Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/6, giá dầu giảm hơn 1 USD. Giá dầu Brent giảm 84 cent, tương đương 1,07%, xuống mức 77,52 USD/thùng. Trong phiên, giá dầu Brent có thời điểm trượt xuống mức 76,76 USD/thùng. 74,79 USD/thùng hồi tháng 1 là mức giá thấp nhất của dầu Brent trong năm nay cho tới thời điểm hiện tại. Giá dầu giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 97 cent, tương đương 1,31%, xuống mức 73,25 USD/thùng.
Đánh giá về sự lao dốc của giá dầu những phiên vừa qua, ông Phil Flynn thuộc Price Futures Group cho biết, thị trường đang phản ứng thái quá với thông báo của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đối tác (OPEC+).
Giá xăng dầu thế giới liên tục giảm xuống sát mức thấp nhất trong vòng 4 tháng, trượt xa khỏi mốc 80 USD/thùng. Ảnh: Pixabay |
Trong phiên giao dịch ngày 3/6 giá dầu thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất của gần 4 tháng. Khép phiên này, giá dầu Brent giảm 2,75 USD (3,4%) xuống 78,36 USD/thùng, mức đóng phiên dưới 80 USD/thùng lần đầu tiên kể từ ngày 7/2/2024, trong khi giá dầu WTI giảm 2,77 USD (3,6%) xuống 74,22 USD/thùng, mức thấp nhất trong gần 4 tháng qua.
Giới đầu tư lo ngại quyết định về sản lượng của OPEC+, có thể khiến nguồn cung nhiều hơn vào cuối năm trong khi nhu cầu tăng chậm lại.
Theo Goldman Sachs, đây là tin tiêu cực với giá dầu, cho thấy một số thành viên OPEC+ muốn tăng sản lượng, bất chấp dự trữ dầu toàn cầu gần đây tăng lên. Một số nhà phân tích khác cũng bày tỏ quan điểm tương tự, trong bối cảnh lãi suất cao và Mỹ tăng sản xuất.
"Giá dầu đang đối mặt với thách thức kép. Đó là nguồn cung của OPEC+ có thể điều chỉnh từ cuối năm nay, trong khi nhu cầu lại không được hỗ trợ vì hoạt động sản xuất tại Mỹ yếu hơn dự báo", Yeap Jun Rong, chiến lược gia thị trường tại công ty dữ liệu IG nhận định.
Trước đó, sau cuộc họp chính sách định kỳ 6 tháng của OPEC+ nêu rõ nhóm gồm 22 thành viên (12 nước OPEC và 10 nước đối tác) đã quyết định gia hạn các mức cắt giảm, bắt đầu từ ngày 1/1-31/12/2025.
Quyết định được đưa ra trong bối cảnh giá dầu giao dịch ở mức gần 80 USD/thùng, thấp hơn nhiều so với mức mà nhiều thành viên OPEC+ cần để cân bằng ngân sách. Lo ngại tăng trưởng chậm về nhu cầu ở nước nhập khẩu dầu hàng đầu là Trung Quốc tiếp tục đè nặng lên triển vọng giá trong khi lượng dầu dự trữ tăng ở các nền kinh tế phát triển.
OPEC+ đã thực hiện một loạt đợt cắt giảm sản lượng sâu kể từ cuối năm 2022 để hỗ trợ giá dầu. Các thành viên OPEC+ hiện cắt giảm sản lượng tổng cộng 5,86 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 5,7% nhu cầu toàn cầu, thông qua việc cắt giảm sản lượng toàn nhóm và tự nguyện cắt giảm bổ sung. Số lượng cắt giảm này gồm 2 triệu thùng/ngày của tất cả các thành viên OPEC+, đợt cắt giảm tự nguyện đầu tiên của 9 thành viên là 1,66 triệu thùng/ngày và đợt cắt giảm tự nguyện thứ hai của 8 thành viên là 2,2 triệu thùng/ngày.
Ngoài việc gia hạn nỗ lực cắt giảm sản lượng, OPEC+ cũng đồng ý cho phép Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất tăng sản lượng lên 300.000 thùng/ngày cho năm sau.
Một số nhà quan sát cho rằng OPEC+ đang gặp vấn đề về việc lượng dầu trên thị trường có vẻ cao hơn so với mức tính toán của họ, dẫn tới khả năng chiến lược của liên minh suy yếu. Trong khi, một số nước như Iraq và Kazakhstan đã vượt hạn ngạch trong quý đầu tiên năm nay, còn Nga được hiểu đã sản xuất vượt mức hồi tháng 4.