Dự báo giá dầu năm 2025/2026 có nguy cơ giảm Giá dầu giảm khi nhà đầu tư vẫn lo ngại về thuế Chiến sự Nga-Ukraine sáng 20/3: Trinh sát Ukraine đầu hàng ở Kursk |
![]() |
Giá dầu thô của Nga đang thấp hơn 24% so với mức mục tiêu ngân sách liên bang cho năm 2025. Ảnh minh họa |
Giá dầu thô của Nga tính theo đồng Rúp cho đến thời điểm này của tháng 3 đang thấp hơn 24% so với mức mục tiêu ngân sách liên bang cho năm 2025, do đồng Rúp mạnh lên và giá dầu toàn cầu suy yếu. Đồng Rúp đã tăng giá trong năm nay nhờ kỳ vọng về một thỏa thuận giải quyết xung đột ở Ukraine. Từ mức thấp nhất trong nhiều năm là 113,75 Rúp đổi 1 USD vào tháng 12/2024, đồng Rúp hiện đã tăng lên 83,92 Rúp đổi 1 USD.
Ông Tyler Richey, đồng biên tập của công ty nghiên cứu và phân tích tài chính Sevens Report Research, chia sẻ với trang tin MarketWatch rằng lệnh ngừng bắn trong cuộc chiến Nga-Ukraine có thể gây áp lực giảm giá dầu nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc đẩy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với ngành năng lượng Nga. Ông cũng nhận định rằng ổn định địa chính trị có thể " dập tắt gần như hoàn toàn động lực đầu cơ rủi ro" trên thị trường dầu mỏ. Các lệnh trừng phạt mà chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden áp đặt đã làm tăng gần gấp ba số lượng tàu chở dầu Nga bị trừng phạt trực tiếp, ảnh hưởng đến khoảng 900.000 thùng dầu mỗi ngày. Trong khi đó, Nga có khả năng sẽ tìm cách né tránh lệnh trừng phạt bằng cách sử dụng nhiều tàu chở dầu trong "hạm đội bóng tối" hơn và thực hiện các hoạt động chuyển dầu từ tàu sang tàu. Theo ngân hàng StanChart, khoảng 500.000 thùng dầu có thể sẽ bị gián đoạn mỗi ngày trong sáu tháng tới.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra ý tưởng nối lại việc mua khí đốt qua đường ống của Nga như một phần của thỏa thuận tiềm năng nhằm chấm dứt cuộc chiến Nga-Ukraine. Được sự ủng hộ của các quan chức Hungary và Đức, động thái này có thể mang lại lợi ích cho cả Nga và châu Âu trong việc duy trì một thỏa thuận hòa bình, đồng thời ổn định thị trường năng lượng của châu lục. Châu Âu đã cắt giảm đáng kể nhập khẩu khí đốt từ Nga, từ khoảng 450 triệu mét khối mỗi ngày vào cuối năm 2021 xuống còn khoảng 150 triệu mét khối mỗi ngày hiện nay. Vấn đề này đã được thảo luận sôi nổi trong Tuần lễ Năng lượng Quốc tế (IE) tại London mới đây.
Theo tờ Financial Times, một kế hoạch đã được đề xuất bởi cựu giám đốc công ty mẹ của Nord Stream 2 (dự án đường ống dẫn khí đốt tự nhiên từ Nga sang Đức qua Biển Baltic). Theo đó, các doanh nghiệp Mỹ sẽ mua lại đường ống này và đóng vai trò trung gian giữa Nga và người tiêu dùng châu Âu, với hy vọng tạo ra sự tin cậy hơn đối với ‘dòng chảy’ khí đốt. Tuy nhiên, StanChart cho rằng kế hoạch này sẽ cần sự chấp thuận từ nhiều cơ quan pháp lý khác nhau, và việc Mỹ tham gia chưa chắc đã giúp cải thiện sự ổn định và an ninh của nguồn cung khí đốt từ Nga.