4 doanh nghiệp bán lẻ chung tay tiêu thụ sản phẩm OCOP Bắc Ninh: 27 sản phẩm được tiêu chuẩn hóa theo chương trình OCOP |
Gia tăng giá trị sản xuất
Triển khai từ năm 2018, Chương trình mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm (OCOP) tỉnh Bắc Ninh nhận được sự quan tâm hưởng ứng của các cấp, ngành và các chủ thể, đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, làng nghề gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu, văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm. Đến nay, toàn tỉnh có 174 sản phẩm OCOP, trong đó có 108 sản phẩm đạt 3 sao, 66 sản phẩm đạt 4 sao.
Các sản phẩm OCOP của Bắc Ninh cơ bản phát huy tốt giá trị trên thị trường |
Các địa phương có nhiều sản phẩm OCOP được công nhận như huyện Lương Tài; thị xã Thuận Thành; TP. Bắc Ninh; huyện Tiên Du; thị xã Quế Võ… Các sản phẩm OCOP được công nhận chủ yếu thuộc nhóm thực phẩm, đồ uống, sản phẩm đồ lưu niệm và trang trí.
Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, các chủ thể đã mạnh dạn đầu tư kinh phí, khoa học kỹ thuật nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, mở rộng thị trường.
Là một trong những chủ thể tham gia sớm Chương trình OCOP của địa phương, đến nay, Hợp tác xã sản xuất rau củ quả nông sản an toàn thôn Liên Ấp, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du đã có 4 sản phẩm đăng ký, đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh. Ông Nguyễn Văn Hiệp - Giám đốc HTX Liên Ấp - cho biết: “Tham gia Chương trình OCOP cấp tỉnh đã giúp các sản phẩm nông sản sạch của hợp tác xã được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết, tin dùng. Nhiều cửa hàng, siêu thị, bếp ăn tập thể bao tiêu đầu ra, nên sản xuất sản phẩm ra đến đâu tiêu thụ hết đó. Bình quân mỗi ngày, hợp tác xã cung cấp ra thị trường khoảng 1 tấn rau, củ, quả các loại, cho doanh thu 1 năm từ 12-13 tỷ đồng”.
Còn Công ty cổ phần PTK Việt Nam (Thị trấn Lim, huyện Tiên Du) với thương hiệu sản phẩm mắm tép chưng thịt đã lan tỏa sang bang Texas, Mỹ. Thị trường tiếp theo công ty nhắm đến là Trung Quốc và các nước Đông Âu. Ông Nguyễn Đình Dũng - Giám đốc công ty cho biết: "Sứ mệnh của chúng tôi là xây dựng thương hiệu Việt Nam mang tầm cỡ quốc tế - Nâng cao giá trị người Việt. Sản phẩm mắm tép chưng thịt của PTK luôn đảm bảo đủ các nguyên tắc: Món ăn chứa nhiều dinh dưỡng; siêu ngon - siêu sạch; sản phẩm ăn liền; quy cách đóng gói ba lớp không chất bảo quản; không dùng bột ngọt; không chất tạo màu; tem, lô sản xuất rõ ràng đầy đủ".
Đánh giá của giới chuyên gia, các sản phẩm OCOP Bắc Ninh cơ bản phát huy tốt giá trị trên thị trường. Qua thực hiện chương trình, các chủ thể sản phẩm đã tuân thủ đúng quy định của pháp luật về sản xuất theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn (VietGAP, hữu cơ...); điều kiện an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường; sử dụng bao bì, nhãn hiệu đúng quy định; đồng thời phát huy sức mạnh cộng đồng, giá trị tiềm năng, lợi thế của địa phương trong tổ chức sản xuất và phát triển sản phẩm, tạo ra nguồn sản phẩm phong phú, việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động tại địa phương.
Nhằm phát triển các sản phẩm truyền thống, sản phẩm dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, qua đó góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, mới đây, tỉnh Bắc Ninh đã ký Quyết định số 870/QĐ-UBND phê duyệt danh mục sản phẩm tham gia Chương trình OCOP tỉnh Bắc Ninh năm 2024.
Quyết định phê duyệt 98 sản phẩm của 49 chủ thể tham gia, thuộc các lĩnh vực: Lương thực, thực phẩm, dược liệu, đồ uống, đồ thủ công mỹ nghệ, hàng tiêu dùng… Trong đó, thị xã Quế Võ (28 sản phẩm của 8 chủ thể); thị xã Thuận Thành (24 sản phẩm của 12 chủ thể); huyện Gia Bình (12 sản phẩm của 6 chủ thể); huyện Lương Tài (12 sản phẩm của 4 chủ thể); huyện Yên Phong (7 sản phẩm của 5 chủ thể); thành phố Bắc Ninh (7 sản phẩm của 4 chủ thể); thành phố Từ Sơn (5 sản phẩm của 4 chủ thể); huyện Tiên Du (3 sản phẩm của 2 chủ thể).
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng phê duyệt nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao đối với 3 sản phẩm (miếng rửa bát; bông tắm xơ mướp; lót giày xơ mướp) của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Ánh Dương Kinh Bắc - Kim Tháp (xã Nguyệt Đức, thị xã Thuận Thành). Đổi tên 2 sản phẩm: Nhang Ngải cứu và nhang bồ kết Cát Lát của HTX Thảo Dược Cát Cát (xã Trung Chính, huyện Lương Tài).
Nỗ lực đưa sản phẩm vào siêu thị
Với hơn 174 sản phẩm OCOP, các sản phẩm OCOP đã và đang ngày càng được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, tin dùng. Tuy nhiên qua khảo sát tại nhiều siêu thị trên địa bàn, phần lớn sản phẩm OCOP được bày bán là sản phẩm đặc trưng các vùng miền trên cả nước, như: Mì Chũ (Bắc Giang), bánh đậu xanh (Hải Dương), rau xanh (Bắc Giang)… còn số lượng sản phẩm OCOP của tỉnh chưa nhiều, chỉ vài sản phẩm như mắm tép chưng thịt của PTK hay bún khô...
Qua tìm hiều được biết, so với địa phương khác, các chủ thể OCOP của Bắc Ninh chưa thực sự chú trọng và làm tốt công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm OCOP của địa phương thuộc lĩnh vực thực phẩm có hạn sử dụng ngắn, nhà bán lẻ không tiêu thụ nhanh sẽ khiến sản phẩm bị hết hạn, “cận đát” phải đổi trả, ảnh hưởng đến tài chính của nhà cung cấp.
Điều này giải thích tại sao trong hội chợ trưng bày sản phẩm làng nghề, các sản phẩm OCOP bán ra rất đắt hàng nhưng ở kệ siêu thị lại “nguội lạnh”. Trong khi hệ thống bán lẻ hiện đại của tỉnh Bắc Ninh đang phát triển khá mạnh, toàn tỉnh hiện có 3 trung tâm thương mại, 25 siêu thị, gần 140 cửa hàng tiện lợi.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh, thời gian tới, ngành tiếp tục tham mưu HĐND, UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp hơn nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các chủ thể tham gia Chương trình OCOP và nâng cao hiệu quả sản phẩm đã được công nhận OCOP.
Để mở rộng đầu ra cho sản phẩm hàng hóa của tỉnh, Sở Công Thương Bắc Ninh cũng sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại. Trong đó, chú trọng việc kết nối cung cầu, hỗ trợ cơ sở sản xuất, kinh doanh, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản nội địa.
Ông Lưu Bảo Trung - Giám đốc Sở Công Thương Bắc Ninh – cho biết: Ngành Công Thương sẽ rà soát, hỗ trợ một số siêu thị xây dựng “Điểm bán hàng Việt”; chú trọng kết nối tiêu thụ sản phẩm, nhất là sản phẩm OCOP vào các kênh phân phối hiện đại; tiếp tục làm tốt công tác xúc tiến thương mại; tăng cường phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trên cả nước đăng tải thông tin về sản phẩm OCOP của Bắc Ninh trên website của các Sở Công Thương để doanh nghiệp, siêu thị, nhà bán lẻ biết đến và chủ động liên hệ khi muốn đưa sản phẩm OCOP của tỉnh vào bày bán.
Giai đoạn 2022-2025, Bắc Ninh đặt mục tiêu phấn đấu có ít nhất 200 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên được công nhận, ít nhất có hai sản phẩm OCOP đạt 5 sao; ít nhất 30% làng nghề có sản phẩm OCOP; 40% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại… |