế biến sâu không chỉ giúp kéo dài thời gian bảo quản trái cây mà còn tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng, giúp nông dân không bị phụ thuộc vào thị trường tươi sống và giảm thiểu tình trạng ép giá khi vào vụ thu hoạch chính.
Giá cam sành giảm nhiều so với trước |
Ông Bùi Văn Nhơn ở xã Vĩnh Công, Hiệp Thạnh và Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, Long An kỳ vọng, nếu các doanh nghiệp đầu tư vào nhà máy chế biến sẽ giúp tiêu thụ thanh long khi giá rẻ, giảm thiểu sự ép giá từ thương lái và đảm bảo sản xuất nông nghiệp bền vững.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) hiện việc sản xuất, tiêu thụ trái cây vẫn gặp không ít khó khăn do diện tích trồng cây ăn quả ở một số địa phương còn phân tán, không tập trung, dẫn đến hạn chế cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức liên kết sản xuất và kiểm soát chất lượng sản phẩm. Để tháo gỡ khó khăn, Cục Trồng trọt khuyến nghị, doanh nghiệp và người dân cần liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm.
Xây dựng mô hình liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Mô hình này giúp tạo ra chuỗi giá trị nông sản, đảm bảo nông dân có đầu ra ổn định và doanh nghiệp có nguồn cung nguyên liệu chất lượng.
Nông dân cần được hỗ trợ để mở rộng thị trường tiêu thụ, không chỉ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Các hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ nông sản quốc tế, và thúc đẩy thương mại điện tử có thể giúp mở rộng thị trường xuất khẩu và nâng cao giá trị sản phẩm.
Áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ trong trồng trọt và bảo quản nông sản giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm thiểu rủi ro về giá. Các biện pháp như sử dụng giống cây trồng chất lượng cao, kỹ thuật canh tác tiên tiến, và hệ thống bảo quản hiện đại có thể cải thiện năng suất và chất lượng sản phẩm.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nhấn mạnh: “Để phát triển ngành hàng nông sản, cần chú trọng đến yếu tố thị trường. Thay vì chỉ cảnh báo về những hệ quả khi tăng diện tích, các ngành chức năng nên giúp người dân nắm bắt thông tin thị trường và các quy định xuất khẩu. Khi có thông tin, nông dân sẽ điều chỉnh sản xuất một cách chủ động, từ bỏ thói quen sản xuất theo cảm tính và có kế hoạch rõ ràng, hạn chế tình trạng cung vượt cầu”.
Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ vốn cho nông dân và doanh nghiệp chế biến. Các chính sách này có thể bao gồm việc cung cấp vốn vay ưu đãi, hỗ trợ đầu tư hạ tầng chế biến và lưu trữ, và các biện pháp khuyến khích phát triển thị trường.
Thực trạng giá cả trái cây miền Tây vào vụ thu hoạch bị giảm giá bán là một vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến đời sống và thu nhập của nông dân. Tuy nhiên, với những giải pháp bền vững như đầu tư vào hạ tầng chế biến, xây dựng mô hình liên kết sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, dự báo thị trường, áp dụng khoa học kỹ thuật, quy hoạch sản xuất hợp lý, hỗ trợ vốn và chính sách từ nhà nước, và nâng cao chất lượng sản phẩm, nông dân miền Tây có thể vượt qua khó khăn, đảm bảo sản xuất nông nghiệp bền vững và ổn định thu nhập.