Đó là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo cung cấp thông tin, kế hoạch bàn giao, khai thác vận hành Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh- Hà Đông, do Bộ Giao thông vận tải, phối hợp với UBND thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan tổ chức chiều 4/11.
Tại buổi họp báo, đại diện Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho hay: Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông là công trình đường sắt đô thị thí điểm đầu tiên được thực hiện bằng nguồn vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Dự án có tổng chiều dài chính tuyến 13,05km, toàn bộ đi trên cao (điểm đầu là ga Cát Linh, điểm cuối là ga Yên Nghĩa, có 12 nhà ga trên cao) và khu Depot tại Phú Lương-quận Hà Đông; mua sắm 13 đoàn tàu. Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường sắt đôi, khổ 1435 mm; tốc độ tối đa 80km/h, tốc độ khai thác là 35km/h; thời gian chạy tàu từ Cát Linh đến Hà Đông (hoặc ngược lại) là 23,63 phút; khi đưa vào khai thác thương mại sẽ hoạt động liên tục từ 5h-23h hàng ngày. Tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án là 18.001,5 tỷ đồng (tương đương 868,04 triệu USD), tăng 9.231,632 tỷ đồng (tương đương 315,18 triệu USD) so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu.
Về kế hoạch vận hành giai đoạn đầu, ông Nguyễn Hồng Trường- Tổng giám đốc Hanoi Metro, đơn vị vận hành dự án, cho biết: Thời điểm vận hành chính thức được tính tối thiểu 1 năm từ khi được bàn giao. "Trong 1 năm đầu chúng tôi sẽ chia làm 2 giai đoạn. Tinh thần là vận hành từ thấp đến cao để phù hợp thông lệ chung và mức độ sử dụng dịch vụ của người dân", ông Trường chia sẻ.
Tuyến đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh- Hà Đông sẽ chính thức được bàn giao, vận hành vào ngày 6/11 |
Theo đó, giai đoạn 1 trong 6 tháng đầu, giờ mở tuyến là từ 5h30-20h hàng ngày. Một tuần đầu, các đoàn tàu chạy với tần suất 15 phút/chuyến, tuần thứ 2 chạy 10 phút/chuyến. Nếu khách đông, Hanoi Metro sẽ lập tức điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu. Sau 6 tháng, giờ hoạt động của tàu sẽ tăng lên từ 5h30- 22h30. Giờ bình thường chạy 10 phút/chuyến, giờ cao điểm là 6 phút/chuyến.
Về giá vé, trên cơ sở chính sách khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, giá vé được xây dựng với nhiều mức. Vé trạm có giá từ 8.000-15.000 đồng, giá vé ngày 30.000 đồng, vé tháng chia làm 2 mức giá, với khách hàng không định danh có giá 200.000 đồng/người, khách hàng có định danh (khách ưu tiên) có giá 100.000/người/tháng. Đối tượng được miễn phí đi xe bus cũng được miễn phí khi sử dụng phương tiện này.
Trước sự quan tâm của giới truyền thông về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng đường sắt, ông Nguyễn Ngọc Đông- Thứ trưởng Bộ GTVT cho hay: Dự án được đánh giá trên tiêu chuẩn thiết kế và dùng trình tự thủ tục của châu Âu để đánh giá, chứ không phải đánh giá theo tiêu chuẩn châu Âu. Ngoài ra, dự án kéo dài nhiều năm là do khâu chuẩn bị chưa tốt, chưa lường trước được các phát sinh, đặc biệt là phần giải phóng mặt bằng. “Đây là vấn đề cần rút kinh nghiệm để triển khai các dự án tương tự trong tương lai”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh.
Tại họp báo, ông Dương Đức Tuấn- Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chia sẻ: "Đúng 7h ngày 6/11, Bộ GTVT và UBND thành phố Hà Nội sẽ tổ chức bàn giao dự án. Sau khi bàn giao, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông chính thức vận hành thương mại".
Theo lãnh đạo UBND thành phố, toàn hệ thống vận hành sẽ qua 3 giai đoạn. Giai đoạn vận hành thử đã thành công và an toàn tuyệt đối. Từ 6/11 sẽ thực hiện giai đoạn 2 là khai thác giai đoạn đầu. Quy chuẩn Trung Quốc xác định thời gian giai đoạn 2 là từ 1-3 năm. Tuy nhiên, Hội đồng Kiểm tra Nhà nước đã thống nhất kéo dài 1 năm. Sau 1 năm, tư vấn đánh giá an toàn sẽ đánh giá và dự án sẽ chuyển sang giai đoạn 3- vận hành bền vững.
"Giai đoạn 2 rất quan trọng, tạo sự nhuần nhuyễn, đảm bảo công trình vận hành hiệu quả. Chúng tôi nghĩ rằng đây là thời điểm mang tính lịch sử của tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam và đầu tiên của Hà Nội”, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội nói.