Cục Quản lý giá- Bộ Tài chính nhận định, trong tháng 9 giá thuốc vẫn có sự biến động |
Thuốc nhập khẩu tăng nhẹ
Theo đại diện Cục Quản lý Giá- Bộ Tài chính, trong thời gian vừa qua, trong số các loại thuốc được nhập về Việt Nam có khoảng 3-5% loại thuốc có giá cả biến động với mức tăng, giảm giá phổ biến dưới 10%.
Còn theo thông tin về giá thuốc kê khai lại trên trang điện tử của Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, (tính từ đầu năm đến ngày 30/7/2015), có 51 lượt mặt hàng thuốc nhập khẩu và 606 lượt mặt hàng thuốc trong nước kê khai lại giá (tăng giá), chiếm khoảng 2,5% trong tổng số 25.000 mặt hàng thuốc hiện đang lưu hành trên thị trường.
Lý giải về nguyên nhân của tình trạng giá thuốc nhập khẩu có sự biến động như thời gian qua, theo đại diện Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, đó là giá nhập khẩu nguyên phụ liệu sản xuất thuốc tăng, đơn cử như Hydroxyurea (có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư), giá 170 USD/kg, tăng 47% so với thời gian trước.
Còn theo thống kê vừa được Bộ Y tế công bố cho thấy, trong năm 2014 bình quân mỗi người Việt Nam sử dụng 31 USD tiền thuốc phòng và chữa bệnh, tăng gấp rưỡi so với năm 2009 với 20 USD chi tiêu tiền thuốc/người/năm.
Cũng theo thống kê này, khoảng 50% trong doanh thu 4 tỷ USD của thị trường dược phẩm đang được chi để mua thuốc ngoại. Hiện mặc dù thuốc nội đã gia tăng thị phần, nhưng mới đạt 13% ở bệnh viện tuyến trung ương. Một trong các lý do quan trọng là thuốc nội đang ít mặt hàng chuyên khoa, đặc trị, dạng dùng mới.
Trong 133 dây chuyền đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc của cả nước, chỉ có khoảng 10 dây chuyền sản xuất thuốc chuyên khoa, đặc trị phục vụ bệnh nhân tim mạch, ung thư, tiểu đường.
Do vậy nhiều chuyên gia y tế cảnh báo khi Việt Nam đang lệ thuộc đến 90% nguyên liệu và hơn 50% giá trị thuốc thành phẩm ngoại nhập, cộng thêm việc giá USD tăng thời gian qua, giá thuốc ngoại và nội sẽ còn tiếp tục biến động trong những tháng tới.
Quản lý chặt giá thuốc
Chính phủ đã trình Quốc hội về Dự thảo Luật Dược với đề xuất quản lý giá thuốc theo cơ chế thị trường, đồng thời, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc theo pháp luật, cũng như bảo đảm công khai, minh bạch giá thuốc.
Bộ Y tế đã đề xuất rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước về giá thuốc của các bộ ngành quản lý như Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong vấn đề quản lý giá thuốc, theo Dự thảo Luật Dược, khi có biến động bất thường về giá thuốc và trường hợp mặt bằng giá thuốc biến động ảnh hưởng đến ổn định kinh tế- xã hội, Bộ Tài chính sẽ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định quy định nguyên tắc kê khai giá thuốc, giá thanh toán các mặt hàng thuốc do Nhà nước đặt hàng và giao kế hoạch; Cung cấp cho Bộ Y tế thông tin về giá nhập khẩu thực tế của thuốc nhập khẩu vào Việt Nam (giá CIF). Kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về bình ổn giá thuốc.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, việc phân định rõ trách nhiệm như trên nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý giá thuốc. Còn nếu để Bộ Y tế là cơ quan vừa sản xuất, cấp phép vừa sử dụng, quản lý giá… thì sẽ dẫn tới tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, không bảo đảm khách quan.
Cũng tại Dự thảo Luật Dược, Bộ Y tế đề xuất việc quảng cáo thuốc chỉ được tiến hành quảng cáo khi nội dung quảng cáo đã được cơ quan quản lý Nhà nước về dược xác nhận và phải quảng cáo đúng nội dung đã được xác nhận. Thuốc kê đơn không được quảng cáo dưới mọi hình thức. Trường hợp quảng cáo trên truyền thanh, truyền hình phải đáp ứng đủ các điều kiện: Có số đăng ký tại Việt Nam đang còn hiệu lực; có hoạt chất thuộc danh mục được quảng cáo trên truyền thanh, truyền hình do Bộ Y tế ban hành. |