Giá cả hàng hoá ngày 3/5: Kim loại quý sụt giảm, dầu thô tăng Giá cả hàng hoá ngày 2/5: Dầu thô và dầu thực vật tăng mạnh |
Một lần nữa, chỉ số này lại đánh mất mốc 3.000 điểm, sau khi đạt được chưa đầy một tuần.
Bất chấp diễn biến suy yếu ở hầu hết các mặt hàng, giá trị giao dịch toàn Sở vẫn duy trì ổn định ở mức 6.200 tỉ đồng, giảm không đáng kể so với phiên đầu tuần. Khả năng giao dịch 2 chiều giúp nhà đầu tư luôn có thể tìm kiếm cơ hội khi giá tăng hoặc giảm, cùng với thời gian giao dịch liên tục theo thế giới đang là những ưu điểm rất lớn của thị trường hàng hóa so với các kênh truyền thống khác.
Đậu tương tiếp tục có phiên giảm thứ 4 liên tiếp với mức giảm gần 1%, về 1.630,5 cents/giạ. Theo Viện Kinh tế Nông nghiệp bang Mato Grosso, Brazil (IMEA), nông dân tại đây dự kiến sẽ thu hoạch được vụ mùa kỷ lục 39,48 triệu tấn trong niên vụ 2022/23, tăng 1,53% so với niên vụ trước.
Nhu cầu và giá tăng cao đang tạo động lực cho nông dân có thể gia tăng diện tích gieo trồng. IMEA cũng cho biết, diện tích gieo trồng đậu tương của bang này trong niên vụ 2022-2023 dự kiến sẽ tăng 2,82% so với năm trước lên mức 11,2 triệu héc-ta. Dù năng suất dự báo sẽ giảm nhẹ do lo ngại thiếu hụt nguồn cung phân bón, tuy nhiên, IMEA lưu ý rằng con số này có thể thay đổi phụ thuộc vào thời tiết, tỷ lệ sâu bệnh và mức độ đầu tư của nông dân.
Trong khi đó, hãng tư vấn StoneX cũng đã nâng dự báo sản lượng đậu tương niên vụ 2021-2022 của Brazil lên mức 123,4 triệu tấn, từ mức 122 triệu tấn trong dự đoán trước. Những thông tin trên là nguyên nhân đã khiến lực bán áp đảo đối với đậu tương.
Khô đậu là mặt hàng giảm mạnh nhất nhóm nông sản. Bên cạnh áp lực trái chiều từ việc dầu đậu tương liên tục tăng giá thời gian gần đây, khô đậu cũng đang chịu sức ép từ những thông tin cơ bản ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ như tỷ suất lợi nhuận chăn nuôi thấp tại Trung Quốc, cùng với dịch cúm gia cầm lan rộng tại Mỹ và Pháp.
Giá ngô tiếp tục giảm mạnh về mức thấp nhất trong vòng 3 tuần. Mặc dù những số liệu mới đây của các tổ chức lớn đều cho thấy triển vọng nguồn cung thắt chặt hơn nhưng đây không còn là yếu tố bất ngờ đối với thị trường. Hiệp hội xuất khẩu ngũ cốc Brazil (ANEC) dự báo xuất khẩu trong tháng 5 của Brazil có thể đạt 737.487 tấn, thấp hơn so với mức 850.000 tấn của tháng 4.
Lúa mì tiếp tục giai đoạn biến động ổn định hơn khi mức đóng cửa không quá chênh lệch so với phiên trước đó. Diễn biến trong phiên khá giằng co khi giá chịu tác động của các thông tin trái chiều nhau.
Trong báo cáo Crop Progress, gieo trồng lúa mì vụ xuân tại Mỹ chậm hơn 1% so với dự đoán. Chất lượng lúa vẫn duy trì ở mức 27% tốt - tuyệt vời, cũng thấp hơn 1% so với dự đoán. Những thông tin tiêu cực về mùa vụ ở Mỹ đã hỗ trợ giá trong phiên sáng. Ngoài ra, theo hãng tư vấn APK-Inform, Ukraine được dự báo sẽ thiếu hụt đáng kể các cơ sở lưu trữ ngũ cốc trong vụ thu hoạch 22/23 do hoạt động xuất khẩu bị đình trệ.
Trong niên vụ tới dung lượng còn lại giảm xuống còn 61 triệu tấn, do phần còn lại đã được sử dụng cho lượng ngũ cốc và hạt có dầu thu hoạch trong năm 2021. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến chất lượng lúa mì khi thu hoạch và giúp giá không giảm sâu trong phiên tối.
Trên thị trường chăn nuôi, giá heo hơi hôm nay ở Việt Nam khá ổn định. Giá heo hơi ở miền bắc như Bắc Giang, Hưng Yên đang dẫn đầu về mức thu mua là 58.000 đồng/kg. Ở miền trung cao nhất là Nghệ An, Quảng Trị và miền nam ghi nhận tỉnh An Giang.