Xăng E5 - nhiên liệu sinh học thân thiện với môi trường |
Doanh nghiệp khó khăn về kinh phí
Theo mục tiêu của Chỉ thị số 23 /CT-TTg (Chỉ thị 23) về việc tăng cường sử dụng, phối trộn, phân phối xăng sinh học của Thủ tướng Chính phủ, đến ngày 1/12/2015, tối thiểu 50% số lượng cửa hàng xăng dầu tại 8 địa phương: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Quảng Nam và Bà Rịa-Vũng Tàu bán xăng E5. Tuy nhiên, đến nay, mục tiêu trên vẫn chưa hoàn thành.
Tại cuộc họp Tổ Điều hành thị trường trong nước tháng 1/2016, bà Trần Thị Phương Lan - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết: Trên địa bàn thành phố có 484 cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Theo lộ trình đặt ra của Sở, đến ngày 1/1/2016, 100% các cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu trên địa bàn có triển khai bán xăng E5. Dù vậy, mục tiêu trên đã trễ hẹn do nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về chi phí để cải tạo bồn chứa xăng cao. Thêm nữa, bảo quản xăng khó khăn, tỷ lệ hao hụt lớn dẫn đến chi phí kinh doanh cao cũng là rào cản không nhỏ.
Thống kê của Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho thấy: Sau 1 năm triển khai đưa xăng E5 vào cuộc sống, hiện có 262/518 cửa hàng tham gia phân phối xăng E5 (đạt 50,57%) theo yêu cầu của Chính phủ. Về sản lượng cung ứng xăng E5 đạt 5.492 m3/tháng, chiếm 4,2% tổng sản lượng xăng tiêu thụ toàn thành phố. Nguyên nhân do xăng E5 có mức giá chênh lệch so với xăng khoáng không nhiều nên không “hút” người tiêu dùng. Bên cạnh đó, mức chiết khấu không cao khiến doanh nghiệp không mặn mà với mặt hàng này.
Cần chính sách hợp lý
Bà Lê Ngọc Đào - Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh- đề xuất: Để có thể đưa xăng E5 thực sự đi vào cuộc sống, cần có thêm cơ chế, chính sách thiết thực hơn nữa.
Cụ thể: Giá bán xăng E5 nên xuống thấp hơn xăng A92 từ 1.500 - 2.000 đồng/lít. Để làm được điều này, chỉ cần giảm thuế, doanh nghiệp đầu mối sẽ giảm giá bán, hỗ trợ sức mua. Bên cạnh việc giảm thuế, tăng mức chiết khấu sẽ tạo động lực lớn cho đại lý đầu tư, phân phối mặt hàng xăng E5. Đáng chú ý, theo bà Đào, hàm lượng khí thải xe sử dụng xăng E5 thấp hơn nhiều so với xăng A92 nhưng vẫn chịu thuế bảo vệ môi trường 3.000 đồng/lít như A92 là không hợp lý.
Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, để đẩy mạnh tiêu thụ xăng E5, cần giới thiệu, tuyên truyền, giải thích cho người tiêu dùng biết được chất lượng, độ, an toàn của loại xăng sinh học này. Ngoài ra, nhấn mạnh đến yếu tố sản phẩm thân thiện với môi trường, góp phần bảo vệ môi trường xanh - sạch hơn, tính năng, hiệu quả sử dụng đối với ôtô, xe máy… Từ đó tạo ra sức lan tỏa, thay đổi thói quen của người sử dụng. Ngoài ra, Liên Bộ Công Thương -Tài chính cần có cơ chế giá bán nguyên liệu E100 trong nước ổn định, thông qua công cụ điều tiết. Bên cạnh đó, quy hoạch lâu dài, căn bản về vùng phát triển nguyên liệu để sản xuất E100 và phân định rõ nguồn nguyên liệu cần thiết phục vụ cho sản xuất nhiên liệu sinh học.
Để có thể đưa xăng E5 thực sự đi vào cuộc sống, cần có thêm cơ chế, chính sách thiết thực hơn nữa. |
TIN LIÊN QUAN | |
Bộ Công Thương chủ động, tăng cường công tác truyền thông về xăng sinh học E5 | |
Các biện pháp đẩy mạnh tiêu thụ xăng sinh học E5 | |
Chủ động sử dụng xăng sinh học E5 |