Nông dân xã Ea Hleo, thành phố Buôn Ma Thuột phân loại và đóng gói quả bơ trước khi bán ra thị trường |
Thương lái mua tại vườn bơ loại 1 giá từ 35.000-38.000 đồng/kg, tăng hơn năm ngoái từ 5.000-8.000 đồng/kg.
Nguyên nhân bơ giảm năng suất là do biến đổi của thời tiết làm mưa, nắng bất thường, nhất là vào thời điểm cây bơ ra hoa bị mưa nặng hạt kéo dài làm rụng bông hạn chế việc đậu quả.
Anh Hoàng Văn Long, ở xã Cư Suê (huyện Cư M’gar) cho biết, gia đình anh có 30 cây bơ sáp đã đưa vào kinh doanh cho thu hoạch năm thứ 5, năm ngoái, mỗi cây cho từ 50 kg trở lên nhưng vụ này chỉ đạt chưa đến 40 kg quả/cây.
Tuy nhiên, do giá tăng cao, thương lái mua tại vườn bình quân 35.000 đồng/kg nên sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình cũng thu lãi được hàng trăm triệu đồng.
Trong vài năm trở lại đây, bơ quả được thị trường các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ… được người tiêu dùng rất ưa chuộng, tiêu thụ mạnh, giá tăng cao, ổn định. Vì vậy đã khiến đồng bào các dân tộc ở tỉnh Đắk Lắk đầu tư mở rộng diện tích vừa trồng thuần, vừa trồng xen trong các vườn càphê.
Đây cũng là cây dễ trồng, chịu hạn ít có nhu cầu về nước, ít đầu tư chăm sóc nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Gia đình anh Bành Việt Tùng, thôn 4 xã vùng sâu Ea Kpam (huyện Cư M’gar) đã mạnh dạn phá bỏ 3ha cà phê không chủ động được nguồn nước chuyển sang trồng 500 cây bơ. Sau 3 năm, mỗi cây bơ cho thu nhập từ 2 đến 2,5 triệu đồng.
Anh Bành Việt Tùng hồ hởi cho biết, trồng bơ nhàn hơn nhiều so với cây càphê vì công đầu tư chăm sóc ít hơn, chịu hạn tốt, thậm chí, càng khô hạn càng cho nhiều quả nhưng lãi suất cao hơn nhiều lần so với cây càphê.
Ngoài việc trồng thuần, hiện nay, các nông hộ sản xuất kinh doanh càphê còn mở rộng diện tích trồng xen cây bơ trong các vườn càphê để không những tăng thu nhập trên từng đơn vị diện tích mà còn góp phần cải tạo môi trường sinh thái cho từng tiểu vùng, giúp cho phát triển càphê bền vững.
Tỉnh Đắk Lắk hiện có trên 2.100 ha bơ, sản lượng ước đạt trên 18.000 tấn, trong đó, diện tích bơ tập trung nhiều nhất ở các huyện Cư M’gar, Krông Búk, Krông Năng, Cư Kuin, Ea H’Leo.