Thứ hai 28/04/2025 19:51

Gia Lai tăng cường liên kết để dịch vụ logistics ‘cất cánh’

Xác định dịch vụ logistics sẽ tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế, tỉnh Gia Lai đang triển khai nhiều giải pháp cụ thể để logistics "cất cánh".

Là thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn cho sự phát triển của ngành dịch vụ logistics, tỉnh Gia Lai định hướng phát triển logistics để tạo đòn bẩy cho hoạt động thương mại dịch vụ và xuất khẩu, góp phần tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm, hàng hóa của tỉnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, địa phương này vẫn còn đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc và để đạt được những mục tiêu đề ra đòi hỏi cần phải có chiến lược dài hơi, bài bản và phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay.

Vùng đất tiềm năng để phát triển dịch vụ logistics

Trên thực tế, tỉnh Gia Lai hiện là trung tâm phát triển nông nghiệp mạnh của cả nước khi sở hữu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực có giá trị kinh tế như: Cà phê đạt 210.000 tấn, tương ứng 620 triệu USD; mủ cao su đạt 830 tấn, tương ứng 1,25 triệu USD; sản phẩm gỗ đạt 2,1 triệu USD,...

Cà phê là một trong những mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh Gia Lai

Những năm gần đây, hoạt động xuất khẩu của tỉnh liên tục tăng trưởng về quy mô, sản phẩm xuất khẩu ngày càng được nâng cao về chất lượng. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của Gia Lai từ 660 triệu USD năm 2022 lên 680 triệu USD năm 2023 và đạt 820 triệu USD năm 2024.

Với điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý sẵn có, Gia Lai đã hình thành và phát triển nhiều trang trại sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao phục vụ cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu, nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực có giá trị kinh tế cao.

Đường bộ có tổng chiều dài khoảng 12.862 km và Cảng Hàng không Pleiku đã đáp ứng cơ bản nhu cầu vận tải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và từng bước cải thiện đời sống của nhân dân. Gia Lai cũng có 1 cửa khẩu quốc tế thực hiện việc xuất nhập khẩu hàng hóa với Vương quốc Campuchia nằm trong Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh với tổng diện tích tự nhiên khoảng 41.515 ha; kết nối các hoạt động kinh tế của tỉnh, vùng Tây Nguyên, Duyên hải Trung bộ với các tỉnh Đông Bắc Campuchia.

Khu Kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh

Bên cạnh những lợi thế nêu trên, phải thẳng thắn nhìn nhận sự phát triển của ngành logistics ở Gia Lai vẫn tồn tại nhiều hạn chế, như: Chưa khai thác hết được lợi thế địa kinh tế; cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động logistics cũng như sự kết nối giữa hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin chưa cao.

Cùng với đó, Gia Lai hiện chỉ có 2 phương thức vận tải chính là đường bộ và đường hàng không nên hạ tầng logistics trên địa bàn tỉnh chủ yếu gồm hạ tầng đường bộ, hạ tầng đường hàng không và hạ tầng kho bãi. Trong khi đó, năng lực khai thác của hệ thống đường bộ trên địa bàn thấp, chưa có đường cao tốc; hệ thống các công trình hạ tầng giao thông còn thiếu tính đồng bộ; chưa có hạ tầng phục vụ để hình thành trung tâm logistics của tỉnh và của vùng (gồm cả các cảng cạn ICD).

Ngoài ra, các loại hình dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh có quy mô tương đối nhỏ lẻ, loại hình dịch vụ đơn giản, chưa có tính liên kết cao, chưa mang lại giá trị gia tăng lớn. Hiện chủ yếu là các hoạt động vận tải, chuyển phát hàng hóa đơn lẻ hoặc dịch vụ thuê kho, bãi. Các dịch vụ khác như: Hỗ trợ bảo quản (kho lạnh, sấy nhiệt, chiếu xạ…), đóng gói, hỗ trợ thủ tục hải quan, giao nhận, phân tích và kiểm định kỹ thuật,… chưa được các doanh nghiệp "mạnh tay" đầu tư.

Tăng liên kết để phát triển ngành logistics

Ông Hồ Liên Nam - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn cho biết: Thực hiện chủ trương của Chính phủ về thúc đẩy liên kết vùng, Cảng Quy Nhơn xác định Gia Lai nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung là những vùng thị trường lớn. Cảng Quy Nhơn nằm ở km số 0 của quốc lộ 19, kết nối giữa Bình Định và các tỉnh Tây Nguyên, cảng đã có các hãng tàu lớn của thế giới ghé và hiện nay đang có đa dạng các dịch vụ đi các khu vực châu Âu, Mỹ, Đông Bắc Á. Đây là điểm thuận lợi cho luồng hàng xuất khẩu của Gia Lai.

“Thời gian qua, chúng tôi đã kết nối với Gia Lai để tiếp cận các khách hàng có nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa thông qua Cảng Quy Nhơn. Vì vậy, trong việc phối hợp, đồng hành với khách hàng, Cảng Quy Nhơn sẽ cung cấp các giải pháp logistics tốt nhất, để hàng hóa của Gia Lai nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung được xuất khẩu ra các nước thuận lợi, tiết giảm chi phí logistics để tăng sức cạnh tranh trên thị trường” - ông Nam chia sẻ.

Để phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2023-2025, định hướng 2030, ông Phạm Văn Binh - Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai cho biết: Sở đã ban hành kế hoạch triển khai với mục đích nâng cao nhận thức, kiến thức về các vấn đề liên quan hoạt động logistics cho cán bộ, công chức làm công tác quản lý, các doanh nghiệp, hợp tác xã. Xây dựng và phát triển dịch vụ logistics nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, phát triển thương mại truyền thống, thương mại quốc tế và thương mại điện tử, tăng cường liên kết vùng và hội nhập quốc tế.

Dịch vụ logistics được đầu tư sẽ giúp bảo quản, vận chuyển tốt hơn hàng ngàn tấn nông sản của người dân

Cụ thể, kế hoạch sẽ tập trung vào công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến tình hình triển khai tổ chức đào tạo, tập huấn phổ biến các cơ chế, chính sách liên quan đến dịch vụ logistics; các biện pháp nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ, phát triển thị trường dịch vụ logistics; đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực ngành logistics; các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối hợp tác trong lĩnh vực dịch vụ logistics; các biện pháp hỗ trợ xây dựng chuỗi cung ứng nông sản gắn với dịch vụ logistics.

Cùng với đó, triển khai thực hiện công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát thị trường và hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics trong các khâu lưu thông, vận chuyển, phân phối, dự trữ hàng hóa. Kết hợp kiểm tra và hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện các quy trình, điều kiện kinh doanh đảm bảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định. Xử lý nghiêm minh, kịp thời các vi phạm theo đúng quy định pháp luật để xây dựng thị trường kinh doanh dịch vụ logistics lành mạnh và hiệu quả, góp vai trò quan trọng thúc đẩy sản xuất kinh doanh tăng trưởng.

Các loại hình dịch vụ logistics tại Gia Lai quy mô tương đối nhỏ lẻ.

“Sở Công Thương cũng sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương, các đơn vị sản xuất kinh doanh, các hội, hiệp hội triển khai các giải pháp đẩy mạnh, thu hút đầu tư, khuyến khích, thu hút các nhà cung cấp dịch vụ logistics, các doanh nghiệp logistics trong nước (hoặc quốc tế) đặt trụ sở, chi nhánh và văn phòng giao dịch tại tỉnh. Đẩy mạnh kêu gọi, xúc tiến đầu tư các dự án phát triển hạ tầng dịch vụ logistics theo quy hoạch. Cụ thể là các dự án phát triển hạ tầng giao thông, xây dựng các cảng cạn, trung tâm kho vận quốc tế logistics Tây Nguyên” - ông Binh nhấn mạnh.

Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021- 2030 tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có xác định mục tiêu: "Đến năm 2030, Gia Lai sẽ trở thành tỉnh phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững; nâng cao chất lượng tăng trưởng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, trở thành vùng động lực tiểu vùng Bắc Tây Nguyên. Hình thành các mô hình nông nghiệp sinh thái, hiện đại, thông minh; nông nghiệp hữu cơ có thương hiệu. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp thân thiện môi trường, phục vụ nông nghiệp; phát triển dịch vụ logistics, khoa học công nghệ để xây dựng chuỗi sản phẩm nông nghiệp. Chú trọng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo".
Bài và ảnh: Hiền Mai
Bài viết cùng chủ đề: Ngành dịch vụ logistics

Tin cùng chuyên mục

Đào Bắc Hà mất mùa: Sản lượng giảm, giá không tăng

Nam Định còn bao nhiêu xã phường và tên gọi ra sao sau sắp xếp?

Ngành Công Thương Đắk Nông chủ động mở rộng đầu ra nông sản

Bà Rịa-Vũng Tàu: Đồng loạt khởi công, khánh thành 4 công trình

Long An khởi công, khánh thành 5 dự án trọng điểm

Khởi công Dự án Nhà ga T2 - Cảng hàng không Đồng Hới

Bà Rịa - Vũng Tàu: Sẽ đấu thầu 43 ha làm Nhà máy nhiệt điện LNG Long Sơn

Điện Biên dự kiến giảm mạnh 65% đơn vị cấp xã

HĐND TP. Hồ Chí Minh họp kiện toàn bộ máy hành chính

Ninh Thuận: Biến nắng gió thành đột phá phát triển kinh tế xanh

DDCI Sơn La 2024: Đòn bẩy cải cách môi trường kinh doanh

Hà Nam: Mở lối phát triển nấm linh chi dược liệu

Đắk Nông đẩy mạnh kết nối, mở rộng đầu ra cho sản phẩm OCOP

Những lợi thế kinh tế của tỉnh Long An và Tây Ninh

Ninh Thuận tăng tốc, đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà đầu tư triển khai Dự án Nhiệt điện khí LNG Cà Ná

Tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang họp bàn phương án hợp nhất

Vĩnh Phúc thực hiện Nghị quyết 55- Bài 1: Tiết kiệm năng lượng không chỉ là khẩu hiệu

Đồng Tháp - Tiền Giang: Động lực tăng trưởng mới của miền Tây

Sở Công Thương Bà Rịa - Vũng Tàu được giao cấp phép hoạt động điện lực

Bình Dương: Xem xét nhiều nội dung về đầu tư công, quy hoạch, công nghiệp