Sau đợt khủng hoảng giá heo kéo dài gần 2 năm qua, mấy tháng nay giá heo hơi đã phục hồi và tăng trở lại nên người chăn nuôi rất phấn khởi. Tuy vậy, nhiều hộ chăn nuôi vẫn trong tâm trạng vừa mừng vừa lo. Mừng vì đây là cơ hội để người chăn nuôi gỡ lại vốn đã thua lỗ nặng trong thời gian qua, nhưng lo vì hiện nay, giá heo hơi đang ở mức cao dễ xảy ra tình trạng nhập lậu, trong khi dịch tả lợn Châu Phi đang hoành hành ở nước lân cận. Nếu cơ quan chức năng không kiểm soát tốt việc nhập khẩu thịt heo và nhập nhậu qua biên giới để virus dịch bệnh xâm nhập vào nước ta sẽ gây thiệt hại rất nặng nề cho ngành chăn nuôi heo, vì dịch bệnh này chưa có vacxin phòng ngừa.
Trại heo giống của anh Lê Văn Sâm ở xã An Thái, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương có gần 300 con heo nái. Mỗi tháng, trại có khoảng 300-400 heo con. Trước đây, anh để lại nuôi heo thịt và bán một ít heo giống, nhưng lúc này, heo hơi đang có giá tăng liên tục nên anh để lại nuôi heo thịt mà không bán giống nữa.
Hiện nay, giá heo hơi từ 52.000 – 54.000 đồng/kg, còn giá heo giống cũng tăng lên trên 100.000 đồng/kg. Đặc biệt, trong 4-5 ngày nay, giá heo hơi đã tăng thêm từ 1.000 – 2.000 đồng/kg. Mấy ngày qua, nhiều người tìm mua heo giống nhưng anh không có heo để bán.
“Người nuôi heo ở khu vực lân cận và xung quanh lỗ quá chuyển nghề hết rồi. Đa số người nuôi heo còn trụ lại như tôi thì nuôi khép kín (nuôi heo con để nuôi heo thịt luôn) người ta không bán heo”, anh Lê Văn Sâm cho biết.
Sau đợt heo giảm giá kéo dài, nhiều hộ chăn nuôi đã “treo chuồng”, giảm đàn khoảng 30-40%, hoặc chuyển nghề nên đàn heo giống đã giảm đáng kể. Lúc này, heo hơi tăng giá, một số người muốn tăng đàn hoặc nuôi heo thịt trở lại thì lai không có đủ con giống, trong khi thời gian khôi phục lại đàn heo giống rất lâu, nếu tính từ lúc phối giống, đẻ ra heo con đến lúc nuôi lớn bán heo thịt mất khoảng 10 tháng.
Theo dự báo, từ nay đến Tết Nguyên đán và trong 1-2 năm tới, nguồn cung thịt heo vẫn chưa nhiều. Trong khi đó, hiện nay giá thịt heo lại cao, gần gấp đôi so với các nước như Mỹ, Canada, Tây Ban Nha… nên nhiều người đang lo nguồn thịt heo nhập khẩu và nhập lậu gia tăng. Nếu không kiểm soát được dịch bệnh, nhất là dịch tả Châu Phi xâm nhập vào Việt Nam thì sẽ tàn phá ngành chăn nuôi heo và gây thiệt hại rất lớn.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai - nơi có đàn heo lớn nhất cả nước cho biết: “Chúng tôi rất lo lắng vì từ ngày 20/9 mới cấm nhập thịt từ Ba Lan nhưng trước đó Ba Lan đã công bố dịch, nếu để lọt những lô hàng đó vào Việt Nam thì sao? Còn các nước chưa công bố dịch nhưng mầm bệnh vẫn có trong thịt thì cơ quan chức năng phải có biện pháp như thế nào để xử lý những nguồn hàng có nguy cơ”.
Trước tình hình dịch tả Châu Phi đang gây thiệt hại nặng cho các nước đang có dịch, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi, nhiều tỉnh, thành ở Đông Nam bộ đang tăng cường kiểm soát việc vận chuyển, mua bán, giết mổ và phòng dịch bệnh ở các chuồng, trại chăn nuôi.
Tại TP. Hồ Chí Minh - nơi tiêu thụ nhiều thịt heo, mỗi ngày hơn 10.000 con, Chi cục Thú y của thành phố đang tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển heo, thịt heo từ các nơi khác vào thành phố. Đồng thời, tăng cường kiểm tra vệ sinh thú y ở lò giết mổ và phòng chống dịch bệnh ở các chuồng trại.
“Chi Cục thú y TP. Hồ Chí Minh sẽ tăng cường các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, tiêu độc khử trùng các trang trại. Về mặt chuyên môn cũng tiếp xúc cơ quan chuyên môn chuẩn bị đầy đủ các test phục vụ cho công tác chẩn đoán sàng lọc nếu có trường hợp nghi ngờ có dịch tả lợi Châu Phi”, ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi Cục thú y TP. Hồ Chí Minh khẳng định.
Trước mối lo thịt heo nhập khẩu vào các cảng ở TP. Hồ Chí Minh và qua các tỉnh có các đường biên giới như Tây Ninh, Bình Phước, Long An, Chi cục Thú y vùng 6 đang triển khai công tác kiểm soát nguy cơ này. Vừa qua, Chi cục Thú y vùng 6 đã làm việc với các tỉnh có đường biên giới và chăn nuôi trong điểm khu vực này để tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh và kiểm soát việc nhập lậu heo. Đồng thời, Cục Thú y vùng 6 cũng yêu cầu các địa phương có trạm kiểm dịch thực vật trên các tuyến quốc lộ triển khai lực lượng tuần tra kiểm soát, kiểm tra chặt chẽ việc vận chuyển heo, thịt heo từ Bắc vào Nam.
Còn tại TP.HCM, từ đầu năm đến nay, hơn 3.800 tấn thịt heo các loại được nhập khẩu qua các cảng. Chi cục cũng đã lấy mẫu 88 lô thịt, các sản phẩm thịt heo kiểm tra và kết quả đều âm tính với các loại virus dịch bệnh. Hiện nay, tại các cửa khẩu đã tạm dừng việc ngưng nhập thịt heo và sản phẩm thịt heo từ 5 tỉnh của Ba Lan và 2 tỉnh của Hungary có dịch bệnh, đồng thời ngành thú ý tiến hành lấy mẫu thịt heo nhập khẩu tại các cửa khẩu để xét nghiệm.
“Các nước mà chưa có dịch tả lợn châu Phi thì 6 lô sẽ lấy mẫu một lô. Còn đối với các nước đã có dịch như Ba Lan, Hungary mà có thịt lợn, sản phẩm thịt lợn được nhập vào nước ta từ các tỉnh chưa có dịch tả Châu Phi thì lấy mẫu 100% lô hàng để kiểm tra”, ông Bạch Đức Lưu, Chi cục trưởng Chi Cục Thú y vùng 6 nói.
Những giải pháp thường xuyên, đồng bộ của các cơ quan chức năng nhằm quyết liệt kiểm soát, ngăn chặn nguy cơ dịch tả lợn châu Phi ở các tỉnh Đông Nam Bộ. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi heo tái đàn và phát triển chăn nuôi bền vững.