Báo chí và doanh nghiệp: Tương hỗ, không thể tách rời |
Tại Báo Công Thương, những nữ phóng viên đang chiếm 2/3 quân số của toà soạn, nhiều người trong số họ là cây bút cứng với những tác phẩm báo chí như mũi tên sắc nhọn chĩa về những tiêu cực, những vấn đề nổi cộm trong xã hội.
Thường được gọi là “phái yếu” nhưng trong công việc, đội ngũ phóng viên nữ tại Báo Công Thương không hề được ưu ái hơn các nam đồng nghiệp. Họ cũng sẵn sàng mọi lúc, mọi nơi, bất chấp khó khăn, nguy hiểm để kịp thời truyền tải tới độc giả những thông tin chuẩn xác, những hình ảnh chân thực, sống động nhất. Thậm chí, nhiều bài viết của các phóng viên nữ còn được Toà soạn đánh giá cao, bởi các tác phẩm của họ luôn được gửi về Toà soạn đúng thời gian, với chất lượng tốt và luôn được độc giả đón nhận bởi sự sắc sảo trong ngôn từ và những góc nhìn thẫm đẫm nhân văn.
Trong quá trình tác nghiệp, các nữ phóng viên thường gặp nhiều khó khăn hơn so với đồng nghiệp nam bởi hạn chế về sức khỏe, sự dẻo dai. Tuy nhiên nhưng ở họ lại có sự xông pha, xốc vác, những tinh tế mềm mại và cả những dấn thân khi làm nghề không hề kém cạnh các phóng viên nam. Là phóng viên nữ duy nhất kiêm công việc quay phim tại Báo Công Thương, phóng viên Hoàng Lan (Ban Báo điện tử) chia sẻ: Xã hội ngày nay không phân biệt năng lực giữa nam và nữ, với người làm báo thì lại càng không. Dù thể lực yếu hơn phóng viên nam, nhưng chúng tôi cũng tự vác máy đi quay phim ở mọi thời tiết, địa hình; viết bài, dựng hình như các đồng nghiệp nam.
“Hành trang tác nghiệp của tôi lúc nào cũng cồng kềnh, nặng nề, nào là máy tính, máy ảnh, máy quay, chân máy, micro. Những hội nghị được tổ chức trong nhà còn đỡ vất vả, khổ nhất là lúc đi công tác ngoài hiện trường lúc thì trời nắng đổ lửa, khi thì trời mưa tầm tã. Phóng viên chúng tôi thường đùa với nhau rằng, nếu trời mưa, người có thể ướt, nhưng máy quay thì không” - phóng viên Hoàng Lan chia sẻ.
Nữ phóng viên Báo Công Thương trong chuyến tác nghiệp tại Hà Giang (ảnh Phạm Tiệp) |
Trong bối cảnh cạnh tranh thông tin đòi hỏi mỗi phóng viên phải luôn nhanh nhạy, bám sát sự kiện để truyền tải những thông tin thời sự nóng hổi, chính xác, đầy đủ, hấp dẫn tới người đọc. Tuy nhiên, với những lịch trình đột xuất hay những chuyến công tác dài ngày, các nữ phóng viên lại gặp nhiều trở ngại vì còn phải sắp xếp công việc gia đình, đặc biệt là đối với những nữ phóng viên có con nhỏ.
Theo phóng viên Việt Nga (Ban Thời sự Kinh tế), đã làm báo không ai nghĩ đến việc chỉ làm trong giờ hành chính mà bất kể đi sớm về khuya, ngày nghỉ, luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ; rồi chuyện cả ngày đi cơ sở, tối thức đêm để viết bài là chuyện bình thường. Tính chất nghề nghiệp đòi hỏi đội ngũ nữ phóng viên phải nỗ lực hết sức để vừa hoàn thành tốt công việc tòa soạn giao, vừa chu toàn với gia đình.
“Do đặc thù công việc thường xuyên đi sớm, về muộn, nên tôi không có nhiều thời gian chăm sóc các con. May mắn là chồng tôi luôn thấu hiểu, thông cảm và chia sẻ để tôi có thêm thời gian hoàn thành tốt công việc” - phóng viên Việt Nga chia sẻ.
Để được sống với đam mê nghề nghiệp, những phóng viên nữ phải chịu không ít những thiệt thòi và cả những khó khăn, gian khổ nhưng vì say nghề và tâm huyết với nghề, họ vẫn tiếp tục bước đi trên con đường mình đã chọn. Trách nhiệm của người vợ, người mẹ trong gia đình họ vẫn phải chu toàn và tin, bài, đi cơ sở họ vẫn luôn làm tốt; bởi họ hiểu rằng, phía sau mình luôn có hậu phương vững chắc. Hơn hết, phía trước mình luôn là niềm tin và thật nhiều gửi gắm của độc giả.
Nghề báo là nghề nhiều vinh quang nhưng cũng lắm gian nan, vất vả mà ít ai thấu hiểu hết. Đằng sau mỗi tác phẩm là cả một nỗi nhọc nhằn và sự hy sinh thầm lặng. |