Trong khó khăn, giải ngân vốn đầu tư công vẫn tăng
Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, trong 3 tháng đầu năm, hầu hết các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung thực hiện kế hoạch giải ngân VĐTC năm 2019 còn lại, đồng thời tích cực phân bổ kế hoạch, nhập dự toán chi cho các dự án được bố trí kế hoạch vốn năm 2020. Cụ thể, ước đến ngày 31/3, các Bộ, ngành, địa phương đã thực hiện giải ngân trên 61.591 tỷ đồng, đạt 13,09% kế hoạch Thủ tướng giao, cao hơn so với cùng kỳ (cùng kỳ đạt 11,21% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 12,97% kế hoạch Thủ tướng giao). Trong đó, vốn trong nước giải ngân là hơn 58.595 tỷ đồng, vốn nước ngoài là hơn 2.995 tỷ đồng.
Các chuyên gia cho rằng, đẩy mạnh đầu tư công là cần thiết, song trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp thì cần lưu ý các khoản đầu tư công phải thực sự hiệu quả và có tính lan tỏa (Ảnh minh hoạ) |
Chi tiết hơn, Bộ Tài chính cho biết, các Bộ, ngành Trung ương giải ngân đạt hơn 10.735 tỷ đồng, bằng 9,94% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ đạt 3,63% so với kế hoạch Quốc hội đã phân bổ và đạt 5,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao) trong khi các địa phương giải ngân đạt trên 50.855 tỷ đồng, bằng hơn 14% kế hoạch Thủ tướng giao và xấp xỉ bằng tỉ lệ của cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, ngoài 8 Bộ, ngành và 34 địa phương có số giải ngân đạt trên 15% kế hoạch giao thì vẫn có tới 21 Bộ, ngành, địa phương gần như chưa giải ngân được kế hoạch vốn với tỷ lệ giải ngân đạt dưới 1%. Đây là dấu hiệu đáng lo.
Lý giải, Bộ Tài chính đưa ra nguyên nhân, như: Theo Luật Đầu tư công, kế hoạch vốn năm 2019 được kéo dài sang năm 2020, nên hiện các chủ đầu tư tập trung giải ngân nguồn vốn này; một số các dự án được bổ sung kế hoạch từ nguồn dự phòng trung hạn và nguồn điều chỉnh giảm của các dự án quan trọng quốc gia, nhưng chưa được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch;… Đặc biệt, dịch Covid - 19 đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình thực hiện và thanh toán vốn. Thậm chí một số dự án mới đã hoàn thành thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà thầu, giải phóng mặt bằng, thậm chí khởi công song buộc phải giãn, hoãn tiến độ để ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch bệnh.
Biến 30 tỷ USD vốn đầu tư công thành “đòn bẩy” cho nền kinh tế
Đánh giá đúng và toàn diện những tác động bất lợi của dịch Covid-19 trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và gián tiếp đến tăng trưởng kinh tế, liên tục trong các cuộc họp gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cùng với nhiều nhóm giải pháp phòng, chống dịch, ổn định sản xuất, kinh doanh thì đẩy nhanh tiến độ giải ngân VĐTC phải được xem là biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế hết sức quan trọng trong bối cảnh hiện nay với mục tiêu là giải ngân 100% vốn còn lại của năm ngoái và có những biện pháp cụ thể, chế tài mạnh mẽ để đẩy mạnh giải ngân vốn của năm 2020 (với khoảng 30 tỷ USD VĐTC cần giải ngân trong năm nay, gồm vốn ngân sách Nhà nước và vốn vay).
Đánh giá về động thái này, TS. Trần Đình Thiên - nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam – khẳng định: “Chính phủ quyết định tăng chi tiêu công hoàn toàn đúng về nguyên lý và thực tiễn, đây là chi tiêu ngược chu kỳ” và phân tích sâu hơn, trong điều kiện khó khăn, ngân sách cần chi tiêu mạnh hơn để tạo nguồn lực cho nền kinh tế vận hành là hoàn toàn phù hợp.
Đặc biệt, trước việc Thường trực Chính phủ vừa quyết định sẽ trình Quốc hội chủ trương chuyển 3/8 dự án BOT trên tuyến cao tốc Bắc – Nam (tổng vốn khoảng 33.600 tỉ đồng) từ hình thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công trong kỳ họp tháng 5/2020 tới đây nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án được các chuyên gia đánh giá là bước đi cụ thể nhằm đẩy mạnh đầu tư công, "tiếp sức" cho nền kinh tế, bởi khi chuyển hình thức sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ các dự án này trong bối cảnh tư nhân khó khăn, không thu xếp được nguồn vốn tham gia các dự án.
Đặc biệt, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân VĐTC, Bộ Tài chính vừa kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp cấp bách, từ giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các dự án sử dụng từ nguồn dự phòng trung hạn và 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm của các dự án quan trọng quốc gia để các bộ, ngành, địa phương có cơ sở giao kế hoạch vốn năm 2020; khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, giao hết kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách năm 2020 ngay trong tháng 3/2020 cho các dự án… đến tăng cường công tác kiểm tra, có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tập trung chỉ đạo, sớm đưa vào sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng lớn, quan trọng, phát huy tối đa công suất thiết kế, hiệu quả kinh tế - xã hội.
Cho rằng đây là những giải pháp cần thiết, song nhiều chuyên gia lưu ý, trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, kích cầu sẽ cải thiện tốc độ tăng trưởng kinh tế nhưng cần lưu ý các khoản đầu tư công lúc này phải thực sự hiệu quả, có tính lan tỏa.