Đà tăng “phi mã” của giá gạo xuất khẩu có thể sớm được kiềm chế? Infographics | Xuất khẩu gạo của Việt Nam đột phá tại nhiều thị trường |
Giá gạo Việt Nam xuất khẩu đảo chiều giảm mạnh 15 USD
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc tuần giao dịch 4/9 -9/9, giá gạo thô kỳ hạn tháng 11 niêm yết trên Sở Chicago ghi nhận mức sụt giảm mạnh 3,02% xuống 316,22 USD/tấn.
Còn số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, chỉ trong hai ngày 6/9 và 7/9, giá gạo xuất khẩu liên tục giảm mạnh. Theo đó, gạo 5% tấm của Việt Nam đã giảm 15 USD một tấn so với ngày 5/9 về 628 USD; gạo 25% tấm cũng giảm 15 USD về mức 613 USD một tấn. Mức giá này duy trì ổn định trong vài ngày trở lại đây. Như vậy, giá gạo xuất khẩu của nước ta ghi nhận hai ngày giảm liên tiếp mạnh nhất kể từ sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt kỷ lục trong 8 tháng năm 2023 |
Trên thị trường thế giới, gạo 5% của Thái Lan cũng giảm 15 USD về 618 USD một tấn, 25% tấm sụt 12 USD về 563 USD một tấn so với hôm 5/9. Qua hai ngày điều chỉnh giảm, giá gạo Việt Nam vẫn tiếp tục giữ ở mức cao nhất thế giới.
Cùng chung xu hướng, giá lúa gạo trong nước cũng hạ nhiệt đáng kể. Trong tuần từ 31/8 – 7/9, giá gạo xát trắng loại 1 giảm 350 đồng/kg xuống cao nhất 14.700 đồng/kg. Gạo 25% tấm giảm 567 đồng/kg xuống cao nhất 14.100 đồng/kg. Trong khi đó, gạo 5% tấm cao nhất đạt 14.500 đồng/kg, giảm 550 đồng/kg.
Đối với xuất khẩu, theo thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan, 8 tháng, xuất khẩu gạo đạt gần 6 triệu tấn, mức cao nhất từ trước đến nay, tăng 20% so cùng kỳ và hoàn thành 89% kế hoạch năm. Mức xuất khẩu này đưa kim ngạch xuất khẩu gạo 8 tháng lên gần 3,2 tỷ USD, tăng hơn 34% về giá trị nhờ giá gạo tăng cao.
Trong số các thị trường nhập khẩu, Philippines, Trung Quốc, Indonesia và Gana nhập khẩu gạo của Việt Nam nhiều nhất với mức tăng trưởng 3% đến gần 1.500% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lý giải nguyên nhân giá giảm sâu, MXV cho biết, việc Philippines - quốc gia tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam chính thức áp lệnh giá trần lên gạo nhập khẩu đã gây sức ép lớn lên giá gạo xuất khẩu của nước ta. Theo số liệu từ Hải quan Việt Nam, 8 tháng đầu năm nay, cả nước xuất khẩu 2,34 triệu tấn gạo sang Philippines, chiếm hơn 40% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Mới đây, Bộ Tài chính Philippines tiếp tục khuyến nghị các biện pháp để kiềm chế giá bán lẻ gạo đang tăng cao, bao gồm cắt giảm thuế đối với gạo nhập khẩu. Cụ thể, thuế suất nhập khẩu gạo được đề xuất giảm từ mức 35% xuống khoảng 0 - 10%. Văn phòng tổng thống nước này nhận định giá gạo sẽ ổn định khi nông dân bắt đầu thu hoạch vụ chính vào tháng 9 và tháng 10 này. Khoảng 5 triệu tấn gạo sẽ được thu hoạch, cho phép Philippines đạt mục tiêu 20 triệu tấn trong năm nay, trích dẫn dữ liệu của Bộ Nông nghiệp.
Đà giảm của giá gạo sẽ sớm được kiềm chế
Tuy nhiên, theo MXV, đà giảm của giá gạo nhiều khả năng sẽ sớm được kiềm chế, và khả năng giá gạo có thể đảo chiều tăng trở lại cũng không khó xảy ra. Tại Trung Quốc, mới đây, một đợt lũ lụt đã làm thiệt hại các cánh đồng ngô và lúa ở khu vực sản xuất trọng điểm phía bắc nước này, làm dấy lên lo ngại lạm phát lương thực khi thế giới đang phải đối mặt với nguồn cung thắt chặt.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), chỉ số giá lương thực thế giới trong tháng 8 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm. Ngược lại, chỉ số gạo lại tăng gần 10% so với tháng 7 do quyết định cấm xuất khẩu gạo trắng Indica của Ấn Độ vào tháng 7 đã làm gián đoạn thương mại tại thời điểm nguồn cung khan hiếm trước vụ thu hoạch vụ mới.
Với xu hướng như vậy, 4 tháng cuối năm nay, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam được dự báo vẫn sẽ được thúc đẩy bởi số lượng đơn hàng hàng tốt từ nhiều thị trường mới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu lo ngại nguồn cung không đủ để đáp ứng.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) ghi nhận giá gạo tăng quá nhanh dẫn đến chuỗi cung ứng bị đứt gãy từ nông dân đến thương lái, nhà máy xay xát chế biến và doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Điều này khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn trong việc huy động nguồn hàng để thực hiện các hợp đồng đã ký.
Trước tình hình sản xuất và thị trường thương mại gạo thế giới trong thời gian tới dự báo chứa đựng nhiều biến động, VFA kiến nghị bổ sung quy định cụ thể cơ chế báo cáo và phân công một cơ quan quản lý về tình hình ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo và hàng hóa lúa gạo tồn kho của thương nhân có đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo Nghị định 107.
Cùng đó, VFA đề nghị bổ sung cơ chế quy định giá sàn xuất khẩu gạo nhằm đảm bảo hiệu quả cho nông dân sản xuất lúa, đồng thời đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa thương nhân xuất khẩu gạo, đặc biệt giữa thương nhân đã đầu tư cơ sở sản xuất theo Nghị định 109 và thương nhân thuê kho theo Nghị định 107.
Về phía Bộ Công Thương, để tiếp tục triển khai thực hiện những nhiệm vụ được giao tại Công điện số 610/CĐ-TTg và Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-BCT ngày 15/8/2023 về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước trong giai đoạn hiện nay. Chỉ thị đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương, Sở Công Thương các địa phương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và thương nhân tập trung triển khai các nhóm giải pháp về hoàn thiện thể chế; tìm kiếm thông tin và phát triển thị trường.
Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường đã đẩy mạnh kiểm tra kiểm soát để hạn chế tối đa việc giá gạo tăng cao do đầu cơ, găm hàng.