Giá dầu thô trên đà quay trở lại đỉnh cũ, lúa mỳ tăng mạnh hơn 5%
Kết thúc tuần giao dịch đầu tiên của tháng 05, sắc đỏ áp đảo trên bảng giá 31 loại hàng hóa nguyên liệu đang liên thông trực tiếp với thế giới tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV). Tuy nhiên, trước diễn biến tích cực của nhóm năng lượng, chỉ số MXV-Index chỉ giảm nhẹ 0,28% về 3.013,53 điểm.
Thị trường hàng hóa thế giới cũng có sự rung lắc mạnh trong tuần vừa rồi, thể hiện ở việc đảo chiều liên tục của chỉ số MXV-Index. Sau khi suy yếu trong 2 phiên đầu tuần, chỉ số này đã bật tăng vào 2 phiên sau đó, trước khi quay đầu giảm trở lại vào cuối tuần. Mặc dù vậy, dòng tiền của giới đầu tư trong nước lại có sự gia tăng đáng kể. Theo Khối Quản lý Giao dịch của MXV, giá trị giao dịch toàn Sở đạt hơn 5.500 tỉ đồng mỗi phiên trong tuần qua, tăng gần 25% so với mức trung bình của tháng 04.
Điều này cho thấy mức độ quan tâm đối với thị trường hàng hóa đang ngày càng gia tăng, nhờ ưu điểm vượt trội so với các kênh đầu tư truyền thống khác, đó là việc nhà đầu tư luôn có thể tìm kiếm được cơ hội ngay cả khi giá tăng hoặc giảm, giao dịch T0 và tính minh bạch thông tin trên toàn thế giới.
MXV-Index và Giá trị giao dịch |
Giá dầu thôbứt phá, vượt mốc 110 USD/thùng
Thông tin nổi bật nhất đối với thị trường năng lượng trong tuần trước là việc Liên minh châu Âu EU đã đề xuất các bước để tiến hành cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Theo kế hoạch, EU sẽ có 6 tháng để cắt giảm sự phụ thuộc vào Nga, và đây sẽ là lệnh cấm nhập khẩu hoàn toàn đối với tất cả dầu của Nga, bất kể là thông qua đường biển hay đường ống, bao gồm cả dầu thô và dầu tinh chế.
Đề xuất này, một khi được chính thức thông qua, chắc chắn sẽ khiến cho tình trạng thiếu hụt nguồn cung trở nên trầm trọng trên thị trường. Đặc biệt là khi các nước sản xuất dầu lớn khác như Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) vẫn giữ mức tăng hạn ngạch thêm 432.000 thùng/ngày trong tháng 06 tới. Nguyên nhân một phần đến từ thực tế là nhiều thành viên như Nigeria, Libya không còn nhiều năng lực để tăng sản xuất.
Mức tăng này sẽ không thể đủ bù đắp lượng dầu thiếu hụt từ Nga, nhất là khi nhóm vẫn đang sản xuất dưới hạn ngạch khoảng 1,5 triệu thùng/ngày. Bất kỳ nỗ lực nào của nhóm trong việc tăng sản lượng dầu ở mức có ý nghĩa sẽ phải đến từ sự tăng tốc sản xuất của 3 thành viên là UAE, Saudi Arabia và Iraq.
Đà tăng mặc dù chững lại sau khi thị trường cho rằng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 06, làm tăng chi phí lãi vay và làm giảm tốc các hoạt động sản xuất, tiêu thụ. Tuy nhiên, đóng cửa tuần, giá dầu WTI và Brent vẫn tăng mạnh gần 5% lên lần lượt là 109,77 USD/thùng và 112,39 USD/thùng.Ảnh 2:
Bảng giá một số mặt hàng đáng chú ý |
Lúa mì tăng ngược chiều nhóm nông sản do lo ngại nguồn cung thu hẹp
Bên cạnh sự bứt phá của nhóm năng lượng, giá lúa mì cũng đã phục hồi mạnh trở lại sau 2 tuần giảm liên tiếp trước đó. Lo ngại về thời tiết bất lợi ở phần lớn các vùng gieo trồng là yếu tố chính hỗ trợ cho giá lúa mì trong tuần vừa rồi.
Nhiệt độ ở nhiều nơi tại Ấn Độ và Pakistan gần đây thường xuyên vượt 50 độ C, tàn phá nghiêm trọng mùa màng. Theo Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD), nước này đã ghi nhận thời tiết nóng nhất trong 122 năm qua, với nhiệt độ trung bình toàn quốc ở mức 33,1 độ C, cao hơn gần 1,86 độ C so với thông thường. Ấn Độ hiện đang là quốc gia đứng thứ 3 thế giới về sản lượng và tiêu thụ lúa mì, cũng nằm trong top 10 các nước xuất khẩu lúa mì hàng đầu.
Trong khi đó tại khu vực Bắc Mỹ, thời tiết khô kéo dài ở vùng đồng bằng phía nam Hoa Kỳ cũng đang khiến cho chất lượng mùa vụ lúa mì vụ đông tại đây duy trì ở mức thấp nhất lịch sử. Còn tại Canada, tồn kho lúa mì đến hết tháng 03 chỉ đạt 10,1 triệu tấn, mức thấp nhất trong vòng 33 năm trở lại đây.
Trước triển vọng khá tiêu cực về nguồn cung thì mới đây, các quan chức Nga cho biết lực lượng nước này "sẽ hiện diện vĩnh viễn" ở Kherson, miền nam Ukraine. Điều này dấy lên lo ngại về sự bất ổn địa chính trị ở khu vực biển Đen và cũng góp phần giúp cho giá lúa mì tăng mạnh hơn 5% trong tuần vừa rồi lên mức 1.108,5 cents/giạ đối với lúa mì Chicago và 1.170,5 cents/giạ đối với lúa mì Kansas.
Trong tuần này, thị trường sẽ có rất nhiều báo cáo quan trọng, tác động lên các nhóm mặt hàng khác nhau. Đối với dầu thô, sẽ có 3 báo cáo tháng của 3 tổ chức dầu uy tín nhất, là Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) vào tối thứ 3; báo cáo của Viện Năng lượng Quốc tế (IEA) cùng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) vào chiều tối ngày thứ năm.
Lịch báo cáo |
Và cũng trong tối và đêm thứ năm tuần này, Bộ nông nghiệp Brazil và Mỹ sẽ lần lượt công bố các số liệu cung cầu nông sản của các nước này và triển vọng toàn thế giới. Các báo cáo này thường tạo ra biến động mạnh đối với giá hàng hóa ngay sau thời điểm công bố.