Giá lợn hơi hôm nay 3/9: Tiếp tục giảm nhẹ tại một số tỉnh, thành trên cả nước Giá lợn hơi hôm nay ngày 1/9: Tiếp tục lao dốc, miền Bắc xuống ngưỡng 80.000 đồng/kg |
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), tính đến cuối tháng 7/2020, tổng đàn lợn của cả nước đạt khoảng 25,18 triệu con, tương đương 81,9% so với tổng đàn lợn trước khi có dịch tả lợn châu Phi, tăng 11,6% so với 1/1/2020 và tăng 4,2% so với 1/4/2020. Có 12 tỉnh, thành phố có tốc độ tái đàn và tăng đàn lợn đạt trên 100% (trung bình 118,3%); có 9 tỉnh, thành phố có tốc độ tái đàn từ 90 đến dưới 100% (trung bình 94,3%); có 20 tỉnh thành phố có tỷ lệ tái đàn đạt từ 70 đến dưới 90% (trung bình đạt 81%); có 22 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tái đàn dưới 70% (trung bình chỉ đạt 55,5%).
Bộ NN&PTNT đang thúc đẩy chăn nuôi an toàn sinh học |
Theo báo cáo của 16 doanh nghiệp và đơn vị chăn nuôi lợn lớn, đàn lợn thịt đến tháng 7/2020 đạt trên 4,88 triệu con, tăng so với thời điểm 1/1/2019 (trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi) là 52,8%, tăng so với 1/1/2020 là 46,8%. Kế hoạch của 16 doanh nghiệp đến hết quý III đạt 5,17 triệu con và quý IV đạt 5,36 triệu con (tăng 68% so với 1/1/2020).
Liên quan đến việc giá lợn hơi trên thị trường trong hơn 1 tháng qua liên tục giảm, và hiện phổ biến từ 74.000-80.000 đồng/kg, giảm từ 15.000-20.000 đồng/kg so với thời điểm giá cao nhất. Trong khi giá lợn giống vẫn ở mức cao, và dao động từ 2.500.000-3.000.000 đồng/con, khiến người chăn nuôi gặp khó khăn do giá thành chăn nuôi quá cao. Ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi - cho biết, nếu hạch toán chi tiết người chăn nuôi đi mua con giống thì giá thành khoảng 71.000 đồng/kg lợn hơi, nếu nuôi khép kín từ khâu giống đến nuôi thịt thì giá thành khoảng 50.000 đồng/kg lợn hơi, thời gian tới, giá con giống giảm thì chi phí giá thành ở mức 60.000 - 61.000 đồng/kg. Như vậy, với mức giá lợn hơi như hiện nay, nông dân vẫn đảm bảo có lãi.
Về việc tốc độ giảm giá lợn giống giảm chậm hơn so với tốc độ giảm giá lợn hơi trên thị trường, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thông tin, đến tháng 7/2020, theo báo cáo của các địa phương, tổng đàn nái của cả nước đạt 2,93 triệu con, tăng hơn 7,7% so với 1/1/2020, đạt 99,8% so với kế hoạch của quý II/2020. Cùng với đàn nái thì đến tháng 7/2020 cả nước có trên 56 nghìn con lợn đực giống, đủ để sản xuất tinh và phối giống cho tổng đàn nái.
Mặc dù, đàn nái như vậy, nhưng do tháng 5-9/2019 là giai đoạn cao điểm của dịch tả lợn châu Phi, các cơ sở chăn nuôi lợn không cho phối giống hoặc hạn chế phối giống nên ảnh hưởng đến nguồn cung con giống ở giai đoạn đầu năm 2020. Từ tháng 10/2019, các cơ sở chăn nuôi lớn mới cho phối giống và tăng đàn lợn thịt, các cơ sở chăn nuôi nhỏ phải cuối năm 2019, đầu năm 2020 mới cho tái đàn, như vậy, dự kiến đến cuối quý III/2020, đầu quý IV/2020 mới đảm bảo cơ bản nhu cầu thịt lợn. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết thêm, vừa qua, các doanh nghiệp lớn sản xuất lợn giống chủ yếu thay thế nội bộ của doanh nghiệp và mạng lưới gia công, rất hạn chế bán con giống ra ngoài. Do đó, giá lợn giống hiện nay rất cao, từ 2.500.000 - 3.000.000 đồng/con. “Phải mất 6 tháng thì mới có đủ lượng lợn giống xuất ra ngoài, do đó, giá lợn giống giảm sẽ có độ trễ hơn so với giảm giá lợn hơi”, ông Phùng Đức Tiến nói.
Cũng theo ông Phùng Đức Tiến, giá lợn giống sắp tới giảm sẽ kéo giá thành sản xuất giảm, giá bán lợn hơi và thịt lợn trên thị trường sẽ giảm. “Chúng tôi kỳ vọng giá lợn hơi từ nay đến cuối năm sẽ dao động trong khoảng 70.000 đồng/kg. Với mức giá này sẽ vừa đảm bảo phát triển chăn nuôi lợn trong nước, vừa đảm bảo nguồn cung thực phẩm, đảm bảo lợi ích của người tham gia chăn nuôi”, ông Tiến nói.
Kết quả trên cũng đúng với nhận định của Bộ Công Thương và nhiều chuyên gia khác là khi nguồn cung dồi dào, thị trường thịt lợn sẽ ổn định, giá cả thịt lợn sẽ về đúng giá trị của nó theo quy luật cung cầu.