Tháng 2/2023, hồ tiêu xuất khẩu tăng trưởng 2 con số Giá hồ tiêu kỳ vọng sẽ phục hồi vào cuối năm 2023 |
Trung Quốc – thị trường xuất khẩu chính của hồ tiêu Việt
Theo thống kê bộ sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, trong tháng 4/2023 Việt Nam xuất khẩu được 26.291 tấn hồ tiêu với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 83,4 triệu USD, giảm 26,8% về lượng, và giảm 22,3% về kim ngạch so với tháng 3/2023.
Giá hồ tiêu có đang vào chu kỳ tăng mới? |
Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu chính của hồ tiêu Việt Nam trong tháng 4/2023 đạt 9.995 tấn, tuy nhiên so với tháng trước giảm 36,4%. Xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường Hoa Kỳ cũng giảm 20% đạt 3.816 tấn, tương tự xuất khẩu sang Ấn Độ, UAE, Thái Lan, Philippine… cũng giảm, tuy nhiên lại tăng ở Đức, Hà Lan, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ…
Tính chung, trong 4 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu được 103.018 tấn hồ tiêu với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 319,3 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước lượng xuất khẩu tăng 29,7%, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu giảm 13,6%.
Xuất khẩu sang khu vực châu Á tăng 77% chiếm 60,2% thị phần trong đó Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu chính của hồ tiêu Việt Nam. 4 tháng đầu năm 2023 xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 35.914 tấn, tăng 1.430,2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, xuất khẩu sang UAE và Ấn Độ lần lượt giảm 27,2% và 32,7%.
Thị phần xuất khẩu sang châu Mỹ chiếm 17,3%, tuy nhiên so cùng kỳ giảm 5,4% trong đó xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 5.684 tấn, giảm 18,3%. Xuất khẩu sang châu Âu cũng giảm 9,5%, trong đó Đức giảm 43,7%; Hà Lan giảm 20,5%; Thổ Nhĩ Kỳ tăng 188,7% và Anh giảm 12,7%… Xuất khẩu sang châu Phi có dấu hiệu hồi phục, đặc biệt là thị trường chính Ai Cập tăng 239,5% đạt 1.786 tấn.
Nhìn chung, thị trường hồ tiêu thế giới vẫn sẽ đối mặt với khó khăn trong quý II/2023 do nhu cầu tiêu thụ tại các nền kinh tế lớn như EU, Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản … chậm lại. Kinh tế khó khăn, lạm phát vẫn ở mức cao, căng thẳng địa chính trị kéo dài, bất ổn trên thị trường tài chính được cho là nguyên nhân khiến nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu giảm. Ngược lại, nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu của Trung Quốc được dự báo tăng mạnh sẽ là yếu tố giúp nâng đỡ thị trường.
Mặc dù vậy, giá hồ tiêu được dự báo sẽ hưởng lợi nhờ nguồn cung hạn chế. Theo báo cáo tháng 4/2023 của Nedspice (Công ty nhập khẩu gia vị trụ sở chỉnh ở Hà Lan), nông dân Indonesia và Brazil đang có xu hướng bỏ cây tiêu, chuyển sang cây trồng có lợi nhuận cao hơn. Năm 2022, xuất khẩu hồ tiêu của Brazil giảm 8% so với năm trước. Sự suy giảm liên tục trong sản xuất hồ tiêu đã dẫn đến giảm mức dự trữ toàn cầu. Khi Việt Nam kết thúc vụ thu hoạch, dự kiến nguồn cung sẽ thiếu hụt vào nửa cuối năm nay.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, dự báo quý II/2023, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sẽ khả quan nhờ nhu cầu tăng cao từ các thị trường Trung Quốc, Papua New Guinea, ASEAN, Thổ Nhĩ Kỳ..., bù đắp cho nhu cầu nhập khẩu vẫn trầm lắng của thị trường Hoa Kỳ và EU.
Giá hồ tiêu trong nước sẽ đứng ở mức cao?
Tại thị trường trong nước, quý I/2023, giá hồ tiêu đen có sự biến động, ghi nhận ở mức thấp trong tháng 1/2023, sau đó có xu hướng tăng trở lại trong tháng 2 và tháng 3, duy trì quanh mức bình quân 64.000 – 65.000 đồng/kg. Trong tháng 4/2023, giá hồ tiêu đen tại thị trường nội địa nhìn chung khá ổn định và có xu hướng tăng, thời điểm cuối tháng 4/2023 giá hồ tiêu lên mức 67.000 – 69.500 đồng/kg.
Bước sang tháng 5, giá hồ tiêu tiếp tục xu hướng tăng. Ngày 20/5, giá tiêu trong nước dao động quang mốc 74.000 - 76.000 đồng/kg. Trước tín hiệu tích cực từ thị trường, dự báo đến cuối năm nay và các năm tiếp theo, giá hồ tiêu sẽ ổn định theo biên độ tăng và nhiều khả năng đến cuối năm 2023 giá sẽ đạt từ 90.000 - 100.000 đồng/kg.
Ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) – nhận định, giá tiêu lên là điều chắc chắn. Bởi, hiện diện tích hồ tiêu không còn nhiều. Thời gian vừa qua, cây tiêu bị cạnh tranh rất mạnh với các loại cây trồng khác như sầu riêng, chanh leo… trong khi đó những tín hiệu trồng mới gần như không có.
Cũng theo ông Hoàng Phước Bính, nếu giá tiêu có vượt 100.000 đồng/kg diện tích tiêu cũng khó mở rộng bởi diện tích hiện không nhiều, chi phí cho nhân công lao động cũng ở mức khá cao khiến cho người trồng hồ tiêu sẽ phải tính toán nếu mở rộng diện tích.
Nhận định về giá hồ tiêu, bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam – chia sẻ, nếu so sánh mức giá từ đầu năm đến nay cho thấy có sự giằng co giữa người bán và người bán. Người nông dân không có nhiều tiêu để bán; việc bán tiêu cũng được diễn ra rất cẩn trọng, không bán ào ào. Thị trường quyền đàm phán, mặc cả giữa 2 bên rất cân sức.
Cũng theo bà Hoàng Thị Liên, thông tin về giá được quyết định giữa người mua và người bán, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam sẽ không quyết định được giá bán. Tuy nhiên, sau nhiều lần bị va vấp trên thương trường, Hiệp hội cũng đã có được những bài học kinh nghiệm, bên cạnh đó, người dân cũng có những mục tiêu cho mình. Bà con nếu có tiêu thì cũng xác định cho mình một ngưỡng giá nào đấy thì mới bán. Và mức giá này phải đảm bảo được vấn đề chi phí sản xuất.
Tuy nhiên, về tâm lý thị trường, nông dân cũng muốn giá lên tăng thêm phần thu nhập. Doanh nghiệp cũng muốn giá lên thì mới có lợi nhuận để chia sẻ và hỗ trợ giá cho bà con nông dân. Nhà nước cũng muốn giá lên để tăng kim ngạch xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh tất cả các yếu tố đầu vào đều tăng. Nhưng bình diện chung, giá cả sẽ biến động theo từng ngày.