Thương lái đang "tân trang" cho khoai tây Trung Quốc cho giống đặc sản khoai tây Đà Lạt |
Những năm qua, do nguồn cung của khoai tây Đà Lạt luôn thiếu hụt so với nhu cầu thị trường nên lượng khoai tây Trung Quốc được các thương lái nhập về Lâm Đồng ngày càng tăng.
Tuy nhiên, khoai tây nhập từ Trung Quốc có giá rẻ hơn rất nhiều so với khoai tây Đà Lạt nên phát sinh tình trạng gian lận thương mại. Một số thương lái phù phép, biến khoai tây Trung Quốc thành khoai tây Đà Lạt, sau đó gắn nhãn mác, thương hiệu khoai tây Đà Lạt và đưa đi tiêu thụ tại một số thị trường trong nước.
Để bảo vệ thương hiệu khoai tây Đà Lạt, “Đề án thí điểm nhận diện sản phẩm khoai tây Đà Lạt” sẽ tập trung hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm khoai tây Đà Lạt hàng trăm ngàn bao bì, được sản xuất theo mẫu mã riêng, có tem chống hàng giả cho các túi, thùng đóng gói sản phẩm khoai tây Đà Lạt.
Ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng - đơn vị trực tiếp triển khai đề án này cho biết, tổng kinh phí để thực hiện là hơn 1 tỷ đồng, trong đó có trên 70% số tiền được trích từ ngân sách nhà nước, còn lại là vốn đối ứng của các tổ chức, cá nhân thụ hưởng từ đề án.
Đây là một đề án mới giúp cho người trồng khoai tây, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức sản xuất và tiêu thụ khoai tây gắn với thương hiệu Đà Lạt kết tinh kỳ diệu từ đất lành, phát triển khoai tây một cách minh bạch, rõ ràng trên thị trường, tránh sự nhầm lẫn với khoai tây từ các vùng khác trong nước cũng như từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam.
“Nhiệm vụ chính của “Đề án nhằm khẳng định thương hiệu khoai tây Đà Lạt” có sự khác biệt giá trị về thương hiệu cũng như giá trị kinh tế. Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng đang hoàn thiện hồ sơ để đấu thầu in ấn bao bì tem nhãn, cố gắng trong tháng 9 sẽ tiến hành ghi nhãn các bao bì với khoai tây trong vụ Hè Thu này. Hiện đề án thí điểm đang được đơn vị tích cực triển khai…”, ông Hưng cho biết thêm.
Được biết, Lâm Đồng có diện tích canh tác khoai tây gần 1.600ha, năng suất bình quân đạt 25 tấn/ha và sản lượng đạt gần 40.000 tấn, sản xuất được 2 vụ Đông Xuân và Hè Thu trong năm, chủ yếu được trồng tập trung tại Đà Lạt và các vùng lân cận.