Ký ức khó quên Nữ phóng viên với câu chuyện nghề |
Vì nhiều lý do khách quan, từ một biên tập viên, Nhà báo Lê Quang Vinh đã chuyển sang cầm máy và trở thành một phóng viên ảnh có tiếng trong làng báo, là một “tay máy” không thể thiếu của Báo Thương nghiệp, Báo Thương mại (sau này là Báo Công Thương).
Trong một bài viết về nghề báo của tôi, có đoạn: “Đang yên, đang lành được biên chế ngồi một chỗ tại phòng Thư ký Toà soạn của Báo Thương nghiệp, thì Nhà báo Hoàng Linh rủ đi Quảng Ninh. Cũng bởi mấy năm tù túng rồi, rất muốn bay nhảy”. Đúng dịp này, chị Hợi - vợ anh Phạm Việt Tường (nguyên Tổng biên tập Báo Thương mại), để lại cho chiếc máy ảnh cũ, hiệu “Zenit” của Liên Xô cũ, ống kính chỉ bằng “hạt mít”. Có được cơ hội tốt thế, tôi quyết đi theo nhằm "tí toé" chụp ảnh phục vụ Hoàng Linh viết bài, thực chất “chơi là chính”, chỉ vài phần trăm học “nghiệp vụ” từ Hoàng Linh thôi.
Ra Quảng Ninh mấy ngày chụp hết một cuộn phim đen trắng. Về tòa sọan, Hoàng Linh “nhùng nhằng” thế nào mà chưa có bài như hầu hết mọi lần đi công tác về kiểu gì cũng phải nộp ngay. Tôi thì sốt sắng đem cuộn phim cho phóng viên ảnh chuyên nghiệp là anh Nguyễn Dần rửa. Khi anh Dần lấy phim ra khỏi máy ảnh, thì bị răng tua phim xé rách làm đôi, nhưng rất may đã sót lại được kiểu phim duy nhất cuối cùng còn nguyên vẹn là hình ảnh đàn bò phủ kín cả một khoảnh đồi đang lũ lượt về chuồng.
Anh Nguyễn Dần in ảnh xong, ra khỏi "buồng tối" liền đưa ảnh về tòa soạn, người coi đầu tiên cũng lại là Hoàng Linh. Chú ấy “vồ” luôn tấm ảnh, chạy lên gác 2 gặp Tổng biên tập là anh Nguyễn Ngọc Châu (nguyên Tổng biên tập Báo Thương nghiệp, sau này là Báo Thương mại). Thời ấy, có mấy ai lên thẳng Tổng biên tập mà gặp “tay bo” với “sếp” thế đâu. Hoàng Linh thưa: “Anh ạ, ta chỉ cần phóng tấm hình này lên và in kèm một chú thích thật “đắt”, chẳng cần phải viết bài nữa”. Tổng biên tập hỏi lại: "Chú thích thế nào?". Hoàng Linh nhanh nhảu thưa: “Nguồn thực phẩm tươi sống dự trữ tại chỗ, sẵn sàng cung ứng mọi nhu cầu”.
Ông Châu có lẽ bị “đo ván” bởi chữ “cung ứng”, nó như ngọn gió mới thay đổi tận gốc rễ chữ “cung cấp” đang đè nặng cả nền kinh tế, kìm hãm sự phát triển toàn xã hội từ ngày đất nước thống nhất đến thời điểm này (hình như cuối năm 1985 - đầu năm 1986?) đã luôn tràn ngập trên báo chí cùng cửa miệng muôn triệu người dân rồi.
Thế là tấm ảnh được phóng to, in phủ kín một nửa trang nhất Báo Thương nghiệp cùng dòng chữ chú thích in đậm như… “câu khẩu hiệu” của Hoàng Linh.
Trong lịch sử tờ báo lâu đời thuộc loại số 1 của nền báo chí đất nước này, có lẽ đây là tấm ảnh được đăng với khổ lớn nhất (tại thời điểm bấy giờ).
Bài báo viết tiếp: "Tôi nhớ sau vụ này, trong một cuộc họp toàn cơ quan Báo Thương nghiệp, anh Nguyễn Ngọc Châu tuyên bố: "Từ nay đồng chí Lê Quang Vinh đi công tác địa phương, phòng Hành chính, bộ phận ảnh của báo, bố trí cấp phát phim, cho mượn máy ảnh để chụp thêm ảnh cho Toà soạn".
Dần dà, tôi trở thành “phóng viên ảnh” rất “oách” như vậy. Bởi thời đó, có mấy phóng viên đi địa phương mà được mang máy ảnh đâu. Thành ra, có lẽ tôi là một phóng viên ảnh “chuyên nghiệp” duy nhất thời đó, mà không được đào tạo lấy một giờ nào về kỹ năng nhiếp ảnh. Nay ngồi nghĩ lại, đúng là “điếc không sợ súng”, thấy thật vui.
Đúng thời điểm này (đầu năm 1986), Trung ương điều ông Hoàng Minh Thắng (đang là Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam - Đà Nẵng) ra làm Bộ trưởng Bộ Nội thương. Theo lẽ thường, Báo Thương nghiệp phải có bài viết cùng chùm ảnh chân dung lẫn ảnh hoạt động của tân bộ trưởng, để in "hoành tráng" trên cả trang nhất.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm nhà trẻ Công ty Cổ phần Bao bì và xuất nhập khẩu, Bộ Thương mại (năm 2000) |
Việc quá quan trọng, Tổng biên tập cử anh Ngô Mạnh Liên - Trưởng ban Phóng viên trực tiếp lên Văn phòng Bộ phỏng vấn Bộ trưởng Hoàng Minh Thắng. Về phần hình ảnh thì chọn Nghệ sĩ nhiếp ảnh – một phóng viên (PV) trong Tòa soạn, thuộc loại "cự phách" bậc nhất của cả làng báo lúc đó, cùng theo anh Liên lên để chụp ảnh cho Bộ trưởng.
Tay nghề thì không ai sánh được anh rồi. Nhưng có lẽ với nhiệm vụ khá “đặc biệt” này, cùng kỳ vọng của Tổng biên tập, "phó nháy" lại quá ư cẩn thận, rất "cầu kỳ" nữa, đã "xoay ngang xoay dọc" Bộ trưởng ra bấm máy theo "ý ảnh" của mình.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Nhà báo Lê Quang Vinh (năm 1993) |
Thời tiết đã vào đầu mùa hè, khá nóng bức rồi, cả toà nhà Bộ Nội thương tuy ở ngay góc phố Tràng Tiền - Đinh Tiên Hoàng (đối diện Tháp Hòa Phong, nằm ở bờ Đông Nam Hồ Hoàn Kiếm), mà lại chưa có lấy một máy điều hoà nhiệt độ nào. Bộ trưởng thì mặc comle như "đóng hộp" suốt cả buổi sáng cho Nghệ sĩ nhiếp ảnh... "trổ tài". Nghe nói, hôm đó mồ hôi mồ kê ông Thắng vã ra ướt đẫm cả áo trong, lẫn áo ngoài.!
Kỹ thuật buồng tối làm xong ảnh, đến lượt anh Châu chọn thì thấy mặt cụ Thắng cứ như đang "cáu", nhưng ông rất ái ngại cử phóng viên lên chụp lại. Anh Châu đành chỉ dùng một tấm ảnh chân dung duy nhất, chứ không phải cả chùm ảnh "tân Bộ trưởng" như ý định ban đầu...
Sáng hôm sau trước khi phát hành báo ra sạp, toà soạn chuyển mấy trăm tờ lên Bộ. Nhân viên Văn phòng liền rải khắp mọi Cục, Vụ, phòng ban. Xem báo, Bộ trưởng nói luôn với Chánh văn phòng là anh Nguyễn Cảnh Bảo: "Đây đâu phải ảnh tôi?!"
Ngay tức khắc, anh Nguyễn Cảnh Bảo gọi điện xuống tòa soạn với lời lẽ khá "thẳng thắn", truyền đạt ý kiến của tân Bộ trưởng, khiến anh Châu vô cùng buồn. Nhưng công việc thì cứ dồn dập đến. Chỉ 2 - 3 ngày sau, tòa soạn lại phải đăng bài viết của ông Hoàng Minh Thắng trên cương vị "Tân bộ trưởng", nhằm “ra mắt” cán bộ, công nhân viên toàn ngành Thương nghiệp, người tiêu dùng, cùng nhân dân cả nước. Lần này để thật chắc chắn, anh Châu cử người lên Văn phòng Bộ đề nghị cung cấp cho Báo Thương nghiệp ảnh chân dung Bộ trưởng.
Bộ trưởng Bộ Thương nghiệp Hoàng Minh Thắng (bên phải) đón Bộ trưởng Bộ Thương nghiệp Úc (năm 1991) |
Tiếp người của tòa soạn, anh Nguyễn Cảnh Bảo đưa ra cả xấp ảnh của ông Hoàng Minh Thắng mới đem từ Đà Nẵng ra. Người của Báo chọn tấm ảnh "đẹp trai" nhất của cụ. Tấm ảnh cỡ 4x6cm. Trang phục Complet, cravat. Mắt sáng ngời ngời. Có lẽ được chụp khoảng mươi năm trước. Đưa ảnh về, người đó báo cáo anh Châu: "Văn phòng đưa cho tấm này". Anh Châu tin tưởng, ký duyệt maket chuyển in tấm hình rất…"đẹp trai" ấy.
Hôm sau - rất sớm, báo vẫn còn nguyên mùi mực, một tập cả trăm tờ chuyển lên Văn phòng Bộ. Thế là buổi sáng ấy, nhiều người đã được xem tờ báo mới đặc biệt này. Tấm ảnh “Tân Bộ trưởng” quá trẻ trung, sáng sủa đập vào mắt họ. Vì thế đã có khá nhiều vị trong số đó, không thể không... thì thầm to nhỏ: liệu “tay” Châu có... "chơi" Bộ trưởng không? Họ còn nói: "Hai hôm trước thì một ông... ‘già sụ’, hôm nay là một... ‘chàng trai’, chứ đâu phải cụ Thắng?"!
Không biết sự "thầm thì", "to nhỏ" đó có đến tai cụ Thắng không, nhưng cả tòa soạn suốt tuần cứ phải... "nín thở" chờ đợi. Cuối cùng cũng không thấy ý kiến gì của bộ trưởng “dội xuống”…
Mấy ngày sau, Văn phòng Bộ điện thoại gọi xuống báo đề nghị cử phóng viên ảnh lên ngay 91 Đinh Tiên Hoàng (trụ sở Văn phòng Bộ) phục vụ một cuộc lễ tân của lãnh đạo Bộ. Hai phóng viên chuyên ảnh của tòa soạn đều đã đi công tác địa phương. Anh Châu bí quá, liền gọi tôi lên phòng riêng gặp. Anh hỏi việc chụp ảnh của tôi dạo này thế nào, tôi nói đại lên... "tốt ạ"! Nhưng kỳ thực, hồi ấy lấy phim đâu ra mà chụp chứ. Nghe cấp dưới thưa "mạnh bạo" vậy, anh Châu có vẻ... "yên tâm", liền cử tôi lên Bộ... "tác nghiệp".
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển chụp ảnh cùng lãnh đạo Công ty Cổ phần Bao bì và xuất nhập khẩu, Bộ Thương mại và Nhà báo Lê Quang Vinh (năm 1993) |
Lên tới Văn phòng Bộ, đã thấy chiếc xe đang đợi sẵn. Họ nói: "Lên xe đi". Thế rồi khi ô tô Bộ trưởng xuất phát, chiếc xe đưa tôi và mấy người nữa chạy theo sau.
Tôi theo ông Hoàng Minh Thắng chụp ảnh suốt cả một buổi chiều Bộ trưởng làm việc với khách nước ngoài tại Tổng Công ty Bách Hoá (trụ sở ở số 38 Phan Đình Phùng - Hà Nội). Chụp xong ảnh, ông gọi một người trong Văn phòng Bộ tới trao đổi gì đó; rồi người đó đến chỗ tôi, nói: "Anh Vinh về chọn phóng mấy tấm ảnh để sáng mai cho Bộ tặng khách". Tôi lo sốt vó. Không biết chất lượng mình chụp hôm nay thế nào, liệu phim có bị răng tua phim xé rách như lần trước ở Quảng Ninh không; rồi tiền đâu mà làm ảnh bây giờ?!
Đêm ấy, tôi ra hiệu ảnh Kỳ Nam ở đầu phố Hàng Bông đợi chờ in - tráng ảnh. Mãi đến 02 giờ sáng, mới xong. Rất may, trông mớ ảnh tươi rói cũng được lắm...
Sáng sớm hôm sau, tôi đưa 20 tấm ảnh in cỡ 15x18cm (CP2) lên Văn phòng Bộ để nộp cho họ. Không biết khi nhận ảnh tặng khách, ông Thắng có nói gì không nhưng khoảng một tuần sau, gặp anh Nguyễn Ngọc Châu trong hội nghị giao ban đầu tuần, ông dặn: "Từ nay, cử cái cậu hôm trước chụp ảnh tại Tổng Công ty Bách Hoá, giúp Bộ nhé!"...
Lính mới nhập cuộc, tôi theo phương châm... "lấy công làm lãi". Thế nên mỗi lần cơ quan cử lên Bộ chụp ảnh, phòng Hành chính - trị sự của cơ quan chỉ cấp phát cho 01 cuộn phim đen trắng; tôi đã tự bỏ tiền túi mua thêm 1-2 cuộn phim màu, 3-4 cuộn đen trắng nữa. Cơ số phim thoải mái, nên cứ thấy khách, mấy “ông lớn” (Thủ trưởng bộ) tươi cười, giơ tay khi nói, vui vẻ bắt tay nhau là tôi... "bấm máy". Ngày đó, có lẽ không ai xài phim hoang phí thế.
Những năm tháng "bao cấp" nặng nề này, quy định (định mức tiêu hao nguyên liệu), tòa soạn chọn được 01 ảnh là tính cho 3 kiểu phim. Như vậy, trung bình 01 cuốn phim lĩnh ra, phải có đủ 10 - 12 ảnh đạt yêu cầu để đăng báo.
Tôi không những luôn bảo đảm “định mức", mà còn... "vượt" rất cao định mức đó. Họ khen... "quá lên tay" (hiệu quả sử dụng phim), chứ có biết đâu tôi chụp như phá mới được lắm ảnh vậy.
Cái gì cũng phải có "duyên" hay sao ấy. Tôi vốn là một cán bộ biên tập ở khâu cuối cùng là đọc bản thảo đánh máy để trình Tổng Biên tập duyệt; sang nhà in đọc bản in thử (dò morasse), rồi “bỗng dưng” lại chuyển sang cầm máy ảnh.
Dần dà, tôi lên Bộ chụp ảnh liền tù tỳ hết hội nghị này sang hội nghị khác. Bộ trưởng Hoàng Minh Thắng đi công tác đâu đều cho Văn phòng gọi điện xuống anh Châu để cử tôi theo phục vụ. Tôi lại rất nhanh đưa tin bài lên báo nhà lẫn mấy báo ngoài nữa, nên Cụ... "mê" lúc nào không biết.
Có lần Bộ trưởng Hoàng Minh Thắng ra nước ngoài tháp tùng Chủ tịch nước Võ Chí Công thăm hữu nghị chính thức nước bạn cấp "Nhà nước", tôi cũng được cử đi theo. Làm gì thời đó, phóng viên nào của Báo Thương nghiệp - chỉ là một tờ báo ngành thôi, mà được vinh dự đó?!
Khi sáp nhập Bộ Nội thương, Bộ Ngoại thương, Bộ Vật tư thành bộ mới "Thương nghiệp" (sau thêm cả Tổng cục Du lịch nữa thành Bộ Thương Mại), tôi nghiễm nhiên thành... "tay máy" chính của Bộ Thương mại trong đối nội, đối ngoại và nhiều sự kiện quan trọng của quốc gia, quốc tế diễn ra trên đất nước ta khi có Bộ Thương mại là thành phần tham gia.
Các đời Bộ - Thứ trưởng tiếp sau như ông Lê Văn Triết, Trương Đình Tuyển, Vũ Khoan… tôi đều theo chụp ảnh. Nhưng trong số đó, không có ai quý báu tôi được như cụ Hoàng Minh Thắng...
Duyên cầm máy ảnh đã đến với tôi như thế…