Giá cả hàng hóa duy trì ổn định
Theo báo cáo của Tổ Điều hành thị trường trong nước về xu hướng diễn biến cung cầu trong nước tháng 7/2018, nguồn cung dồi dào, giá một số hàng hóa thuộc nhóm năng lượng, nông sản, kim loại… trong nước ổn định hoặc giảm nhẹ so với tháng trước.
Cụ thể, giá xăng dầu thành phẩm giảm trong tháng 7 đã giúp giá bán trong nước được điều hành ổn định. Qua 2 lần điều chỉnh giá (ngày 7/7 và 23/7), giá bán lẻ xăng E5/RON 92 và xăng RON95 không thay đổi, Diesel 0,05S giảm khoảng 218 đồng/lít… Hiệu ứng giảm giá xăng dầu này đã góp phần giảm 0,05% CPI so với tháng 6/2018.
Bên cạnh đó, giá lương thực cũng giảm 0,8% do nguồn cung dồi dào đã khiến nhiều loại nông sản như gạo, trái cây giảm giá nhẹ. Nhưng do ảnh hưởng của bão số 3 nên tại một số địa phương, giá nông sản thực phẩm tăng cục bộ trong một vài ngày.
Riêng mặt hàng thịt tươi sống, do nguồn cung thịt lớn trong nước vẫn chưa được phục hồi nên giá thịt lợn và một số thịt khác như gà bò tăng nhẹ. Đây cũng là một trong những yếu tố làm tăng CPI tháng 7/2018. Số liệu của Tổng cục Thống kê (TCTK) cho thấy, tháng 7/2018 mức tăng của thịt lợn là 3,02% so với tháng trước, góp phần làm tăng CPI 0,13%.
“Nhìn chung, mặt bằng giá cả hàng hóa trong tháng 7/2018 được kiểm soát tốt, giúp CPI bình quân 7 tháng đầu năm tăng ở mức 3,45 – 3,5% so với cùng kỳ năm trước – một con số tương đối khả quan. Tình hình thị trường 7 tháng qua đã làm giảm bớt áp lực kiềm chế CPI những tháng cuối năm” – bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (TCTK) nhận định.
Nỗ lực bình ổn thị trường
Về vấn đề điểm “nóng” - giá thịt lợn, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, Bộ đã có xây dựng kịch bản chăn nuôi trong năm 2018. Theo đó, từ tháng 5/2018, người dân đã tái đàn và có thể cung cấp cho thị trường từ tháng 9. Vì thế, trong tháng 8/2018, giá thịt lợn có thể tăng từ 3- 4% so với tháng 7/2018, nhưng tình trạng này dự báo sẽ không còn trong tháng 9, thậm chí giá thịt lợn có thể giảm. Đến cuối năm, tổng sản lượng thịt lợn đưa vào tiêu thụ sẽ là 41,1 triệu tấn, tăng 9,7% so với năm 2017.
Ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương đề nghị Bộ NN&PTNT đánh giá đúng và cung cấp số liệu sát thực. Trên cơ sở đánh giá đúng khả năng cung ứng cho thị trường, Bộ Công Thương sẽ có kế hoạch tạo điều kiện cho nhập khẩu thịt lợn nhằm bù đắp nguồn cung thiếu hụt trong ngắn hạn và giữ giá thịt lợn không tăng, bảo đảm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Ngoài ra, Tổ Điều hành thị trường trong nước cũng dự báo trong tháng 8/2018, thời điểm chuẩn bị vào năm học mới, nhu cầu đối với các loại đồ dùng học tập, giá dịch vụ giáo dục sẽ tăng; Các mặt hàng nhóm năng lượng chịu tác động bởi biến động giá thế giới, đặc biệt do sự thay đổi tỷ giá sẽ vẫn còn nhiều yếu tố tăng. Thời tiết mưa bão cũng sẽ tác động đến nguồn cung và mặt bằng giá hàng hóa.
Vì thế, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành địa phương điều hành giá và bình ổn thị trường, đảm bảo cung cầu các mặt hàng thiết yếu. Đồng thời điều chỉnh mức trích quỹ bình ổn cho phù hợp nhằm bảo đảm khả năng giữ ổn định giá xăng dầu trong các tháng cuối năm. Mục tiêu là CPI tháng 8/2018 chỉ tăng tương đương tháng 7/2018, từ đó từng bước hiện thực hóa CPI cả năm dưới 4% như Quốc hội giao.
Để bảo đảm công tác dự trữ hàng hóa cung ứng kịp thời cho người dân địa phương khi bị thiên tai, Bộ Công Thương đề nghị các UBND các tỉnh, thành phố phối hợp với các Bộ, ngành chủ động phương án đối phó; có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tham gia dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng chống bão lũ. |