Khai mạc sự kiện, ông Nicolas Audier - Chủ tịch EuroCham – nhấn mạnh: những cải cách trong thời gian qua của Chính phủ Việt Nam đã mang lại nhiều kết quả rất đáng ghi nhận và những kết quả đó không chỉ tạo động lực phát triển cho doanh nghiệp trong nước mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp châu Âu đầu tư vào Việt Nam.
Đại diện VCCI, EuroCham và đông đảo doanh nghiệp Việt Nam, EU tham gia hội thảo |
Nói về các Hiệp định vừa được ký kết, ông Nicolas Audier tin tưởng: “Việt Nam có năng lực để thực hiện các hiệp định và nhiều nhà đầu tư sẵn sàng vào Việt Nam đầu tư”.
Ông Nicolas Audier: Việt Nam có năng lực để thực hiện các hiệp định EVFTA và EVIPA |
Vị đại diện EuroCham giới thiệu thêm, tổ chức này là tiếng nói của doanh nghiệp EU tại Việt Nam và hiện đã có 1.100 thành viên tại Việt Nam. Để hỗ trợ các doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất, EuroCham đã hình thành các Uỷ ban theo phân ngành sản xuất, kinh doanh, như: ngành giấy, dược phẩm, ô tô, thực phẩm… và đây là cơ sở để tạo nên những đóng góp, thúc đẩy hơn nữa tiến trình hợp tác giữa Việt Nam - EU.
Trong bài phát biểu quan trọng tại hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI – nhắc lại, hiệp định EVFTA là hiệp định tốt nhất mà Việt Nam đạt được từ trước tới nay, đáp ứng đồng thời cả 2 yêu cầu là tự do cao nhất và công bằng nhất.
Cũng theo ông Lộc, trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới giai đoạn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với chất lượng, công nghệ cao hơn, có giá trị gia tăng lớn hơn, thân thiện với môi trường hơn thì việc ký kết và thực hiện các hiệp định EVFTA và EVIPA được kỳ vọng sẽ mang lại những lợi ích to lớn hơn cho cả hai phía ký kết.
Ông Vũ Tiến Lộc: EVFTA là hiệp định tốt nhất mà Việt Nam đạt được từ trước tới nay, đáp ứng đồng thời cả 2 yêu cầu là tự do cao nhất và công bằng nhất |
Làm rõ hơn ý nghĩa từ các hiệp định này, ông Lộc cho rằng, với những tiêu chuẩn cao từ EVFTA và EVIPA sẽ thúc đẩy làn sóng cải cách thứ hai ở Việt Nam và đây sẽ là một trong những cơ sở quan trọng đóng góp vào việc xây dựng thể chế.
Vị đại diện VCCI cũng nhận định, các hiệp định này sẽ vừa là động lực, vừa là áp lực thúc đẩy cải cách thể chế, nhờ đó doanh nghiệp sẽ phát triển lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Từ quan điểm này, ông Vũ Tiến Lộc khuyến nghị, trong thời gian tới, Chính phủ cần có những cải cách thực chất, hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp bởi nếu không, doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi tham gia “sân chơi” mới này.
Đối với các doanh nghiệp, ông Lộc lưu ý, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, quản trị doanh nghiệp, đặc biệt là quan tâm, tìm hiểu thông tin cụ thể về các hiệp định để chủ động cơ cấu lại sản phẩm, công nghệ, đối tác và thị trường, từng bước thâm nhập và cạnh tranh được ngay tại sân nhà và gia tăng xuất khẩu vào thị trường EU.
Từ góc độ doanh nghiệp, đại diện Công ty Logistics Logwin Air + Ocean Vietnam, ông Lê Đức Cảnh cho rằng, khi Việt Nam và EU quyết định mở cửa thị trường đi kèm với các tiêu chuẩn, chuẩn mực quốc tế cao hơn thì dường như cơ hội của các doanh nghiệp EU là lớn hơn bởi họ đã thiết lập được chuỗi giá trị và hệ thống cơ sở hạ tầng trên phạm vi toàn cầu, trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế nên khả năng cạnh tranh ở cấp độ quốc tế không cao.
Để cộng đồng doanh nghiệp Việt có thể tham gia thành công vào “sân chơi” này, theo ông Cảnh, bản thân các doanh nghiệp phải nắm bắt được cơ hội để bứt phá, tạo thế cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp EU.
Tán thành, ông Nguyễn Hải Minh - Phó Chủ tịch EuroCham – chỉ rõ, Chính phủ Việt Nam đang có những biện pháp để hỗ trợ thực hiện hiệp định này. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực như: da giày, dệt may, xuất khẩu nông sản, thủy sản, đồ gỗ... phải chủ động xây dựng kế hoạch điều chỉnh lại cơ chế hoạt động và thành công hay không là do nỗ lực của chính các doanh nghiệp.
Ông Minh khuyến nghị, cần sớm thành lập hội đồng doanh nghiệp hỗn hợp hay tổ chức thành Liên minh doanh nghiệp Việt Nam- EU trên cơ sở các ngành hàng với hoạt động thường niên nhằm đưa ra các kiến nghị giải pháp cho những vấn đề còn vướng mắc trong quan hệ hợp tác giữa các bên khi thực hiện EVFTA và EVIPA.