Theo nhận định của Ủy ban châu Âu (EC), Liên minh châu Âu (EU) sẽ tránh được suy thoái trong năm 2023 nhờ giá khí đốt giảm nhanh trong những tháng gần đây cùng chính sách hỗ trợ của các chính phủ và sức chi tiêu ổn định của hộ gia đình.
Hệ thống đường ống khí đốt |
Thời điểm mùa thu năm ngoái, nỗi ám ảnh về nguy cơ nguồn cung khí đốt của Nga bị cắt đứt hoàn toàn cùng với sản lượng công nghiệp suy giảm và tâm lý kinh doanh bi quan làm dấy lên lo ngại EU sẽ rơi vào một cơn suy thoái sâu.
Tuy nhiên, một mùa đông với thời tiết ôn hòa và các khoản trợ cấp của chính phủ đã giúp giảm bớt áp lực cho các hộ gia đình và doanh nghiệp trong khu vực trong bối cảnh giá khí đốt chuẩn của châu Âu giảm sâu so với mức cao kỷ lục được ghi nhận trong mùa hè năm 2022.
Trong những tháng gần đây, giá khí đốt đã giảm xuống còn khoảng 50 Euro/MWh, thấp hơn nhiều lần thời điểm 300 Euro/MWh vào tháng 8/2022 (cao gấp hơn 10 lần mức bình thường), đồng thời, nằm trong tầm kiểm soát của các nền kinh tế châu Âu. Hiện tại, các cơ sở lưu trữ khí đốt trong khu vực "lục địa già" đang ở mức lấp đầy 66%.
Sau chiến sự tại Ukraine, Moskva không còn các khách hàng chủ chốt ở châu Âu, khiến xuất khẩu khí đốt năm ngoái giảm mạnh. Phó thủ tướng Nga Alexander Novak mới đây thông báo: Sản xuất khí đốt năm 2022 đạt 673,8 tỷ m3. Xuất khẩu mặt hàng này giảm 25,1% còn 184,4 tỷ m3.
Ông Novak cho biết mức giảm này là do các nước châu Âu từ chối mua khí đốt Nga. Một nguyên nhân khác là các đường ống dẫn khí bị phá hoại.
Theo các chuyên gia, Nga đã mất đi khách hàng lớn nhất của mình và sẽ mất ít nhất một thập niên để xây dựng hệ thống đường ống nếu muốn chuyển hướng sang thị trường châu Á. Nếu quốc gia này chỉ bán khí đốt cho Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ có quyền quyết định giá.
Dự kiến, hôm nay 15/2, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) sẽ triệu tập cuộc họp đặc biệt của các bộ trưởng năng lượng để thảo luận khẩn cấp về nguồn cung khí đốt tự nhiên. Cuộc họp sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến.
Cuộc họp nhằm xác định và thông qua các biện pháp cải thiện sự cân bằng giữa cung và cầu khí đốt, cũng như các hành động có thể hỗ trợ nhu cầu ngắn hạn của các quốc gia châu Âu mà không làm tổn hại các mục tiêu khí hậu dài hạn.
Tại thị trường trong nước từ ngày 1/2, giá gas bán lẻ tăng 5.250 đồng/kg (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng). Theo đó, mỗi bình gas loại 12 kg đến tay người tiêu dùng tăng trung bình 63.000 - 64.000 đồng, loại 45 kg tăng 235.000 - 236.000 đồng/bình, tùy thương hiệu.
Cụ thể, với thương hiệu City Petro, từ ngày 1/2, các sản phẩm gas bán lẻ của doanh nghiệp này tăng 5.250 đồng/kg. Bình gas loại 12kg của City Petro tăng 63.000 đồng/bình và loại bình gas 45kg tăng đến 236.000 đồng/bình.
Công ty Saigon Petro thông báo từ ngày 1/2, giá gas của hãng tăng 62.000đồng bình 12kg. Giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng ở mức 477.000 đồng/bình 12kg.
Tương tự, Petrolimex Gas Sài Gòn cũng thông báo tăng 63.000 đồng/bình 12kg, giá bán lẻ đến người tiêu dùng khu vực TP. Hồ Chí Minh là 486.000 đồng/bình 12 kg.
Hiện, nguồn gas trong nước đang nhập khẩu khoảng 60% nên giá gas bị chi phối và ảnh hưởng bởi giá gas thế giới và tỷ giá. Trong khi đó, giá gas thế giới tháng 2/2023 chốt ở mức 790 USD/tấn, tăng 192,5 USD/tấn so với tháng 1, từ đó đẩy giá gas bán lẻ tháng 2/2023 tăng mạnh.
Như vậy, sau lần giảm vào đầu tháng 1/2023, giá gas đã quay đầu bật tăng mạnh. Tính từ đầu năm đến nay, giá gas đã có 1 lần tăng và 1 lần giảm. Hiện, giá loại nhiên liệu này đã lên mức tương đương thời điểm hồi tháng 3 - 4/2022.