Mới đây, tại Hội thảo tham vấn các đối tác phát triển, các tổ chức phi chính phủ để góp ý cho nội dung Đề án, ông Hà Việt Quân – Tổ phó Tổ xây dựng Đề án cho biết, nội dung chính sách của Đề án sẽ hướng đến 3 lĩnh vực lớn: Phát triển kinh tế; Văn hóa – xã hội; An ninh – quốc phòng, trên quan điểm: Đầu tư cho phát triển vùng DTTS và miền núi là trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân. Trong đó, Nhà nước giữ vai trò quan trọng, ý chí tự lực, tự cường của người dân là quyết định. Mục tiêu đầu tư là phát triển bền vững đi liền với xóa đói, giảm nghèo; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; nhất là đồng bào DTTS, thực hiện quyết tâm “không để ai bỏ lại phía sau”.
Phát triển bền vững đi liền với xoá đói, giảm nghèo là mục tiêu lớn đặt ra cho vùng DTTS, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn |
Cùng với phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, phải coi trọng giữ vững ổn định chính trị, không ngừng củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc; đồng thời chú trọng bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học…
Bên cạnh ngân sách nhà nước là nguồn lực quan trọng, quyết định để thực hiện; dự thảo Đề án nhấn mạnh tới việc phát huy cao độ nội lực của vùng, đi đôi với sự gia tăng đầu tư và hỗ trợ của Trung ương. Huy động mọi nguồn lực thuộc các thành phần kinh tế trong vùng, thu hút các nguồn lực từ các vùng khác và các nguồn tài trợ quốc tế.
Cũng theo ông Hà Việt Quân, để thực hiện mục tiêu tổng quát, cũng như 9 mục tiêu lớn của Đề án, Đề án sẽ có nhiều nội dung đổi mới so với trước đây. Đó là, sẽ phân định lại vùng DTTS, miền núi. Cụ thể như: Thêm tiêu chí dân số DTTS và hộ nghèo, cận nghèo DTTS vào tiêu chí phân định. Đưa toàn bộ các xã DTTS biên giới vào các xã đặc biệt khó khăn để tăng đầu tư cho khu vực này. Xác định địa bàn đặc biệt khó khăn ở cấp thôn, bản, cấp xã, cấp huyện.
Từ chỗ phân định lại như trên, việc phân bổ ngân sách thực hiện Đề án sẽ được đổi mới như sau: Đối với những tỉnh, thành phố tự cân đối được ngân sách thì được sử dụng ngân sách thực hiện Đề án, trừ vào phần phải nộp về ngân sách trung ương theo Luật Ngân sách. Đối với những tỉnh, thành phố nhận hỗ trợ ngân sách Trung ương, hàng năm ghi dòng ngân sách riêng bổ sung thực hiện Đề án (chia rõ phần thụ hưởng của ngân sách cấp tỉnh, huyện, xã).
Song song với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp để huy động vốn; sẽ phải rà soát, phân kỳ đầu tư, ưu tiên tập trung đầu tư, tránh dàn trải, nợ đọng, đảm bảo đúng quy định Luật Đầu tư công, huy động đủ các nguồn lực để tổ chức thực hiện các nội dung của Đề án.
Phạm vi thực hiện Đề án sẽ là địa bàn các xã vùng DTTS, miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; đối tượng thực hiện là hộ gia đình, cá nhân người DTTS, hộ gia đình, cá nhân người dân tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở vùng DTTS, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn… Chính vì vậy, để Đề án đạt mục tiêu đề ra, việc tuyên truyền, vận động, phổ biến giáo dục pháp luật ở các địa bàn này được xác định là đặc biệt quan trọng. Bởi lẽ, chỉ khi đồng bào, nhân dân đồng lòng, chung sức nâng cao ý thức pháp luật, đề cao tinh thần tự lực, tự cường, giữ gìn và phát huy bản sắc của các dân tộc, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống… thì những chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước dành cho vùng DTTS, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn mới đi vào đời sống và đơm hoa kết trái.
Kinh phí thực hiện Đề án (tạm tính) Tổng vốn thực hiện tối thiểu: 1.020.692,21 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước đảm bảo 785.692,21 tỷ đồng; nguồn vốn tín dụng: 35.000 tỷ đồng; nguồn vốn khác 200.000 tỷ đồng. Vốn đầu tư được xác định, tổng hợp vào vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. |