Xuất khẩu cà phê sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới Xuất khẩu cà phê đang đối diện thách thức nào? Giá cà phê Robusta hồi phục, thêm kỳ vọng cho xuất khẩu cà phê Việt Nam |
Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 15 ngày đầu tháng 8, cả nước xuất khẩu 37,4 nghìn tấn cà phê, thu về kim ngạch 110,8 triệu USD; giảm 23,3% về lượng và nhưng chỉ giảm 3,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Luỹ kế từ đầu năm đến hết ngày 15/8, nước ta đã xuất khẩu tổng cộng 1,54 triệu tấn cà phê, tương đương kim ngạch 2,81 tỷ USD, giảm 20% về lượng nhưng tăng gần 5% về giá trị do giá xuất khẩu tăng cao.
Xuất khẩu cà phê tăng gần 5% về giá trị |
Trên các sở giao dịch thế giới, giá cà phê có sự biến động trái chiều trong thời gian qua. Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc tuần giao dịch 14-20/8, cà phê Arabica đã trải qua chuỗi giảm 8 ngày liên tiếp và giá chỉ hồi phục vào phiên cuối tuần. Đóng cửa, mặt hàng này đánh mất gần 5% giá trị, chốt ở sát mức 3.307 USD/tấn. Cà phê Robusta giảm hơn 6%. Theo MXV, triển vọng mùa vụ tích cực tại Brazil giúp nguồn cung toàn cầu được củng cố là yếu tố chính gây áp lực lên giá cà phê trong tuần qua.
Theo thống kê sơ bộ từ Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE), chỉ trong 16 ngày đầu tháng 08, Brazil đã xuất khẩu được 400,2 nghìn bao cà phê Robusta loại 60kg. Đây là mức xuất khẩu Robusta cao nhất so với cùng kỳ các tháng. Việc Brazil đẩy mạnh xuất khẩu cà phê Robusta đã xoa dịu lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường thế giới do khan hiếm cà phê tại Việt Nam.
Trong khi đó, CECAFE cũng cho biết, Brazil đã xuất khẩu hơn 1,4 triệu bao cà phê Arabica dạng hạt loại 60kg, tăng 26% so với mức được vận chuyển ra nước ngoài trong cùng kỳ tháng trước. Đồng thời, tổng lượng cà phê vận chuyển trong 18 ngày đầu tháng 08 đạt hơn 2 triệu bao, tăng khoảng 500 nghìn bao so với cùng kỳ tháng trước.
Tuy nhiên, xu hướng giảm của giá cà phê được cho chỉ là yếu tố ngắn hạn. Về dài hạn, giá cà phê, đặc biệt là cà phê Robusta sẽ tiếp tục tăng khi nhu cầu tiếp tục gia tăng ở các thị trường trên thế giới. Bên cạnh đó, mức giá cạnh tranh của cà phê Robusta với cà phê Arabica cũng là lý do sản phẩm này được lựa chọn nhiều hơn.
Thời gian qua, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang các thị trường Ý, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga, Algieria, Hà Lan, Mexico đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Tháng 7 cũng là tháng ghi nhận giá cà phê Việt Nam lên cao kỷ lục với 2.828 USD/tấn.
Nếu lượng xuất khẩu những tháng cuối năm bằng với cùng kỳ năm trước và giá xuất khẩu bằng với những tháng đầu năm, thì lượng cà phê xuất khẩu cả năm sẽ đạt khoảng 1,718 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu cà phê sẽ đạt 4,2 tỷ USD và là mức kỷ lục từ trước đến nay.
Kỳ vọng này xuất phát từ một số căn cứ. Diện tích gieo trồng cà phê liên tục tăng trong thời gian qua (năm 2022 tăng 42,9% so với 2005). Sản lượng cà phê năm 2022 đạt 1,897 triệu tấn, tăng 7,5% so với 2020 và tăng 2,8% so với 2021. Lượng cà phê xuất khẩu tăng mạnh, nếu năm 2000 đạt 734.000 tấn, thì đến năm 2010 đã đạt 1,218 triệu tấn, năm 2015 đạt 1,341 triệu tấn, năm 2020 đạt 1,565 triệu tấn và năm 2022 đạt 1,778 triệu tấn.
Trước đó, năm 2022 là một năm rất thành công đối với hoạt động xuất khẩu cà phê của Việt Nam, với lượng xuất khẩu 1,78 triệu tấn và kim ngạch đạt trên 4,06 tỷ USD, là mức cao nhất từ trước tới nay. Với kết quả 8 tháng đầu năm 2023, có thể tự tin rằng kim ngạch cà phê năm 2023 sẽ tiếp tục thiết lập kỷ lục mới.