Giá gas hôm nay 24/6 giảm 2,19%, thị trường biến động phức tạp Giá gas hôm nay 26/6: Tiềm ẩn những biến động bất ngờ Giá gas hôm nay 27/6: Tiếp tục leo thang, nhu cầu khí đốt dự báo tăng cao |
Hợp đồng tương lai tại trung tâm TTF, điểm chuẩn cho giao dịch khí đốt của châu Âu đang trên đà tăng. Chất xúc tác chính cho sự tăng giá này đến từ đợt nắng nóng đã ảnh hưởng đến nhiều khu vực và những điều chỉnh ấm hơn trong dự báo ngắn hạn.
Bên cạnh đó, theo Oilprice.com, giá tăng trong bối cảnh các nhà đầu tư phản ứng với cuộc nổi dậy hỗn loạn và ngắn ngủi vào cuối tuần trước ở Nga.
Trạm tiếp nhận khí đốt ở Mecklenburg, Đức |
Trước đó, giá khí đốt cũng đã tăng vọt trong vài tuần qua, chủ yếu là do sự cố ngừng hoạt động tại một số nhà máy khí đốt ở Na Uy và tin tức về việc một mỏ khí đốt của Hà Lan sẽ đóng cửa vĩnh viễn vào tháng 10.
Theo Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu, cơ sở lưu trữ khí đốt của Liên minh châu Âu (EU) gần như đã đầy 74%, cao hơn khoảng 20% so với mức trung bình 5 năm trước đó vào thời điểm này trong năm. Châu Âu đang trên đà đạt tới mục tiêu làm đầy 90% dự trữ khí đốt vào tháng 11 năm nay.
Châu Âu là thị trường cao cấp, thu hút nhiều khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đến bờ biển của họ, do đó họ có thể lấp đầy khoảng trống khi nguồn cung qua đường ống của Nga bị thu hẹp. Trong năm nay, các quốc gia châu Âu đã nhanh chóng xây dựng thêm nhiều kho cảng nhập khẩu LNG, trong đó Đức lần đầu tiên gia nhập nhóm các nhà nhập khẩu LNG.
Các công ty điện lực của châu Âu đã ký nhiều thỏa thuận để mua nhiều LNG hơn từ các công ty từ Mỹ và đã có sự chuyển hướng sang các nguồn năng lượng tái tạo như gió và mặt trời.
Ở Mỹ, sự phát triển của các nhà máy LNG mới đang được củng cố khi người mua ở các quốc gia, bao gồm Đức và Nhật Bản, đã ký hợp đồng dài hạn với các nhà xuất khẩu.
TotalEnergies SE trong tháng này đã lên kế hoạch xây dựng một cảng xuất khẩu LNG tại Mỹ, đồng thời đồng ý mua cổ phần trong dự án và nhà phát triển của nó. Gã khổng lồ nước Pháp cũng đang thảo luận về việc đầu tư vào dự án khí đốt tự nhiên khổng lồ của Ả Rập Xê-út.
Mới đây công ty Securing Energy for Europe (Sefe) của Đức đã ký hợp đồng 20 năm với Venture Global LNG của Mỹ để nhập khẩu 2,25 triệu tấn LNG mỗi năm từ dự án thứ ba của Venture Global, CP2 LNG.
Sefe, thuộc sở hữu hoàn toàn của chính phủ Đức, được thành lập vào năm ngoái sau khi Đức quốc hữu hóa một công ty con của tập đoàn năng lượng Nga Gazprom (Gazprom Germania). Gazprom Germania được đổi tên thành Securing Energy for Europe GmbH (Sefe), để đảm bảo cung cấp năng lượng cho Đức và châu Âu.
“Bằng cách hợp tác với Venture Global LNG, Sefe thực hiện một bước quan trọng khác trong sứ mệnh của chúng tôi là đảm bảo năng lượng cho khách hàng Đức và châu Âu, đồng thời đáp ứng nhu cầu năng lượng của khu vực” - Giám đốc điều hành của Sefe, Egbert Laege cho biết.
Tại thị trường trong nước, từ ngày 1/6, giá gas trong nước được các doanh nghiệp kinh doanh gas đồng loạt giảm trên cơ sở giá thế giới - giá hợp đồng contract price (CP). Cụ thể, giá gas bình Petrolimex bán lẻ (đã bao gồm VAT) tháng 6 tại thị trường Hà Nội là 371.600 đồng/bình dân dụng 12 kg; 1.486.300 đồng/bình công nghiệp 48kg, lần lượt giảm 33.640 đồng/bình 12 kg và 134.660 đồng/bình 48 kg.
Công ty CP Kinh doanh LPG Việt Nam - PV GAS LPG Miền Nam giảm 2.917 đồng/kg (đã bao gồm GTGT) tương đương 35.000 đồng/bình 12kg và 131.250 đồng/bình 45 kg so với tháng 5.
Công ty TNHH khí hóa lỏng Việt Nam (VT Gas) giảm 2.916 đồng/kg (đã bao gồm GTGT) tương đương 35.000 đồng/bình12kg và 131.000 đồng/bình 12 kg so với tháng 5.
Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí TP. Hồ Chí Minh (gas SP) giảm 2.958 đồng/kg (đã bao gồm thuế GTGT), tương đương giảm 35.500 đồng/bình 12kg và 133.110 đồng/bình 45 kg so với tháng 5.
Giá gas bán lẻ quay đầu giảm là do hợp đồng giá gas thế giới bình quân tháng 6 ở mức 445 USD/tấn, giảm 110 USD/tấn so với tháng 5 nên doanh nghiệp trong nước thực hiện điều chỉnh theo mức giảm tương ứng.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá gas trong nước có 4 lần giảm (tháng 1, tháng 3, tháng 4, tháng 6) và hai lần tăng vào tháng 2 và tháng 5 vừa qua.