Bà Phạm Thị Hoa (61 tuổi), trú thôn Xuân Thái, xã Phú Thọ, huyện Quốc Sơn, cho biết, gia đình bà trồng 5 sào sắn, đây cũng là nguồn thu nhập chính cho cả nhà. Nhưng đến vụ thu hoạch, bà huy động cả nhà nhổ sắn bán thì được biết giá sắn giảm hơn một nửa so với vụ trước. “Trước, giá sắn 1.200 - 1.400 đồng/kg nay chỉ còn 500 - 600 đồng/kg, chẳng đủ bù chi phí” - bà Hoa thở dài.
Ông Nguyễn Trương Quy (thôn 2, xã Phú Thọ) trồng 7 sào sắn. Mọi năm, sau vụ thu hoạch, thương lái đến tận đồng thu mua, trừ hết chi phí cũng cho lãi vài triệu đồng. Nhưng vụ sắn năm nay, giá sắn chỉ còn 500-600 đồng/kg. “Nhổ hết 6 sào rồi mà bán cũng chỉ thu về được 2,5 triệu đồng xem như lỗ nặng. Quanh năm cặm cụi để chờ thu hoạch mà giá bèo bọt thế này thì không biết tính sao. Mùa mưa lũ lại đến rồi, không nhổ bán thì cũng thối hết rồi bỏ” - ông Quy nói.
Ông Nguyễn Trường Sang, Chủ tịch UBND xã Phú Thọ, cho biết, toàn xã có hơn 300 ha sắn được chuyển đổi từ đất ruộng qua, trung bình mỗi hécta sắn người dân thu hoạch khoảng 30 tấn sắn tươi. Mấy năm trước, thu về khoảng 30 triệu đồng/ha. Thế nhưng, đầu tháng 10/2016, sau nhiều đợt mưa lớn, nhiều người dân trong xã tranh thủ nhổ sắn bán thì giá sắn thấp bất ngờ. Người trồng sắn các huyện Duy Xuyên, TP Tam Kỳ cùng cảnh ngộ.
Ông Lê Muộn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Quảng Nam, cho biết, toàn tỉnh có 12.000 ha sắn; việc giá sắn giảm đột ngột thời gian qua là do nông dân ồ ạt thu hoạch trước mùa mưa lũ, hơn nữa do việc thu hoạch quá gấp (trước mùa mưa) nên sắn non tuổi ảnh hưởng tới giá cả. Ngoài ra, do giá tinh bột sắn thế giới giảm. Ông Muộn cho biết, các nhà máy đặt vấn đề mở rộng diện tích trồng sắn để phục vụ chế biến nhưng quan điểm ngành nông nghiệp tỉnh là không ủng hộ, bởi diện tích trồng sắn đã tăng vượt quy hoạch.