FTA Việt Nam - Israel: Mở rộng cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư FTA Việt Nam - Israel: Mặt hàng trái cây nào sẽ được hưởng lợi? |
Sau 7 năm và qua 12 lần trao đổi đàm phán, ngày 2/4, Việt Nam và Israel đã ra tuyên bố về việc kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) tiến tới việc ký kết chính thức. Xin ông cho biết một số đánh giá về sự nỗ lực của Bộ Công Thương trong việc triển khai đàm phán các FTA, mở cửa thị trường cho hàng Việt Nam vươn ra thị trường thế giới?
Vừa qua đoàn đàm phán của Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam cùng với Bộ Công nghiệp của Israel đã kết thúc việc đàm phán ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam – Israel, điều này cho thấy chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình hội nhập thì việc tăng cường mở rộng quan hệ giao thương là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược.
Để triển khai thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, Bộ Công Thương đã luôn chủ động, tích cực đi tìm kiếm, đàm phán với các đối tác. Cho tới nay chúng ta đã kí kết được 17 FTA, tôi cho rằng, mỗi một FTA được ký kết, đã mở ra một động lực mới cho nền kinh tế phát triển.
Trong thời gian qua, chúng ta đã hoàn tất đàm phán để chuẩn bị tiếp tục ký kết thêm một FTA với Israel, tôi được biết FTA này chúng ta đã bắt đầu đàm phát đến này là 7 năm và qua 12 lần trao đổi đàm phán thì bước đầu đã coi như là đã kết thúc và dự kiến nhân dịp kỷ niệm 30 năm quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Israel thì chúng ta sẽ ký kết hiệp định này. Tôi thấy ở đây thể hiện rõ vai trò của Bộ Công Thương là luôn luôn chủ động trong việc tham gia đàm phán ký kết các hiệp định thương mại tự do mới.
PGS. TS. Ngô Trí Long |
Israel và Việt Nam đã có quan hệ thương mại từ năm 1994. Qua quá trình đó mối quan hệ thương mại giữa hai nước ngày càng phát triển. Và trên cơ sở nền tảng đó, chúng ta đã tiếp tục đàm phán để ký kết hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Israel. Thông tin cho thấy, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Israel đang đứng thứ 5, về xuất nhập khẩu đứng thứ 3, sau UAE và sau Thổ Nhĩ Kỳ, cho nên việc Bộ Công Thương chủ động để ký kết đàm phán hiệp định thương mại tự do Israel là rất đáng ghi nhận. Đây cũng là nỗ lực của Bộ Công Thương, nhằm tạo cơ hội để nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế trong sự hội nhập kinh tế quốc tế.
Mặc dù Israel không phải là thị trường lớn nhưng được đánh giá là thị trường rất tiềm năng đối với hàng hóa Việt Nan. Ông đánh giá thế nào về tiềm năng xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam sang thị trường này trong thời gian tới, khi FTA được ký kết?
Ta thấy rằng, mỗi FTA luôn đi kèm giữa cơ hội và thách thức. Cơ hội, chúng ta phải xem xét tiềm năng của Israel như thế nào? Tôi được biết, Israel là một đất nước nhỏ nhưng lại có một nền kinh tế và hoạt động ngoại thương rất mạnh. Dân số Israel chỉ bằng 1/10 của nước ta, có nghĩa vào khoảng gần 10 triệu dân, nhưng thu nhập bình quân đầu người của họ lại rất cao, vào khoảng 55 nghìn USD/năm. Về hoạt động thương mại của Israel, bình quân hàng năm khoảng trên 173 tỷ USD, trong đó họ nhập siêu là chủ yếu. Mặt khác, ta thấy được, Israel là một đất nước không có nguồn tài nguyên dồi dào, diện tích có đến 70% là sa mạc nên nguồn tài nguyên rất khan hiếm nhưng bên cạnh đó, Israel là một đất nước người dân có một trí tuệ cao bằng chứng là có rất nhiều giải Nobel trên thế giới phần lớn thuộc về các nhà khoa học đến từ Israel, hay ví dụ những người thành công tại Mỹ thì có đến 20% là người Israel. Vậy, với đất nước tuy là nhỏ bé nhưng có một tiềm năng về mặt kinh tế rất mạnh, với tiềm năng này khi ký kết FTA với Israel chúng ta sẽ cần tận dụng cơ hội đó.
Cũng chính vì điều kiện thiên nhiên của họ rất khó khăn, cho nên hoạt động thương mại của họ chủ yếu là nhập khẩu, đặc biệt là nhập khẩu về mặt hàng tiêu dùng. Khi mỗi một hiệp định thương mại tự do được kí kết, nó sẽ tạo ra những cơ hội rất lớn cho thị trường đó.
Theo số liệu được công bố, hằng năm, Israel kim ngạch nhập khẩu khoảng 35 tỉ đô la đối với mặt hàng tiêu dùng, trong khi đó mặt hàng này lại là một trong những thế mạnh của chúng ta. Đồng thời, trong quá trình đó, chúng ta cũng cần tạo ra những điều kiện là tận dụng thế mạnh của họ bằng những trí thức, bằng những kỹ thuật công nghệ cao mà Việt Nam có nhu cầu.
Trong bối cảnh đó, đây có thể coi là cơ hội chúng ta vừa xuất khẩu và vừa nhập khẩu. Theo tôi được biết, hiện nay theo số liệu thì hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đối với Israel đang có xu hướng tăng. Ví dụ như năm 2020 kim ngạch xuất nhập khẩu là gần 2 tỷ USD, đến năm 2021 thì tăng lên 2,3 tỷ USD, đến năm 2022 thì theo tính toán khoảng 2,6 tỷ USD và xu hướng trong năm nay sẽ tăng lên nữa. Theo tình hình quan hệ thương mại từ hai chiều tôi đánh giá điều này có lợi cho hoạt động kinh tế của Việt Nam.
Tôi cho rằng, cơ hội lớn không chỉ về hoạt động thương mại và cả hoạt động đầu tư. Hiện ta thấy, Israel nhập siêu nhiều hơn là chúng ta xuất siêu. Thế thì lợi thế của FTA là gì? Đó là thuế quan giảm theo từng giai đoạn nên có lợi thế rất lớn về hoạt động xuất nhập khẩu. Hiện nay có khoảng 70 mặt hàng mà chúng ta có thể xuất khẩu được sang Israel, đây là lợi thế, cơ hội rất lớn. Bên cạnh những cơ hội đó chúng ta thấy hội nhập chính là sự cạnh tranh, nhưng cạnh tranh trong bối cảnh năng lực của chúng ta còn hạn chế, vì vậy, chúng ta phải tìm những mặt hàng nào có lợi thế mà chúng ta có khả năng để chúng ta tiếp cận và xuất khẩu.
Vì vậy, tôi đánh giá đây là một cơ hội rất lớn, mở ra "cánh cửa" cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Đặc biệt là nếu chúng ta tạo nên điều kiện thế mạnh, tôi nghĩ là sẽ nâng tầm vị thế của Việt Nam trong hoạt động kinh tế quốc tế.
Theo ông, việc có thêm các FTA được ký kết, bên cạnh việc thúc đẩy xuất khẩu, doanh nghiệp cần chú trọng điều gì để phát huy hiệu quả do hiệp định mang lại?
Ta thấy mỗi một hiệp thương mại tự do lại đem lại những cơ hội và thách thức khác nhau. Thách thức ở đây là về năng lực cạnh tranh. Trong quá trình đàm phán, tôi nghĩ rằng Bộ Công Thương là đơn vị thay mặt cơ quan Nhà nước đã tìm ra được những thế mạnh, lợi thế của mình để kí kết. Trong đó, có những điều thực hiện ngay, có những điều thực hiện theo lộ trình, do đó để tận dụng FTA Việt Nam - Israel một cách có hiệu quả. Thứ nhất, doanh nghiệp phải chủ động trong vấn đề tìm hiểu những cơ chế, những chính sách, thị trường, những rào cản thương mại để từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa của mình. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần chủ động trong xúc tiến thương mại, tìm hiểu thị trường.
Thứ hai, các doanh nghiệp hoạt động phải chuyên nghiệp hơn, là vì một đối tác có năng lực cạnh tranh lớn, một đối tác có điều kiện tốt như vậy mà chúng ta không chuyên nghiệp trong vấn đề hoạt động về xuất nhập khẩu thì sẽ khó tiếp cận với họ. Hơn hết, khoa học kỹ thuật của họ rất phát triển, cho nên những mặt hàng tiêu dùng mà chúng ta xuất khẩu sang thì phải chú ý nâng cao chất lượng, đặc biệt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, doanh nghiệp phải chủ động trong những vấn đề này.
Lời khuyên để chúng ta có thể tận dụng được cơ hội khi FTA Việt Nam - Israel được ký kết thì có hai vấn đề quan trọng. Một là doanh nghiệp phải chủ động và hai là doanh nghiệp phải có tính chuyên nghiệp hơn trong quá trình hoạt động về xuất nhập khẩu.
Xin cảm ơn ông!