Giá dầu thô duy trì đà tăng
Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), giá dầu thô tiếp tục tăng trong tuần kết thúc ngày 29/04, với dầu WTI tăng 2,57% lên 104,69 USD/thùng trong khi dầu Brent tăng 0,93% lên 107,14 USD/thùng. Lo ngại về khả năng Liên minh châu Âu EU áp dụng lệnh cấm vận lên ngành dầu khí của Nga là yếu tố chính hỗ trợ đà tăng của giá.
Trong suốt tuần vừa rồi, thông tin quan trọng nhất được thị trường theo dõi là khả năng EU đưa ngành dầu khí Nga vào mục tiêu trừng phạt, nhất là khi Đức, thành viên thường xuyên liên tục phản đối các lệnh trừng phạt nhằm vào ngành năng lượng Nga trước kia, cho biết đã chuẩn bị để giảm phụ thuộc vào Nga. Sự thay đổi trong lập trường của nền kinh tế lớn nhất khối đã mở đường cho việc thống nhất chính sách chung.
Theo thông tin mới nhất từ Trung tâm Tin tức Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, gói trừng phạt thứ 6 nhắm vào Nga của EU sẽ tiến tới lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga vào cuối năm. Chi tiết của kế hoạch sẽ được bàn luận cụ thể trong cuộc họp giữa các đại sứ EU vào thứ Tư. Nếu được thông qua, chính sách này sẽ đẩy lo ngại về thiếu hụt nguồn cung dầu toàn cầu lên cao, do Nga xuất khẩu khoảng 7 – 8 triệu thùng dầu/ngày, tương đương 7 – 8% nguồn cung dầu thế giới.
Trong khi đó, số lượng giàn khoan dầu khí từ Mỹ, chỉ tăng trong tuần vừa rồi lên tổng cộng 698 giàn. Trong tháng 04, tổng số giàn tăng 28 và mức tăng này được đánh giá là không đủ để bù đắp cho sản lượng thiếu hụt từ Nga. Trước đó, Bộ Năng lượng Mỹ đã kỳ vọng sản lượng dầu nội địa sẽ giúp bù đắp cho sản lượng dầu mất mắt từ Nga.
Lo ngại về giá năng lượng lên cao, một số thành viên như Hungary cho biết họ sẽ phản đối bất kỳ chính sách nào dẫn tới hạn chế quyền nhập khẩu dầu từ Nga. Hungary phụ thuộc lớn vào nguồn năng lượng từ Nga, do đó nước này cũng đang cân nhắc thanh toán các hợp đồng bằng đồng Rúp, bất chấp rủi ro sẽ vi phạm chính sách chung của nhóm.
Ở hướng ngược lại, việc Bắc Kinh áp dụng một số chính sách hạn chế di chuyển cũng như tiến hành xét nghiệm hơn 20 triệu dân là yếu tố kìm hãm đà tăng của giá dầu. Theo ước tính, các lệnh hạn chế khiến cho nhu cầu đi lại trong cuối tháng 4 tại Trung Quốc giảm khoảng 60% so với cùng kỳ năm trước, dù nước này đang trong kỳ nghỉ lễ dài ngày. Saudi Arabia đã có kế hoạch cắt giảm giá bán dầu đối với các khách hàng châu Á, cho thấy họ kỳ vọng nhu cầu tại khu vực này sẽ suy giảm.
Kim loại đồng loạt giảm mạnh trong tuần cuối tháng 4
Giá vàng giảm 1,73% và đánh mất mốc 1.900 USD. Giá bạc giảm mạnh hơn 5% về 23,1 USD/ounce. Trong khi đó giá bạch kim lấy lại sắc xanh với mức tăng 1,32% lên 939 USD/ounce.
Nhóm kim loại quý chịu rất nhiều sức ép trong tuần vừa qua trước sự gia tăng mạnh mẽ của đồng USD. Chỉ số Dollar Index tăng tuần thứ năm liên tiếp lên 102,96 điểm, mức cao nhất kể từ năm 2017, trong bối cảnh các nhà đầu tư đều kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ mạnh tay nâng lãi suất trong thời gian còn lại của năm để kiềm chế lạm phát.
Ngoài ra dòng tiền rời khỏi thị trường chứng khoán trong tuần qua cũng không hỗ trợ cho giá kim loại quý, bởi các nhà đầu tư đang tiến hành nâng tỷ trọng nắm giữ tiền mặt. Có thể thấy, vai trò trú ẩn của nhóm kim loại quý đang thất thế trước tính thanh khoản cao của đồng bạc xanh. Bạch kim là kim loại duy nhất có sức mua áp đảo sức bán, giá bật tăng khi giảm về vùng 900 USD/ounce nhờ tâm lý “mua bắt đáy” của các nhà đầu tư, bởi giá bạch kim chưa từng rớt khỏi khu vực này từ tháng 11/2020.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng có tuần giảm mạnh thứ hai liên tiếp với mức giảm 4,2% về 4,41 USD/ounce. Tính trong cả tháng 04, giá đồng cũng đã giảm đến 7%. Giá quặng sắt cũng giảm gần 3% trong tuần qua về 146,77 USD/ounce.
Giá của cả hai mặt hàng đều chịu sức ép rất lớn, do tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ đối với cả hai mặt hàng. Trong tuần qua, khi thủ đô Bắc Kinh xuất hiện các ca nhiễm, các nhà chức trách đã liên tục trấn an người dân bằng nhiều cam kết khác nhau để hỗ trợ nền kinh tế, tuy nhiên không có bất kỳ kế hoạch cụ thể nào được đưa ra nên không chỉ có giá đồng và quặng sắt, mà giá các mặt hàng kim loại cơ bản khác cũng sụt giảm mạnh do triển vọng nhu cầu suy yếu.
Trong tuần này, thị trường sẽ chú ý đến một loạt các báo cáo vĩ mô quan trọng như chỉ số PMI, Bảng lương Phi Nông nghiệp (Nonfarm), Tỉ lệ Thất nghiệp và đặc biệt là Biên bản họp của FED phát hành vào rạng sáng ngày thứ Năm tới (05/05). Các số liệu này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đồng Dollar, hiện đang ở mức cao nhất trong vòng 5 năm, và qua đó tác động gián tiếp đến giá của hầu hết các mặt hàng được niêm yết bằng đồng tiền này.