Gia nhập ngành hàng xuất khẩu tỷ USD, sầu riêng Việt đối diện rủi ro gì? Sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu đến bao nhiêu thị trường? |
Sau khi được thị trường Trung Quốc chính thức chấp thuận nhập khẩu chính ngạch, ngành hàng sầu riêng Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ với kim ngạch xuất khẩu năm 2023 dự kiến đạt trên 1,5 tỉ USD.
Tuy nhiên, hiện nay hiện tượng tranh mua, tranh bán, loạn giá, bẻ cọc, bỏ hợp đồng, phá vỡ chuỗi liên kết… đang diễn ra tại các vùng trồng sầu riêng, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên. Từ đó dẫn đến vi phạm các quy định của nhà nước về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, an toàn thực phẩm cũng như tiêu chuẩn xuất khẩu. Nguy cơ làm suy giảm uy tín, chất lượng, thương hiệu sản phẩm sầu riêng Việt Nam trên thị trường thế giới.
Thực tế, từ cuối năm 2021 đến nay, Cục Trồng trọt, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn liên tục cảnh báo việc người dân ồ ạt trồng cây sầu riêng tại miền Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, kể cả trên những vùng đất không phù hợp.
Tuy nhiên, tình trạng này vẫn tiếp tục diễn ra khi hiện nay, cứ nơi nào còn đất trồng trọt là không ít người lại bàn đến việc mở rộng diện tích trồng sầu riêng. Người dân cũng sẵn sàng phá vườn cà phê, hồ tiêu, điều, hay diện tích trồng lúa để trồng sầu riêng. Sầu riêng còn được trồng cả trên vùng nhiễm mặn, nhiễm phèn, vùng không chủ động được nguồn nước tưới. Vì thế, chất lượng quả cũng rất khó bảo đảm để xuất khẩu, hay bán ra thị trường.
Chính vì thế, thời gian qua hàng loạt lô hàng sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam đã liên tiếp bị cảnh báo về chất lượng. Số liệu từ Cục Bảo vệ thực vật cho thấy, 8 tháng đầu năm 2023, thị trừng Trung Quốc đã 6 lần gửi thông báo vi phạm về mã số vùng trồng, với 439 trường hợp vi phạm với các mặt hàng như chuối, xoài, mít, sầu riêng và thanh long của Việt Nam.
Sầu riêng đang đối mặt nhiều rủi ro từ các thị trường xuất khẩu |
Câu chuyện sầu riêng không phải là câu chuyện lạ đối với ngành nông nghiệp Việt Nam. Trong những năm gần đây, nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long đã chứng kiến nhiều đợt “dịch chuyển” đối với cây trồng. Đó là đợt dịch chuyển từ đất trồng lúa sang cây thanh long; là “cơn sóng ngầm: đưa diện tích trồng mít Thái tăng vọt; là đợt dịch chuyển lớn của cam sành, bưởi thay cho cây lúa. Và gần đây nhất là “cú đua” tăng tốc từ cây thanh long sang dừa Mã Lai. Những đợt dịch chuyển lớn này bên cạnh mang lại hiệu quả trước mắt cũng để lại những hệ lụy rất lớn khi thị trường tiêu thụ chính có biến động. Những đợt “giải cứu” nông sản vừa qua phần lớn cũng được khơi nguồn từ những yếu tố này. Và hiện nay, sầu riêng cũng là một trong những loại trái cây nằm trong “cuộc đua” này.
Trên thực tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có định hướng để cả nước phát triển khoảng 65.000-75.000ha sầu riêng, với sản lượng 830.000-950.000 tấn vào năm 2030. Thế nhưng, đến thời điểm này, diện tích trồng sầu riêng ở nước ta đã là hơn 112.000ha, vượt khoảng 37.000ha. Đáng nói là làn sóng mở rộng diện tích trồng sầu riêng ở các địa phương phía Nam, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Đây là một điều rất đáng lo ngại. Bởi lẽ cây sầu riêng khó trồng và chăm sóc, sau 5-7 năm cây mới cho thu hoạch ổn định. Liệu giá cả lúc đó có giữ được 200.000 đồng/kg? Điều này chắc hẳn không ai dám khẳng định. Bên cạnh đó, không chỉ Việt Nam, thị trường Trung Quốc còn nhập khẩu sầu riêng từ nhiều nước khác như Thái Lan, Malaysia, Philippines. Thậm chí ngay tại Trung Quốc, mặt hàng này cũng đang được người dân đẩy mạnh trồng, nên sự cạnh tranh vào thị trường này sẽ vô cùng khốc liệt. Chính vì thế, nếu chạy theo giá cả ở một thời điểm nào đó, mà không đầu tư theo chiều sâu thực sự là rất mạo hiểm.
Hiện nay, toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long diện tích trồng sầu riêng được cấp mã số vùng trồng rất thấp (chưa tới 10%), điều này đòi hỏi các nhà vườn phải tính toán ngay ở giai đoạn đầu tư và phải có được chứng nhận về xuất xứ. Những mảnh vườn sầu riêng không có mã số vùng trồng. Những cơ sở chế biến, đóng gói kể cả sơ chế mà không được cấp giấy chứng nhận, rất khó có thể xâm nhập các thị trường kể cả thị trường Trung Quốc hay các thị trường cấp cao như Mỹ, Nhật Bản.
Thiết nghĩ, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn thể hiện qua "hợp tác - liên kết - thị trường". Do đó, muốn ngành hàng sầu riêng nói riêng, các ngành hàng khác nói chung phát triển, phải tổ chức lại cấu trúc ngành hàng bền vững. Trong đó, phải có sự hiện diện của cả sản xuất và tiêu thụ, nghĩa là có nông dân và doanh nghiệp. Tổ chức lại sản xuất không đơn thuần chỉ là cải tiến kỹ thuật gieo trồng mà là tạo ra không gian để nông dân, doanh nghiệp ngồi lại với nhau.
Và để sầu riêng không phải là nỗi sầu chung, loại cây này cần được tính toán kỹ về cung cầu, làm sao bảo đảm sản phẩm làm ra có "điểm đến", nông sản phải tiêu thụ được và người nông dân có lời.