Cứ 2 tuần Việt Nam lại phải ứng phó với 1 vụ phòng vệ thương mại Phòng vệ thương mại: Chủ động trước các nguy cơ điều tra Ứng phó biện pháp phòng vệ thương mại: Đừng để “nước đến chân mới nhảy” |
Theo Bộ Công Thương, ngành dệt may Việt Nam đã và đang phát triển mạnh mẽ, và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng của nền kinh tế. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt 40,4 tỷ USD, chiếm 12% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt khoảng 18,65 tỷ USD, tăng 21,6 % so với cùng kỳ năm 2021, đóng góp đáng kể vào tổng kim ngạch xuất khẩu 186 tỷ USD của Việt Nam.
Tuy vậy, theo đánh giá của Bộ Công Thương, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, ngành dệt may Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều rủi ro liên quan đến nhu cầu tiêu dùng tại một số thị trường suy giảm, diễn biến phức tạp của xung đột Nga - Ukraine khiến giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Đặc biệt, gần đây xu hướng bảo hộ thương mại ở nhiều thị trường gia tăng, kéo theo đó là những vụ việc phòng vệ thương mại với hàng dệt may xuất khẩu cũng đối mặt với những vụ kiện chống bán phá giá và chống lẩn tránh thuế…
Liên quan vấn đề này, ông Phùng Gia Đức - Phó Trưởng phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) - cho biết: Tính từ năm 1998 đến tháng 7/2022 đã có 22 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại với hàng dệt may và các vụ việc này có chiều hướng gia tăng trong vòng 3 năm trở lại đây. Trong số các vụ việc trên có 12 vụ việc điều tra chống bán phá giá, 3 vụ việc điều tra chống trợ cấp, 1 vụ việc điều tra chống lẩn tranh, 6 vụ việc tự vệ. Điển hình phải kể tới như vụ việc Ấn Độ điều tra chống bán phá giá với sản phẩm xơ sợi staple nhân tạo và sợi spun polyeste của Việt Nam; Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá với sản phẩm sợi polyester và Thổ Nhỹ Kỳ điều tra tự vệ sản phẩm sợi từ polyeste của Việt Nam.
Chỉ ra nguyên nhân các vụ việc phòng vệ thương mại có chiều hướng tăng, đại diện của Cục Phòng vệ thương mại cho biết, Việt Nam hiện đã vươn lên đứng vị trí thứ 3 trong top các quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất triên thế giới, chiếm 6,4% thị phần toàn cầu (chỉ sau Trung Quốc). Khi xuất khẩu càng tăng mạnh thì nguy cơ bị kiện, điều tra và bị áp phòng vệ thương mại càng lớn.
Để tránh nguy cơ bị áp thuế phòng vệ thương mại, Cục Phòng vệ thương mại khuyến cáo: Doanh nghiệp cần cập nhật thông tin từ đối tác nhập khẩu về tình hình thị trường, đặc biệt là các động thái khởi xướng vụ việc phòng vệ thương mại. Song song đó, chuẩn hóa, minh bạch hệ thống quản trị, lưu trữ giấy tờ, tài liệu, kiểm soát lượng và giá xuất khẩu, sẵn sàng các đầu mối trợ giúp khi có vụ việc diễn ra. Ngoài ra, doanh nghiêp nên có bộ phận pháp chế, luật sư có chuyên môn về phòng vệ thương mại để tư vấn kịp thời và khi có vụ việc diễn ra phải tham gia hợp tác đầy đủ và toàn diện để tự chứng minh và giảm thiểu thiệt hại nếu bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Về phía Bộ Công Thương, để hỗ trợ doanh nghiệp, Cục Phòng vệ thương mại sẽ duy trì liên lạc với cơ quan điều tra phòng vệ thương mại của nhiều nước, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, hiệp hội và doanh nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp bày tỏ quan điểm, phản bác các lập luận thiếu căn cứ, đồng thời cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình xử lý vụ việc…