Kết thúc tuần giao dịch 23/05 – 29/05, sắc xanh chiếm ưu thế trên bảng giá của 31 mặt hàng đang liên thông trực tiếp với thế giới tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giúp cho chỉ số MXV-Index tăng mạnh 2,44% lên mức 3.074,59 điểm, cao nhất kể từ giữa tháng 4 đến nay. Trong đó, đóng góp quan trọng nhất vào mức tăng trên là nhóm năng lượng, khi chỉ số MXV-Index Năng lượng cũng đã bật tăng rất mạnh 5,56% lên mức kỷ lục mới 5.733,68 điểm
Tuy nhiên, trái với diễn biến tích cực của giá hàng hóa nguyên liệu, dòng tiền của giới đầu tư trong nước đã có sự chững lại so với giai đoạn giữa tháng. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc giá hàng hóa đang ở vùng biến động mạnh, với các khoảng dao động trong phiên lớn hơn bình thường, dẫn đến tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư.
Theo Khối Quản lý Giao dịch MXV, giá trị giao dịch toàn Sở trong tuần vừa qua chỉ đạt khoảng 4.800 tỉ đồng mỗi phiên, giảm 20% so với mức trung bình của 3 tuần đầu tháng 5.
MXV-Index và GTGD |
Giá dầu thế giới tăng sau lo ngại thiếu hụt nguồn cung
Giá dầu tăng mạnh mẽ trong 2 phiên cuối tuần vừa qua, thoát khỏi trạng thái đi ngang với biên độ hẹp trong giai đoạn đầu tuần. Cụ thể, giá dầu WTI chốt tuần tăng 4,34% lên 115,07 USD/thùng trong khi giá dầu Brent tăng 5,06% lên 115,56 USD/thùng.
Đà tăng của dầu thô chủ yếu đến từ việc thị trường nhận định tình trạng thiếu hụt nguồn cung vẫn còn tiếp diễn trong thời gian tới, đặc biệt khi các thành phố lớn tại Trung Quốc như Thượng Hải đưa ra các kế hoạch để quay lại trạng thái bình thường, sau gần 2 tháng bị đặt dưới các lệnh hạn chế đi lại để kiểm soát dịch. Theo dự kiến, thành phố sẽ cho phép các trung tâm thương mại và trường học mở cửa trở lại từ đầu tháng 6 tới.
Trong báo cáo dầu mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) , tổ chức này đã cắt giảm dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc đi 35.000 thùng/ngày dưới tác động của các biện pháp phong tỏa. Một số ngân hàng đầu tư khác thậm chí còn cho rằng mức giảm thực tế sẽ nhiều hơn, ở mức 200.000 thùng/ngày.
Do đó, nếu thành phố lớn như Thượng Hải có thể được mở cửa, sẽ là tín hiệu tốt đối với thị trường dầu. Bên cạnh đó, đây cũng là dấu hiệu cho thấy sức khỏe của nền kinh tế thứ 2 thế giới có thể bắt đầu hồi phục. Mặc dù mục tiêu tăng trưởng của Trung Quốc ở mức 4,5% trong năm 2022 khó có thể đạt được nữa, tuy vậy vẫn có thể kỳ vọng vào sự phục hồi mạnh mẽ của quốc gia này nếu thành công kiểm soát dịch.
Ngoài ra, giá dầu cũng được hỗ trợ khi Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết ông tin tưởng các thành viên Liên minh châu Âu (EU) có thể đạt được một thỏa thuận về gói cấm vận thứ 6, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga, trước thềm cuộc họp tiếp theo của hội đồng vào ngày 30/05, bất chấp một số quốc gia như Hungary cho biết cần được hỗ trợ nhiều để chuyển đổi cơ sở vật chất ngành dầu khí nếu tham gia vào kế hoạch này.
Bảng giá nhóm năng lượng |
Một yếu tố khác ảnh hưởng đáng kể đến giá dầu là việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) nhiều khả năng vẫn sẽ giữ mức tăng hạn ngạch sản xuất thêm 432.000 thùng/ngày trong cuộc họp tiếp theo dự kiến vào ngày 02/06 (thứ Năm tuần này).
Bất chấp thị trường đang ở trạng thái thiếu hụt nặng khi sản lượng dầu của Nga ước tính đã giảm hơn 1 triệu thùng/ngày kể từ khi bị chịu các lệnh cấm vận từ Mỹ và hiện tượng “tự cấm vận” từ người mua châu Âu. Theo tài liệu nội bộ của nhóm, trong tháng Tư vừa qua, sản lượng thực tế thấp hơn kế hoạch 2,6 triệu thùng/ngày. Trong đó, Nga chiếm tỷ trọng khoảng 50%.
CPI trong nước tăng do giá hàng hóa thiết yếu tăng mạnh
Sáng ngày 29/05, Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, cho thấy hoạt động sản xuất vẫn duy trì đà phục hồi khi số lượng doanh nghiệp thành lập mới gia tăng nhưng một vài chỉ số cũng cần lưu tâm, đó là CPI tăng do giá xăng dầu và hàng hóa thiết yếu tăng mạnh.
Theo Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới; giá lương thực, thực phẩm, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào là những nguyên nhân chủ yếu làm CPI tháng 5/2022 tăng 0,38% so với tháng trước; tăng 2,48% so với tháng 12/2021 và tăng 2,86% so với cùng kỳ năm trước.
CPI Việt Nam |
Cụ thể, tháng 5/2022, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; 1 nhóm hàng giảm giá. Trong đó, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 5/2022 tăng 0,27% so với tháng trước, tác động làm CPI chung tăng 0,09 điểm phần trăm, trong đó lương thực tăng 0,28%, tác động tăng 0,01 điểm phần trăm; thực phẩm tăng 0,22%, tác động tăng 0,05 điểm phần trăm; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,4%, tác động tăng 0,03 điểm phần trăm.
Đáng quan ngại, chỉ số giá nhóm giao thông tháng 5/2022 tăng 2,34% so với tháng trước làm CPI chung tăng 0,23 điểm phần trăm, chủ yếu do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu theo giá nhiên liệu thế giới vào ngày 04/05, 11/05 và 23/05 làm cho giá xăng tăng 5,93%; giá dầu diezen tăng 3,99%.
Giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 1,06% so với tháng trước do giá nhiên liệu tăng. Trong đó, giá vận tải hành khách bằng đường bộ tăng 1,91%; xe buýt tăng 0,99%; taxi tăng 0,97%; đường sắt tăng 0,37%; đường thủy tăng 0,27%. Giá dịch vụ bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 0,05%; thuê ô tô, xe máy tự lái tăng 0,22%; phụ tùng tăng 0,17%.
Bình quân 5 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,29% của 5 tháng đầu năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng của 5 tháng đầu năm 2017-2020; lạm phát cơ bản tăng 1,1%.