Nội dung chính của EVFTA về quyền sở hữu trí tuệ
Ngày 30/6/2019, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã được ký kết tại Hà Nội, kết thúc quá trình đàm phán kéo dài và đánh dấu mốc lịch sử trong quan hệ đối tác giữa hai nền kinh tế. Hiệp định chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 và là sự kiện quan trọng, mở ra cơ hội phát triển thương mại mới giữa Việt Nam và EU, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để doanh nghiệp Việt Nam tham gia thị trường toàn cầu.
EVFTA có những quy định mới, rất khắt khe về bảo hộ sở hữu trí tuệ nói chung, bảo hộ chỉ dẫn địa lý nói riêng. Ảnh TTXVN |
Theo đánh giá từ các chuyên gia kinh tế, EVFTA là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới rất toàn diện, rất nhiều lĩnh vực phi truyền thống đã được đề cập, đàm phán, ký kết ở mức độ rất cao. Tuy nhiên, EVFTA cũng có những những quy định mới, rất khắt khe về bảo hộ sở hữu trí tuệ nói chung, bảo hộ chỉ dẫn địa lý nói riêng, góp phần giải quyết những lo ngại về việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam từ phía các doanh nghiệp châu Âu.
Vấn đề sở hữu trí tuệ, đặc biệt là chỉ dẫn địa lý, được đánh giá là một trong những vấn đề khó đàm phán nhất trong EVFTA và Chương 12 - Sở hữu trí tuệ của Hiệp định này quy định về sở hữu trí tuệ với nhiều cam kết về tiêu chuẩn bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng là một trong những chương có dung lượng lớn nhất trong toàn bộ nội dung của Hiệp định. Lý do bởi EU là khu vực xuất khẩu các sản phẩm trí tuệ hàng đầu thế giới, do đó có nhu cầu tăng cường bảo hộ cũng như thực thi việc bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ. EU cũng đồng thời có chế độ bảo hộ đặc thù đối với chỉ dẫn địa lý và rất chú trọng việc bảo hộ loại quyền sở hữu trí tuệ này.
Còn về phía Việt Nam, thông qua Hiệp định này, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thể tiếp cận các sản phẩm sở hữu trí tuệ phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế, khoa học, xã hội với chi phí thấp nhất có thể.
Chương 12 của Hiệp định EVFTA bao gồm 63 điều và 2 phụ lục (Danh mục các chỉ dẫn địa lý và Danh mục nhóm sản phẩm). Nội dung chính của chương này bao gồm các cam kết về các nguyên tắc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, phạm vi quyền sở hữu trí tuệ, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, thông tin bí mật, giống cây trồng, vấn đề bản quyền và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, phần nhiều trong số các cam kết này cơ bản nhắc lại các nội dung tương ứng của Hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) thuộc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hoặc chỉ có bổ sung nhỏ.
Nhìn chung, về quyền sở hữu trí tuệ trong khuôn khổ EVFTA, Việt Nam đã cam kết bảo hộ ở mức độ cao. Pháp luật Việt Nam cơ bản đáp ứng được các yêu cầu về nội dung này, thậm chí có quy định ở mức cao hơn so với quy định của TRIPS. Tuy nhiên, EU đòi hỏi cao hơn cả Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về các biện pháp thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt liên quan tới các sản phẩm nhạy cảm như: Dược phẩm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Tiêu chuẩn sở hữu trí tuệ cao hơn WTO
Theo Bộ Công Thương, điểm quan trọng mà doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý là tại các cam kết trong EVFTA, EU đòi hỏi cao hơn cả WTO về các biện pháp thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt liên quan tới các sản phẩm nhạy cảm như dược phẩm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Đơn cử, với EVFTA, các chính sách, quy định liên quan tới sở hữu trí tuệ phải được minh bạch hóa hơn nữa, như phải công bố trên internet các quy định của pháp luật, các thủ tục, quy trình, quyết định liên quan đến xác lập và thực thi quyền sở hữu trí tuệ…
Đối với nhóm các cam kết về tiêu chuẩn bảo hộ đối với từng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ cụ thể, EVFTA có cam kết về các tiêu chuẩn bảo hộ đối với từng loại trong số 8 đối tượng quyền sở hữu trí tuệ (quyền tác giả và quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, thiết kế mạch tích hợp, bí mật kinh doanh và giống cây trồng).
Vấn đề sở hữu trí tuệ và bảo hộ chỉ dẫn địa lý, là những nội dung mới chỉ xuất hiện trong một số ít hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia. Trong xu thế hội nhập sâu rộng như hiện nay, việc thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung, bảo hộ chỉ dẫn địa lý nói riêng là cơ sở, tiền đề để một quốc gia kiểm soát các hoạt động kinh doanh và bảo vệ thương hiệu. Từ đó, giúp thu hút đầu tư của các công ty đa quốc gia, tăng cơ hội tiếp cận với các công nghệ tiên tiến, tạo môi trường, cũng như hành lang pháp lý vững chắc để các cá nhân, tổ chức yên tâm phát triển ý tưởng sáng tạo, đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng, có tính ứng dụng cao.
Do vậy, để thấu hiểu và tận dụng hết những cơ hội mà EVFTA mang lại, cộng đồng doanh nghiệp cần nhanh chóng tìm hiểu, bắt kịp những xu hướng phát triển khoa học - công nghệ; nhanh chóng thực hiện các hoạt động bảo hộ; khai thác tài sản trí tuệ, khai thác thông tin sở hữu công nghiệp để cải tiến kỹ thuật, đầu tư sâu rộng thì mới có thể nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển thị trường, đáp ứng yêu cầu cao đối với thị trường EU, nhất là các mặt hàng phải đáp ứng những tiêu chuẩn cao của EU.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cần phát triển khả năng kết nối với thị trường EU, nhất là với kênh phân phối, qua đó đưa hàng hóa Việt Nam tiếp cận, khai thác thị trường EU và nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo dựng vị thế, phát triển bền vững.
Bên cạnh nỗ lực của các doanh nghiệp, cần có sự tham gia tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, cũng như các cơ quan thực thi pháp luật tại Việt Nam. Ngoài việc thực hiện rà soát và hoàn thiện khung pháp luật trong nước với quy định của EVFTA, Việt Nam cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến quy định của EVFTA, tiếp tục cùng với các hoạt động hỗ trợ, tư vấn pháp lý dành cho doanh nghiệp khi cần thiết. Đây là những hoạt động sẽ góp phần nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định này tại Việt Nam.