Dấu ấn doanh nhân trẻ Võ Chí Hải
Ông Võ Chí Hải là doanh nhân trẻ sinh năm 1985, đến từ mảnh đất ở điểm tận cùng phía Nam của Tổ Quốc - Cà Mau. Xuất thân gia đình cơ bản, tuy nhiên, ông Hải sớm đã thành danh trên con đường lập nghiệp, nổi tiếng với vai trò là "thuyền trưởng" của Công ty Cổ phần Xây dựng thương mại Thới Bình (gọi tắt là Công ty Thới Bình), nhà thầu lớn trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông.
Công ty Thới Bình thành lập ngày 16/1/2009, trụ sở chính đặt tại phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh. Khi này, ông Võ Chí Hải ở độ tuổi chỉ vừa "chân ướt, chân ráo" vào đời. Khác biệt so với đám bạn đồng trang lứa vẫn đang loay hoay, mông lung chưa tìm được định hướng, chàng trai gốc Cà Mau nhanh chóng trở thành một "thần đồng" khi chèo lái Công ty Thới Bình giữa muôn vàn khó khăn trên thương trường.
Ông Võ Chí Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Xây dựng thương mại Thới Bình (Ảnh: HTV) |
Theo tài liệu của Báo Công Thương, trước tháng 7/2014, Công ty Thới Bình có vốn điều lệ khá hạn hẹp chỉ 18,74 tỷ đồng, gần như toàn bộ cổ phần trong đó đều thuộc sở hữu của ông Võ Chí Hải. Bao năm sống "ẩn dật", thời khắc chạm ngưỡng 30 tuổi, may mắn bắt đầu gõ cửa, ban tặng cho ông Võ Chí Hải cơ hội "thay da đổi thịt" Công ty Thới Bình từ nhà thầu địa phương "manh nha" thành thế lực đáng gờm trong làng thi công xây dựng, hạ tầng cả nước.
Nhằm tận dụng cơ may hiếm có, ông Võ Chí Hải huy động vốn liếng, nâng cao sức khỏe tài chính Công ty Thới Bình bằng cách rót thêm vốn điều lệ từ 18,74 tỷ đồng lên 50 tỷ đồng. Góp sức cho dòng tiền mới chảy về, là một số nhân vật như ông Nguyễn Quốc Cường (SN 1967), ông Nguyễn Thanh Hải (SN 1978), ông Phan Thanh Giang (SN 1978), ông Quách Tuân (SN 1983).
Sự bổ sung vốn giúp doanh nghiệp của ông Võ Chí Hải kịp thời nhận được về 3 bản hợp đồng làm ăn lớn trong giai đoạn nửa cuối năm 2014, tạo bàn đạp cho hành trình phát triển vẻ vang sau này.
Thứ nhất, phải kể đến là Gói thầu xây lắp số 01 thuộc dự án Xây dựng đê bao chống ngập úng vùng trũng huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng do Ban Quản lý dự án xây dựng các công trình ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng làm chủ đầu tư. Theo Quyết định số 555/QĐ-SNN ngày 7/10/2014 của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, Công ty Thới Bình được chọn làm nhà thầu thực hiện là vì hồ sơ dự thầu (HSDT) đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời thầu (HSMT) về tính hợp lệ, hợp pháp, đạt các tiêu chuẩn về năng lực kinh nghiệm và có giá dự thầu nhỏ hơn so với giá HSMT, đạt yêu cầu của HSMT về giá cả.
Giá trúng thầu của Công ty Thới Bình là trên 18 tỷ đồng, tỷ lệ giảm giá rất nhỏ so với giá dự toán.
Nối tiếp thành công, nhà thầu thắng liền tay 2 gói thầu từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông trực thuộc UBND tỉnh Trà Vinh, bao gồm Gói thầu XL - Xây dựng các cầu trên đường vào Trung tâm các xã Tân Hiệp, Long Hiệp, Ngọc Biên, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh và Gói thầu số 89 - Xây dựng đường kết nối xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh (bị chia cắt bởi kênh Quan Chánh Bố), tổng trị giá trên 83 tỷ đồng. Như vậy, vài tháng ngắn ngủi sau cú tăng vốn hồi tháng 7/2014, Công ty Thới Bình "oẵm" cho mình hơn 100 tỷ đồng từ việc trúng các gói thầu xây lắp tại tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng, chính thức viết tên mình lên bản đồ xây dựng tại Việt Nam.
Mười năm kế tiếp, tới nay, Công ty Thới Bình tiếp tục trúng thêm ít nhất 83 gói thầu thi công xây dựng, hạ tầng giao thông, với giá trị ước tính trên 11.250 tỷ đồng, phần lớn trên vai trò liên danh. Nhà thầu tự mình trúng khoảng 2.000 tỷ đồng từ các công trình, dự án lớn nhỏ tập trung ở vài địa chỉ "nhẵn mặt" như: TP. Hồ Chí Minh, Long An, Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng... Không ít trong số đó, Công ty Thới Bình được chỉ định thầu, gây ấn tượng lớn đối với công luận quan tâm.
Ở TP. Hồ Chí Minh, đối tác "ruột" của Công ty Thới Bình cần nhắc tới là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị thành phố, cơ quan có địa chỉ tại số 10 Trần Nhật Duật, phường Tân Định, quận 1. Thời điểm đáng nhớ nhất là năm 2022, Công ty Thới Bình cùng các cộng sự, thân thiết hơn cả là Công ty TNHH Xây dựng và Khảo sát công trình Thanh Tuấn (Công ty Thanh Tuấn), được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị tin tưởng giao làm 8/10 gói thầu xây lắp "khủng" thuộc "đại dự án" xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn) sử dụng hơn 8.000 tỷ đồng từ ngân sách trung ương và ngân sách thành phố.
Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị trong cuộc họp tháng 4/2024 (Ảnh: VTCNews) |
"Đại dự án" có mục tiêu nâng cấp hệ thống thoát nước, chống ngập và giải quyết ô nhiễm, kết nối hạ tầng giao thông trên địa bàn; đồng thời chỉnh trang đô thị và cải thiện môi trường khu vực dự án, tăng cường kết nối giao thông cho trục Bắc - Nam. Bên cạnh việc là "cặp bài trùng" với Công ty Thanh Tuấn, tại đây, Công ty Thới Bình còn bộc lộ sự tương tác chặt chẽ với những "ông lớn" có "số má" trong ngành, từ Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng), Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) cho đến Tập đoàn Thuận An.
Được biết, người ký phê duyệt kết quả trúng thầu gần như "trọn bộ" 7/8 gói thầu cho Công ty Thới Bình và đồng đội là Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Anh Dũng. Trước đây, ông Dũng là Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP. Hồ Chí Minh (cơ quan được sáp nhập vào Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị từ năm 2019).
Một chân "đạp hai thuyền"
Lội ngược về quê nhà Cà Mau, doanh nhân nặng lòng với những công trình xây dựng hạ tầng Võ Chí Hải còn thể hiện "bàn tay Midas" của mình, khi "chạm" vào Công ty Cổ phần Xây dựng thủy lợi Cà Mau (Công ty Thủy lợi Cà Mau) và biến nó thành một nhà thầu lừng danh, không hề kém cạnh người anh là Công ty Thới Bình. Tiếp cận tài liệu, được biết, tháng 12/2020, giữa cơn bùng nổ dịch bệnh, ông Võ Chí Hải thành công thâu tóm Công ty Thủy lợi Cà Mau trong tay ông Từ Thanh Liêm (SN 1958 - Cà Mau), lên làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc.
Ông Hải lập tức tiến hành cải tổ doanh nghiệp thông qua nhiều hình thức, và rất nhanh đã thu về những thành công nhất định. Dễ nhận thấy nhất, số vốn điều lệ của Công ty Thủy lợi Cà Mau đã tăng "thần tốc" từ 12 tỷ đồng lên 22 tỷ đồng trong tháng 4/2021 (nhận sáp nhập Công ty TNHH Thương mại - Đầu tư - Xây dựng Thăng Long), và tiếp tục tăng lên 71 tỷ đồng trong tháng 12/2021. Điều này có nghĩa, ông Võ Chí Hải đã chấm dứt tháng ngày hoạt động "đì đẹt" của Công ty Thủy lợi Cà Mau sau 18 năm và đưa doanh nghiệp phát triển gấp 6 lần chỉ trong vòng 1 năm kiểm soát.
Việc một chân "đạp hai thuyền" không gây khó khăn, vướng mắc cho ông Võ Chí Hải trong công tác quản trị, điều hành. Thậm chí, ông còn tài tình vận dụng những lợi thế của mỗi doanh nghiệp, ghép nối Công ty Thới Bình và Công ty Thủy lợi Cà Mau thành một liên danh hoàn hảo, để rồi tháng 10/2022 tự tin tham dự Gói thầu - Thi công xây dựng cầu, đường đầu cầu hơn 133,6 tỷ đồng nằm trong dự án Cầu bắc qua sông Cần Giuộc do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An) làm chủ đầu tư, Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng Onecons (Công ty Xây dựng Onecons) phụ trách tổ chức mời thầu.
Quyết định 212 ngày 22/7/2024 do Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Nguyễn Văn Tư ký ban hành (Ảnh chụp màn hình) |
Bỏ thầu sát giá nhưng Công ty Thới Bình và Công ty Thủy lợi Cà Mau vẫn giành thắng lợi lớn, và sau pha phối hợp ăn ý, bộ đôi doanh nghiệp của ông Võ Chí Hải có tiếp không ít lần "bắt tay" với Công ty Xây dựng Onecons - đơn vị chuyên tổ chức mời thầu. Mới nhất, tháng 7/2024, Gói thầu số 21 - Thi công xây dựng công trình của chủ đầu tư Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, trị giá hơn 218,4 tỷ đồng đã được chấm đạt cho hai công ty của ông Võ Chí Hải dưới sự thu xếp của Công ty Xây dựng Onecons (bên mời thầu).
Ít người để ý tới các thương vụ tiền tỷ nêu trên bởi trước đó vào tháng 12/2022, ông Võ Chí Hải đã âm thầm rút lui khỏi Công ty Thủy lợi Cà Mau. Nhưng, đó chỉ là màn "buông rèm nhiếp chính" nhằm tránh gây ồn ào dư luận. Người kế nhiệm ông Hải là nữ doanh nhân 20 tuổi - chị Phan Mỹ Nhiên sinh năm 2002, cùng xuất thân từ TP. Cà Mau. Dĩ nhiên, với kinh nghiệm hạn chế cộng thêm khối lượng công việc to lớn, chị Mỹ Nhiên chỉ đảm trách đến tháng 7/2023 đã bàn giao lại cho ông Võ Chí Hùng (SN 1983, anh trai của ông Võ Chí Hải). Ông Hùng tiếp quản Công ty Thủy lợi Cà Mau đến thời điểm hiện tại. Một trong những sự kiện gắn liền với ông Hùng là việc Công ty Thủy lợi Cà Mau nhận sáp nhập Công ty TNHH Xây dựng thương mại Ruby, hồi tháng 8/2023.
Trở lại với đối tác thân thiết là Công ty Xây dựng Onecons, đại gia Võ Chí Hải đã "nhét túi" toàn bộ 7 gói thầu xây lắp hơn 534 tỷ đồng do đơn vị này mời thầu, họ được "mặc định" trúng thầu dù là gói thầu to hay gói thầu cỡ nhỏ, gây nhiều tranh cãi cho dư luận. Thiết nghĩ, Công ty Xây dựng Onecons hay các chủ đầu tư, với vai trò và trách nhiệm được phân công, phải tuân thủ Luật Đấu thầu, thực hiện quy trình đấu thầu nghiêm túc, minh bạch để chống thất thoát. Nguồn ngân sách nhà nước, hay ngân sách của cơ quan, đơn vị đều có khả năng thiệt hại nghiêm trọng nếu để xảy ra tình trạng sai phạm, tiêu cực trong hoạt động đấu thầu.
Vậy nên, người dân mong rằng các chủ đầu tư, đối tác của Công ty Thới Bình cần nâng cao hiệu quả trong công tác sử dụng vốn đầu tư công, hạn chế mất mát đáng tiếc về cả tài sản và nhân sự có trình độ, hoàn thành trách nhiệm bảo toàn, sử dụng hiệu quả đồng vốn Nhà nước.
Vẫn theo tài liệu của Báo Công Thương, Công ty Thới Bình thời gian qua liên tục tăng trưởng mạnh mẽ về doanh số, các năm sau xô đổ kỷ lục các năm trước. Đặc biệt năm 2023, nhà thầu đã đạt doanh thu kỷ lục 1.032 tỷ đồng, cao nhất trong 15 năm hoạt động. Cùng với đó, tài sản cũng cán ngưỡng 1.050 tỷ đồng, vượt trội so với cùng kỳ (845 tỷ đồng), thiết lập những thành tích rất đáng ngưỡng mộ!
Báo Công Thương sẽ tiếp tục thông tin...