Liên minh châu Âu (EU) đang trên đà lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt tự nhiên trước thời hạn, Rystad Energy đã dự báo.
Theo ông Lu Ming Pang, Nhà phân tích cấp cao Rystad Energy, xem xét nhu cầu lịch sử và giả định các kịch bản cung cấp khác nhau, các cơ sở lưu trữ thậm chí có thể đầy trước mùa Đông năm nay, dẫn đến việc dòng khí đốt phải được chuyển hướng đi nơi khác.
Đầu tháng này, ông John Kemp của Reuters đã báo cáo rằng, EU đã bắt đầu lấp đầy kho chứa khí đốt của mình vào đầu năm nay nhưng gần đây việc bổ sung đã chậm lại do giá thấp kích thích nhu cầu cao hơn từ người tiêu dùng công nghiệp.
Đường ống dẫn khí |
Ông Kemp cũng lưu ý rằng, mức khí đốt trong kho vào đầu tháng 6 cao hơn 48% so với mức trung bình 10 năm so với thời điểm đó trong năm, sau khi mức kho chứa đạt 2/3 công suất vào cuối tháng 5 này.
Tuy nhiên, ngay từ đầu đã có nhiều khí đốt hơn trong kho do mùa Đông năm ngoái ôn hòa và nhu cầu khí đốt giảm đáng kể do giá quá cao.
Theo Rystad Energy, tính đến ngày 25/6, kho chứa khí đốt của châu Âu đã đầy 76%, so với 56% một năm trước đó. EU đặt mục tiêu lấp đầy 90% vào ngày 1/11 năm nay.
Trong khi đó, giá đã tăng trong phần lớn tháng này, chủ yếu là do ngừng sản xuất ở Na Uy do bảo trì mỏ. Cho đến nay trong tháng này, giá khí đốt ở EU đã tăng thêm 38%, The National lưu ý.
Tuần này, giá khí đốt tiêu chuẩn tăng hơn nữa, đạt 3,575 USD/MWh do dự báo thời tiết cho thấy hầu hết Tây Bắc Châu Âu, những người tiêu thụ khí đốt lớn nhất, sẽ chứng kiến một mùa Hè bắt đầu nóng hơn bình thường, và sẽ tiếp tục ít nhất cho đến giữa mùa Hè của tháng 7.
Tuy nhiên, nhu cầu chung về khí đốt ở châu Âu vẫn thấp so với mức trung bình 5 năm do các nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và các ngành công nghiệp chưa chuyển sang sử dụng khí đốt mặc dù giá thấp hơn nhiều so với mức kỷ lục được ghi nhận vào mùa Hè năm ngoái.
Các nhà phân tích của BloombergNEF đã viết trong một ghi chú đầu tuần này rằng: “Sóng nhiệt sẽ làm tăng mức tiêu thụ điện trong tuần nhưng nhu cầu điện của châu Âu vẫn yếu vào năm 2023, mặc dù giá thấp hơn”.
Tại thị trường trong nước, từ ngày 1/7/2023, giá gas giảm từ 18.000-18.500 đồng/bình 12kg tuỳ thương hiệu.
Chiều 30/6, nhiều doanh nghiệp kinh doanh gas thông báo điều chỉnh giảm giá mặt hàng này từ ngày 1/7. Theo đó, sau khi giảm mạnh vào tháng 6 tới 35.500 đồng/bình loại 12 kg thì sang tháng 7, mỗi bình gas loại 12 kg đến tay người tiêu dùng sẽ giảm tiếp khoảng 18.000-18.500 đồng, tùy thương hiệu.
Đơn cử, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) thông báo từ ngày 1/7, giá gas của hãng sẽ giảm 18.500 đồng/bình 12 kg và giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng là 347.000 đồng/bình 12 kg.
Tương tự, thương hiệu gas City Petro cũng thông báo mức giảm 18.000 đồng/bình 12 kg. Theo đó, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng ở mức 385.000 đồng/bình 12 kg; 1.443.500 đồng/bình 45 kg...
Như vậy, giá gas trong nước đã giảm mạnh 2 lần liên tiếp sau 1 lần tăng. Tính từ đầu năm đến nay, giá gas đã có 2 lần tăng và 5 lần giảm với tổng mức giảm tới hơn 140.000 đồng/bình 12 kg. Hiện, giá nhiên liệu này ở mức tương đương tháng 4/2022.
Đà giảm của giá gas trong nước lần này là do giá gas thế giới tháng 7 chốt ở mức 387,5 USD/tấn, giảm 57,5 USD/tấn so với tháng 6. Hiện, nguồn gas trong nước đang nhập khẩu khoảng 60% nên giá gas bị chi phối và ảnh hưởng bởi giá thế giới.