Hơn 23 tấn thịt heo sạch được đưa vào bếp ăn công nghiệp
Vừa qua, Sở Công Thương Đồng Nai đã tổ chức các đoàn làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp có đông công nhân trên địa bàn để kêu gọi tiêu thụ thịt heo, hỗ trợ người chăn nuôi. Cùng đi với đoàn có 2 doanh nghiệp cung cấp thịt heo chất lượng được tỉnh lựa chọn để kết nối tiêu thụ với các bếp ăn tập thể là Công ty Anh Hoàng Thy và Công ty TNHH MTV Hương Vĩnh Cửu. Kết quả đã tiêu thụ được hơn 23 tấn thịt heo của doanh nghiệp vào các bếp ăn công nghiệp và sẽ giao thịt heo vào tháng 7/2017; đồng thời, đang đàm phán ký hợp đồng giao thịt heo cho các công ty đã tham gia đoàn kết nối.
Đoàn công tác của Sở Công Thương Đồng Nai làm việc với doanh nghiệp kết nối tiêu thụ thịt heo. |
Đoàn đã làm việc với 32 doanh nghiệp có đông công nhân lao động, có bếp ăn tập thể tại các KCN Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch, Sông Mây và các doanh nghiệp cung cấp thức ăn công nghiệp. Ông Lê Ngọc Tích - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Đồng Nai- Trưởng đoàn công tác- cho biết, qua các buổi kết nối, đại diện các công ty được khảo sát đều chấp thuận tăng khẩu phần thịt heo trong bữa ăn của công nhân.
Công đoàn cơ sở của các doanh nghiệp sẽ vận động công nhân mua thịt heo cho gia đình. Công ty bán thịt heo có khuyến khích bằng cách trích lại một phần doanh thu làm kinh phí cho hoạt động công đoàn; một số đơn vị còn đề nghị cho mở quầy thịt heo tại công ty để bán cho công nhân vào cuối ca, như Công ty Pouchen. Công ty TNHH TaekWangVina đã giới thiệu công nhân đến mua thịt heo tại cơ sở giết mổ của Công ty Anh Hoàng Thy sau giờ tan ca do có cơ sở nằm sát KCN Biên Hòa II.
Ngoài ra, đoàn còn làm việc với một số doanh nghiệp cung cấp suất ăn công nghiệp cho công nhân các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận như: DNTN Hoa Vương, Công ty Toàn Đại Việt, Công ty TNHH MTV Phú Lương, Công ty suất ăn công nghiệp Phước Thành, Công ty TNHH Nam Thành Phát, Công ty TNHH MTV thực phẩm Phương Nga, Công ty TNHH Tiến Hưng Phát.
Các doanh nghiệp này cung cấp hàng chục ngàn suất ăn công nghiệp trong ngày và đều đồng ý tăng tiêu thụ thịt heo trong khẩu phần bữa ăn của công nhân, đồng thời sẽ xúc tiến ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp giết mổ heo sạch và giá cả ổn định”.
Bà Nguyễn Thị Hương- Giám đốc công ty TNHH MTV Hương Vĩnh Cửu- cho biết, nhằm hỗ trợ người chăn nuôi heo, công ty đã tiến hành thu mua trực tiếp thịt heo của các trang trại theo tiêu chuẩn VietGap, không mua qua thương lái nhằm giảm bớt khâu trung gian, đưa thịt heo trực tiếp đến người tiêu dùng. Đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm từ khâu chăn nuôi đến giết mổ trước khi kết nối tiêu thụ vào các bếp ăn công nghiệp.
Ông Đoàn Trần Hùng- Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm Hàn Việt- đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp tại Đồng Nai và Bình Dương chia sẻ, đồng hành cùng chủ trương của UBND tỉnh Đồng Nai hỗ trợ người chăn nuôi heo, doanh nghiệp sẽ làm việc với các nhà cung cấp để đưa thịt heo vào các suất ăn công nghiệp.
Có thể nói, chuyến kết nối lần này đã mang lại kết quả tốt đẹp, nhiều doanh nghiệp nước ngoài có số lượng công nhân lớn đã ký kết hợp đồng mua thịt heo, nhiều doanh nghiệp đã đến tận lò mổ của Công ty TNHH MTV Hương Vĩnh Cửu- đơn vị cung cấp thịt heo để khảo sát đặt vấn đề ký hợp đồng lâu dài.
Theo bà Đinh Thị Hoa- Giám đốc DNTN Hoa Vương, TP. Biên Hòa, công ty đã đến kiểm tra trực tiếp quy trình giết mổ thịt heo nhằm đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm khi đưa vào suất ăn cho công nhân, kết nối với đơn vị cung cấp góp phần hỗ trợ tiêu thụ thịt heo cho người chăn nuôi trong tình hình khó khăn hiện nay.
Đồng hành cùng tỉnh Đồng Nai trong phong trào giải cứu thịt sạch, Công TNHH MTV Hương Vĩnh Cửu đã khai trương 2 điểm bán hàng thịt heo bình ổn, sạch, an toàn tại huyện Vĩnh Cửu. Ngoài ra, công ty còn thu mua heo đạt tiêu chuẩn trong bà con nông dân với mức giá trên 30.000 đồng/kg.
Hiện thịt heo đạt chuẩn Vietgap được công ty bán ra cho các bếp ăn tập thể và người tiêu dùng có giá dao động từ 40 đến 60.000 đồng/kg tùy loại. Đây cũng là doanh nghiệp giết mổ được địa phương đánh giá cao không chỉ về chất lượng mà còn bởi luôn đồng hành cùng địa phương trong các hoạt động cộng đồng.
Có thể thấy rằng, việc “Kết nối tiêu thụ thịt heo vào các bếp ăn tập thể, bếp ăn công nghiệp trên địa bàn tỉnh” bước đầu đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, về lâu dài, cần có những chính sách căn cơ hơn để tránh tình trạng đầu ra cho bà con bấp bênh như hiện nay.
Cần giải pháp căn cơ…
Câu chuyện về con heo cũng như câu chuyện về cây chuối trước đây của Đồng Nai cho thấy, đã đến lúc cần có những giải pháp căn cơ hơn trong việc định hướng trồng cây gì, nuôi con gì cho bà con nông dân. Nếu định hướng không tốt, chắc chắn những câu chuyện như cây chuối, thịt heo…. vẫn còn lặp lại và người chịu thiệt nhất vẫn chính là những người nông dân.
Một điểm bán thịt heo sạch trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. |
Theo ông Dương Minh Dũng- Giám đốc Sở Công Thương Đồng Nai, trong tình hình hiện nay, người dân cần giảm đàn heo, lựa chọn các giống heo tốt, ít bệnh để nuôi. So với các nước trong khu vực hiện nay thì giá thành chăn nuôi heo trong nước còn khá cao, khả năng cạnh tranh thấp, ảnh hưởng không nhỏ đến việc xuất khẩu, nhất là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Vì thế, người chăn nuôi cần thực hiện tốt quy trình chăn nuôi khép kín nhằm giảm giá thành thấp hơn nữa mới có thể đẩy mạnh việc xuất khẩu vào các nước trong khu vực.
Sản xuất thịt heo hiện đang có tiềm năng lớn nhưng muốn thịt heo Việt đứng vững trên thị trường, rất cần có những dây chuyền giết mổ hiện đại, bảo quản thịt đông lạnh để xuất khẩu. Ngoài ra, cần tuyên truyền, định hướng chăn nuôi cho bà con nông dân đảm bảo quy trình chăn nuôi sạch, đạt chuẩn để có đầu ra ổn định, bởi hiện nay vẫn còn tình trạng chăn nuôi, trồng trọt theo cảm tính và khi có sự cố xảy ra thì lại trở tay không kịp.
Việc cần làm hiện nay để giải cứu thịt heo lâu dài là giải quyết tốt quan hệ cung cầu, rà soát đảm bảo tổng đàn và quy mô đàn heo có cơ cấu hợp lý, địa phương cần có giải pháp kiểm soát heo nái, tiến tới tổ chức liên kết chuỗi và điều quan trọng là mở rộng thị trường xuất khẩu thịt heo. Có như vậy, ngành chăn nuôi heo mới bền vững và bà con nông dân sẽ không còn tình trạng hàng dội chợ, rớt giá như vừa qua.
Sau gần 2 tháng triển khai kế hoạch hỗ trợ tiêu thụ heo, hiện đã tiêu thụ khoảng 570.000 con (trong tháng 5 tiêu thụ khoảng 360.247 con tăng 113.456 con so với tháng 4/2017, bình quân 90.000 con/tuần, 3 tuần đầu trong tháng 6 khoảng 210.000, bình quân 70.000 con/tuần). Tổng đàn heo của Đồng Nai giảm mạnh từ 1,8 triệu con xuống còn khoảng 1,65 triệu con, trong đó heo đến tuổi xuất chuồng từ 80 – 110 kg còn khoảng 184.686 con (trước 30/4 khoảng 350.000 con) và chủ yếu là heo của các trang trại. Heo nuôi nông hộ đã giảm khoảng 70 %, hiện còn khoảng 60.000 con. |