Hãng tin Bloomberg cho biết, Trung Quốc đang tiếp tục gom mạnh khí đốt tự nhiên và sẵn sàng tạo điều kiện để các nhà nhập khẩu khí đốt ký hợp đồng, cho dù cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đã dịu bớt... Cùng với đó, là việc đầu tư vào các cơ sở xuất khẩu khí đốt. Đây là một phần trong chiến lược nhằm củng cố an ninh năng lượng đến giữa thế kỷ này.
Hệ thống đường ống khí đốt |
Trung Quốc đang trên đà trở thành nước nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới trong năm 2023. Năm nay cũng là năm thứ ba liên tiếp các công ty Trung Quốc ký thoả thuận nhập khẩu LNG dài hạn nhiều hơn hơn bất kỳ quốc gia đơn lẻ nào.
Giá khí đốt tăng vọt do chiến tranh Nga - Ukraine và cuộc cạnh tranh toàn cầu để giành giật các lô hàng LNG đã mang lại một bài học tức thì về sự ổn định của nguồn cung. Để đảm bảo an ninh năng lượng, Trung Quốc tiến hành đa dạng hóa nhập khẩu từ nhiều quốc gia khác nhau, như một bước đệm nhằm phòng ngừa sự gián đoạn nguồn cung do biến động địa chính trị.
Điều đó cũng cho thấy, Trung Quốc đang có một tầm nhìn dài hạn để tránh lặp lại tình trạng khan hiếm năng lượng trong quá trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, các hợp đồng LNG dài hạn đang rất hấp dẫn vì các lô hàng được hứa hẹn ở mức giá tương đối ổn định so với thị trường giao ngay - nơi giá khí đốt đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại sau khi chiến tranh Nga - Ukraine nổ ra.
Những nỗ lực giành thỏa thuận mua khí đốt của Trung Quốc sẽ hậu thuẫn các dự án xuất khẩu khí đốt trên toàn cầu, tăng cường vai trò của loại nhiên liệu vận chuyển bằng đường biển này trong cơ cấu năng lượng của thế giới.
Ông Toby Copson, Trưởng bộ phận tư vấn và thương mại toàn cầu tại Trident LNG ở Thượng Hải cho biết: “An ninh năng lượng luôn là ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc. Có đủ nguồn cung trong danh mục đầu tư giúp họ quản lý sự biến động trong tương lai. Tôi đang chờ đợi để chứng kiến nhiều hơn thế”.
Một vài quốc gia nhập khẩu khác như Ấn Độ cũng muốn ký thêm hợp đồng dài hạn để tránh thiếu hụt trong tương lai và giảm phụ thuộc vào các hợp đồng giao ngay. Tuy vậy, Trung Quốc chốt hợp đồng nhanh hơn rất nhiều. Trong năm nay, 33% hợp đồng dài hạn LNG đến từ Trung Quốc, theo ước tính của Bloomberg.
Theo công ty tư vấn có trụ sở Na Uy Rystad Energy, Liên minh châu Âu (EU) có thể lấp đầy các cơ sở khí đốt tự nhiên dưới lòng đất trước thời hạn. Các kho dự trữ khí đốt của châu Âu đã đầy khoảng 76% tính đến ngày 25/6.
“Xét đến lịch sử nhu cầu và giả định các kịch bản nguồn cung khác nhau, các cơ sở lưu trữ thậm chí có thể làm đầy trước mùa đông năm nay. EU có khả năng đạt được mục tiêu lưu trữ 90% khí đốt trước thời hạn ngày 1/11” - nhà phân tích cấp cao tại Rystad - Lu Ming Pang cho hay.
EU đã đặt mục tiêu lấp đầy dự trữ khí đốt vào năm ngoái sau khi nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga sang khu vực này bị cắt giảm trong bối cảnh các nước phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine. Nguồn cung cấp tiếp tục giảm sau khi đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) từ Nga bị phá hủy trong một hành động phá hoại mà chưa rõ chủ thể gây ra.
Theo hãng tin Reuters, từ đầu năm nay, EU đã bắt đầu dự trữ khí đốt song dòng khí đốt gần đây đã chậm lại do nhu cầu cao từ người tiêu dùng công nghiệp. Tuy nhiên, vào đầu tháng 6, các địa điểm lưu trữ khí đốt ở châu Âu đã dự trữ cao hơn 48% so với mức trung bình 10 năm trong cùng kỳ. Cũng trong tháng 6/2023, giá khí đốt tự nhiên tăng 38% chủ yếu do lo ngại rằng thời tiết nóng ở Bắc Âu và việc ngừng sản xuất ngoài kế hoạch ở Na Uy vì bảo trì mỏ khí đốt tự nhiên Oseberg.
Tại thị trường trong nước, từ ngày 1/7/2023, giá gas tiếp tục giảm tháng thứ hai liên tiếp. Theo đó, mỗi bình gas loại 12 kg đến tay người tiêu dùng sẽ giảm tiếp khoảng 18.000 - 18.500 đồng, tùy thương hiệu.
Cụ thể, giá gas bình Petrolimex bán lẻ (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng) tháng 7/2023 tại thị trường Hà Nội là 353.800 đồng/bình dân dụng 12 kg; 1.415.000 đồng/bình công nghiệp 48 kg, lần lượt giảm 17.800 đồng/bình 12 kg và 71.300 đồng/bình 48 kg (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng).
Công ty Cổ phần Kinh doanh Khí Miền Nam (Gas South) thông báo từ ngày 1/7, giá gas bán lẻ các nhãn hiệu của công ty giảm 1.500 đồng/kg so với tháng trước (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng), tương đương giảm 18.000 đồng/bình 12kg và giảm 67.500 đồng/bình 45kg. Như vậy, trong tháng 7/2023, giá bán lẻ gas của công ty này là 304.900 đồng/bình 12kg và 1.142.485 đồng/bình 45kg
Tương tự, Công ty Cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam - Chi nhánh miền Nam cũng cho hay, kể từ ngày 1/7, giá gas của thương hiệu này giảm 18.000 đồng/bình 12kg và 67.500 đồng/bình 45kg so với tháng trước.
Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí Sài Gòn (Saigon Petro) từ ngày 1/7 cũng giảm 18.500 đồng/bình 12kg. Như vậy, giá gas bán lẻ đến người tiêu dùng của thương hiệu này là 347.000 đồng/bình 12kg.
Công ty Cổ phần Thương mại Dầu khí Thái Bình Dương cho biết, từ ngày 1/7, giá gas của công ty này giảm 18.000 đồng/bình 12kg và 75.000 đồng/bình 50kg. Theo đó, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng của thương hiệu này tối đa là 385.000 đồng/bình 12kg và 1.603.000 đồng/bình 50kg.
Thương hiệu gas City Petro cũng thông báo mức giảm 18.000 đồng/bình 12 kg. Theo đó, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng ở mức 385.000 đồng/bình 12 kg; 1.443.500 đồng/bình 45 kg...
Giá gas bán lẻ tháng 7/2023 giảm là do hợp đồng giá gas thế giới bình quân tháng 7/2023 ở mức 387,5 USD/tấn, giảm 57,5 USD/tấn so với tháng 6/2023. Vì vậy, các doanh nghiệp kinh doanh gas trong nước cũng điều chỉnh giảm theo. Trước đó, vào tháng 6/2023, giá gas đã có 1 lần giảm mạnh ở mức 35.000 đồng/bình 12 kg cùng với lý do giá gas thế giới giảm.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá gas trong nước có 5 lần giảm (tháng 1, tháng 3, tháng 4, tháng 6 và tháng 7) và hai lần tăng vào tháng 2 và tháng 5 vừa qua. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, xu hướng giá gas có thể đổi chiều trong các tháng cuối năm do chuẩn bị nhiên liệu cho mùa đông cũng như dịp lễ hội cuối năm.