Giá cà phê Arabica tăng phi mã, xuất khẩu cà phê Việt Nam được lợi Tồn kho cà phê Arabica xuống mức thấp nhất 24 năm, xuất khẩu cà phê chế biến tăng mạnh |
Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), chốt ngày giao dịch 7/11, giá Arabica quay đầu giảm 1,7% sau khi chạm mức cao nhất trong gần 5 tháng, giá Robusta mất 2,64% so với tham chiếu. Lực bán chốt lời làm lu mờ lo ngại về nguồn cung cà phê trên thị trường những ngày gần đây.
Sau khi tăng cao, giá cà phê giảm nhẹ trong phiên giao dịch hôm qua |
Chỉ số Dollar Index mạnh lên, khiến giới đầu cơ chưa dám gia tăng lực mua trên thị trường. Cùng với đó, áp lực từ điều chỉnh kỹ thuật khiến giá quay đầu giảm.
Dù vậy, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US mất thêm 9.640 bao trong phiên hôm qua, đưa lượng cà phê lưu trữ về 337.915 bao và là mức thấp kỷ lục trong hơn 24 năm. Điều này khiến giá Arabica phục hồi lại.
Trong khi đó, giá Robusta giảm mạnh hơn giá Arabica do lượng tồn kho Robusta trên Sở ICE-EU không mất đà như Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US. Tính đến hết phiên 6/11, lượng Robusta lưu kho là 40.710 tấn, giảm nhẹ 130 tấn so với phiên trước và cao hơn mức thấp kỷ lục 33.000 tấn hồi tháng 9.
Sáng nay, trên thị trường nội địa, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ cũng đồng loạt giảm mạnh 1.200 đồng/kg. Theo đó, giá thu mua cà phê trong nước giảm về còn 56.700-57.400 đồng/kg.
Thời điểm này, nông dân các tỉnh Tây Nguyên bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2023 – 2024. Giá cà phê dao động gần 60.000 đồng/kg, dù thấp hơn đến 10.000 đồng/kg, nhưng vẫn cao hơn gần 1,5 lần so với cùng thời điểm năm 2022. Giá cà phê năm nay tăng cao khiến nông dân phấn khởi, nỗ lực bám vườn và có nguồn tái đầu tư.
Về xuất khẩu, theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 10/2023 đã tăng trở lại, đạt 60.000 tấn, tăng 17,7% so với tháng 9/2023.
Đáng chú ý, trong khi các thị trường ghi nhận xu hướng giảm hoặc chỉ tăng nhẹ, một quốc gia châu Á đang tăng mạnh nhập khẩu cà phê Việt Nam là Indonesia. Trong 9 tháng đầu năm, quốc gia này đã nhập khẩu 31.281 tấn cà phê Việt Nam với trị giá hơn 100 triệu USD, tăng mạnh 153% về lượng và tăng 114% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân đạt 3.203 USD/tấn, giảm 18,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Vùng nguyên liệu cà phê năng suất cao nhờ được hỗ trợ giống có khả năng kháng sâu bệnh và canh tác theo phương pháp nông nghiệp tái sinh |
Để nâng cao hiệu quả xuất khẩu cà phê, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam đề xuất định hướng và giải pháp phát triển ngành hàng cà phê Việt Nam trong những năm tới. Theo đó, 100% giống tái canh bằng giống chất lượng cao, giống cà phê đặc sản; khuyến khích các trang trại, hộ sản xuất hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm liên kết với doanh nghiệp trong đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, thu mua nguyên liệu đầu vào, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cà phê; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong canh tác, cải tạo đất để duy trì tính lý hóa của đất, sử dụng nước tưới hợp lý, giảm sử dụng phân hóa học; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong chế biến cà phê, nâng tỷ lệ cà phê chế biến ướt từ 10% hiện nay lên 30%; tỷ lệ cà phê hòa tan và cà phê rang xay đạt 25% sản lượng.