Khép lại ngày giao dịch 16/4, giá cà phê Robusta giao tháng 7/2024 tăng 0,71% lên 3.977 USD/tấn, tiếp tục duy trì ở vùng đỉnh 30 năm và đang tiến ngày một gần mốc kỷ lục lịch sử 4.000 USD/tấn. Trong khi đó, giá Arabica cũng tăng 0,68%, được giao dịch ở vùng giá cao nhất kể từ tháng 9/2022.
Cụ thể, trên sàn ICE Futures Europe, giá cà phê kỳ hạn giao tháng 5/2024 tăng 31 USD/tấn, ở mức 4.005 USD/tấn, giao tháng 7/2024 tăng 28 USD/tấn, ở mức 3.977 USD/tấn.
Tương tự, trên sàn ICE Futures US, giá cà phê kỳ hạn giao tháng 5/2024 tăng 5,2 cent/lb, ở mức 236,75 cent/lb, giao tháng 7/2024 tăng 1,55 cent/lb, ở mức 228,4 cent/lb.
Giá cà phê 2 sàn tiếp tục tăng. Robusta liên tục lập kỷ lục, phiên vừa qua đã vượt mốc 4.000 USD/tấn. Trên thị trường, những lo ngại về vụ mùa cà phê ở Brazil và Việt Nam đang thúc đẩy hoạt động mua cà phê kỳ hạn của các quỹ.
Theo các chuyên gia, sản lượng cà phê thế giới niên vụ năm nay giảm khoảng 10 - 15%. Trong khi đó, sản lượng của Việt Nam niên vụ 2023 - 2024 dự báo giảm 10%. Ngoài ra, căng thẳng ở Biển Đỏ đã khiến cước vận chuyển và nhiều chi phí tăng, qua đó tạo sức ép khiến giá cà phê càng tăng cao hơn nữa.
Đối lập với giá cà phê tăng cao là sự tiếc nuối của không ít nông dân, vì không còn hàng để bán. Điều này khác với những tin đồn rằng nông dân Việt Nam găm hàng, không bán ra, mà trái lại bán ra mạnh.
Đầu vụ giá cà phê đã cao, nên người dân đã bán. Càng bán giá càng tăng, đến lúc tăng kinh khủng như ngày hiện nay thì lượng cà phê đã cạn. Nhiều người dân họ nói rất tiếc. Còn doanh nghiệp thu mua xuất khẩu lại đau đầu vì giá cà phê quá cao, có thể buộc phải mua giá đỉnh để bảo đảm các hợp đồng đã ký.
Giá cà phê Robusta giao tháng 7/2024 tăng 0,71% lên 3.977 USD/tấn, tiếp tục duy trì ở vùng đỉnh 30 năm |
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), triển vọng nguồn cung cà phê vụ 2024/2025 tại Việt Nam, quốc gia cung ứng cà phê Robusta lớn nhất thế giới vẫn đang rất tiêu cực, tiếp tục là lực đẩy chính đối với giá Robusta nói riêng và giá cà phê thế giới nói chung. Khô nắng kéo dài đang khiến tình trạng quả non chết khô tăng cao, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng thu hoạch vào cuối năm.
Mặc dù vậy, đà tăng có tín hiệu chậm lại do nông dân Brazil đã bắt đầu thu hoạch cà phê vụ 2024-2025 và đang tích cực đẩy nốt cà phê Robusta vụ 2023-2024 ra thị trường. Tính đến ngày 9/4, doanh số bán Robusta vụ hiện tại của quốc gia này đạt 96% sản lượng, cao hơn 5 điểm phần trăm so với cùng kỳ vụ 22/23 và cao hơn mức trung bình 5 năm.
Bên cạnh đó, Viện Địa lý và Thống kê Brazil mới đây đã nâng ước tính sản lượng cà phê năm 2024 của quốc gia này lên 60,2 triệu bao, tăng 1,4% so với dự báo trước và 5,6% so với năm 2023. Trong đó, sản lượng Arabica đạt 41,2 triệu bao, tăng 0,6% so với dự báo trước và 4,5% so với năm ngoái.
Trên thị trường nội địa, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ liên tục tăng phi mã. Tính đến hôm qua (16/4), giá thu mua cà phê trong nước đã vượt mốc 114.000 đồng/kg, tăng khoảng 67% so với đầu năm nay và tăng gần 2,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
EU là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam trong quý I/2024 |
Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam trong quý I/2024, đạt 241.773 tấn, trị giá 778,4 triệu USD, tăng 9,5% về lượng và tăng 64,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Thị trường này chiếm đến 41,3% về lượng và 40,4% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam.
Trong khối EU, lượng cà phê xuất khẩu sang Đức đạt cao nhất với 72.377 tấn, giảm 6,6%; Italy đạt 64.627 tấn, tăng 20,6%; Tây Ban Nha đạt 44.619 tấn, tăng 65,5%; Hà Lan tăng 63,9%...
Các nhà rang xay châu Âu đang đẩy mạnh nhập khẩu cà phê do tồn kho cạn kiệt. Liên đoàn Cà phê châu Âu (ECF) cho biết tồn kho cà phê tại kho cảng tại châu Âu đã giảm 37,9% so với cuối năm ngoái, xuống còn 437.059 tấn vào cuối tháng 2 vừa qua. Trong đó robusta giảm 43,6%, đạt 144.559 tấn.
Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn tiếp theo của cà phê Việt Nam trong quý đầu năm với 37.381 tấn, tăng 39,7% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, lượng cà phê xuất khẩu sang các thị trường lớn khác tại khu vực châu Á cũng tăng rất mạnh so với cùng kỳ như: Trung Quốc tăng 71,8%; Hàn Quốc tăng 14,8%; Malaysia tăng 49,7%; đặc biệt, Indonesia tăng 116,3%; Philippin tăng 100%; Thái Lan tăng 234,8%...
Trong khi đó, lượng cà phê xuất khẩu sang Mỹ, Nga, Algeria lại giảm lần lượt là 5,5%, 10,4% và 2,4%.