Khơi thông ách tắc
Ông Nguyễn Văn Nam - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An - cho biết, nhằm mở rộng kênh tiêu thụ mới tại thị trường nội địa, ngoài kênh bán hàng truyền thống vốn có, Trung tâm đang nỗ lực tham mưu cho tỉnh đẩy mạnh mở rộng thêm kênh phân phối qua TMĐT và môi trường số.
Trung tâm đã và đang phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp nông sản tại các địa phương. Thông qua kết nối đó, sàn TMĐT Vỏ Sò và Postmart sẽ triển khai ký kết với các hợp tác xã, hộ kinh doanh tại các địa phương. Thí điểm đầu tiên là vào cuối tháng 11 sẽ đưa sản phẩm cam Vinh của địa phương lên sàn, kịp thời đáp ứng nhu cầu thưởng thức của người tiêu dùng cả nước. Mục tiêu của chương trình là triển khai rộng khắp và liên kết các sàn TMĐT để không chỉ "giải cứu" nông sản mang tính mùa vụ.
TMĐT giúp hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, HTX quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và mở rộng thị trường |
Thông tin từ Sở Công Thương Nghệ An, trước mắt, Sở sẽ tăng cường hoạt động thương mại, tìm hiểu thị trường, giới thiệu quảng bá sản phẩm. Trong điều kiện dịch Covid-19, phải có giải pháp thị trường phù hợp như: Hội nghị trực tuyến, giới thiệu sản phẩm qua trang điện tử; làm việc với Viettel, Bưu điện để đưa sản phẩm nông lâm thủy sản Nghệ An lên sàn TMĐT của Viettel, Postmart…
Bà Trần Thị Mỹ Hà - Trưởng phòng Quản lý thương mại - Sở Công Thương Nghệ An - cho hay, cuối tháng 11 này, tỉnh Nghệ An tiếp tục thực hiện một số hoạt động xúc tiến thương mại như Diễn đàn tiêu thụ cam Vinh; Diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản các tỉnh khu vực miền Trung tại Nghệ An; Tuần lễ giới thiệu sản phẩm nông nghiệp Nghệ An tại Hà Nội… hay tổ chức chương trình livestream kết nối tiêu thụ cam Vinh và đặc sản Nghệ An từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12/2021...
Trong đợt xúc tiến đưa nông sản lên sàn lần này, tỉnh Nghệ An chủ động phối hợp với các ngành liên quan để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản cho bà con. Các đơn vị đã làm việc với Bộ Công Thương và các sàn TMĐT lớn để xây dựng gian hàng cam, các sản phẩm đã được gắn sao OCOP, và một số sản phẩm khác trên các sàn như, Viettel, Postmart.vn, Vỏ Sò… để kết nối, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiêu thụ nông sản của địa phương. Dự kiến vụ cam năm 2021 ở Nghệ An sẽ đưa lên sàn TMĐT từ 1.200 - 1.500 tấn trong tổng sản lượng 3.000 tấn cam toàn tỉnh.
Từ góc độ doanh nghiệp, đại diện sàn Postmart cho hay, việc đưa nông sản nói chung và sản phẩm cam lên sàn TMĐT Postmart sẽ là một trong những giải pháp mới để hỗ trợ các hộ nông dân tiêu thụ các sản phẩm một cách hiệu quả. Khi mô hình này được triển khai, các sàn TMĐT trong đó có Postmart có thể tiếp cận đến người nông dân trực tiếp bỏ qua nhiều khâu trung gian, đưa những sản phẩm chất lượng lên sàn TMĐT. Mô hình này vừa giúp đảm bảo đầu ra cho bà con, vừa tạo ra một nguồn cung hàng hóa thiết yếu mới để các sàn TMĐT cung ứng cho người dân cả nước. Với kênh bán hàng mới này, bà con có thể mở rộng cơ hội kinh doanh tới hàng triệu người dùng của sàn TMĐT Postmart. Ngay cả trong trường hợp dịch bệnh kéo dài, các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, bà con vẫn có thể duy trì hoạt động kinh doanh một cách bình thường, giúp đảm bảo an sinh xã hội.
Các sản phẩm nông sản khi được đưa lên sàn TMĐT đồng nghĩa với việc phải đảm bảo chất lượng sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm, điều này khiến người tiêu dùng yên tâm. Thêm nữa, lâu nay người tiêu dùng ít có thói quen mua sắm các mặt hàng tươi sống trên sàn TMĐT, đặc thù của nông sản lại có thời gian thu hoạch và thời gian sử dụng rất ngắn. Chính vì vậy, việc ứng dụng công nghệ để bán và vận chuyển sẽ giúp cho sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất, đảm bảo độ tươi, ngon, chất lượng đảm bảo.
Việc kết nối đưa các sản phẩm nông sản lên sàn TMĐT không chỉ giúp tiêu thụ lượng nông sản còn tồn ứ, mà với giải pháp này, nông sản nói chung sẽ giải quyết bài toán mang tính thời điểm như trong mùa dịch hay “được mùa mất giá” mà còn hướng tới phát triển bền vững. Đây còn là giải pháp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia toàn bộ hệ thống phân phối. Ngay cả khi dịch bệnh kết thúc, xu hướng đưa nông sản lên sàn TMĐT trực tuyến và trực tiếp được xem là xu hướng tất yếu.
"Sau cam Vinh, tỉnh Nghệ An cũng tiếp tục nghiên cứu để đưa một số sản phẩm nông sản OCOP khác lên sàn TMĐT để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm đến tay người tiêu dung…”, ông Nguyễn Văn Nam - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An - khẳng định.
Hỗ trợ đưa nông sản lên sàn
Bà Trần Thị Mỹ Hà khẳng định, qua chương trình này, bà con nông dân, các hợp tác xã, các doanh nghiệp được cập nhật và nâng cao kiến thức về về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, các kỹ năng về TMĐT, thương mại bền vững. Cũng từ đó tập quán canh tác theo nhu cầu của khách hàng được hình thành, đảm bảo cho nền sản xuất nông nghiệp theo định hướng thị trường.
Ngoài hỗ trợ xúc tiến thương mại cho nông sản tại Nghệ An, Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An sẽ phối kết hợp xúc tiến sản phẩm theo các hình thức như kết nối trực tiếp trong chuỗi cung ứng, thúc đẩy TMĐT thông qua các sàn TMĐT trong nước và quốc tế.
Truy xuất nguồn gốc hiện là một trong những giải pháp hiệu quả, minh bạch giúp người tiêu dùng yên tâm hơn khi mua sắm, tiêu dùng, nhất là trong khi mua sắm thực phẩm |
Với các sản phẩm được đưa lên gian hàng, hỗ trợ về kỹ thuật, yêu cầu bên nhập khẩu như kiểm tra, kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm, mẫu mã, tem nhãn, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo sản phẩm cung cấp đúng và đủ thông tin đến tay người tiêu dùng.
Cũng theo bà Trần Thị Mỹ Hà - để nhân rộng mô hình này, tỉnh Nghệ An sẽ thực hiện nâng cấp sàn giao dịch TMĐT Nghệ An; hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng gian hàng cho doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp trên sàn giao dịch TMĐT http://37nghean.com và phối hợp quảng bá, phát triển thương hiệu sản phẩm hàng hóa. Đồng thời từng bước hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đưa sản phẩm hàng hóa lên các sàn giao dịch TMĐT lớn, uy tín như voso.vn, postmart.vn, lazada, shopee...
Một số doanh nghiệp đầu tư sàn TMĐT cũng cho rằng, việc đưa sản phẩm nông sản tươi lên sàn TMĐT cũng gặp nhiều thách thức, như chi phí vận chuyển, kho bãi tập kết hàng hoá… khiến giá thành có thể lại đội lên. Thêm vào đó là ‘cầm tay chỉ việc’ cho bà con nông dân, các hợp tác xã làm quen với TMĐT ban đầu không hề dễ dàng bởi những người bán hàng nông sản chưa quen với mô hình mới này.
Nhưng nếu tham gia tốt ở lĩnh vực TMĐT, khi ứng dụng thành công mô hình nông sản bền vững, họ sẽ dễ dàng đưa nông sản, đặc sản ra thị trường ngoài địa phương, thậm chí ra thế giới với giá cả cạnh tranh nhất. “Quan trọng nhất là nâng cao nhận thức từ cả hai phía là của người nông dân và doanh nghiệp về hiệu quả mang lại từ TMĐT. Doanh nghiệp phải nhìn thấy hiệu quả thực sự mà TMĐT mang lại, khi đó họ sẵn sàng tham gia”, bà Hà chia sẻ.
Phát biểu tại cuộc làm việc với UBND tỉnh Nghệ An về hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản vào các hệ thống phân phối vừa qua, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương đã đề nghị Sở Công Thương và hệ thống phân phối cần chủ động bàn bạc kế hoạch và hiện thực hóa kế hoạch đó để tích cực hỗ trợ người nông dân, nhằm tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm nông sản địa phương. Thời gian tới sẽ hướng đến các thị trường cao cấp hơn, nên sẽ đòi hỏi cao hơn về chất lượng. "Do đó cần tiếp tục quan tâm để kết nối hàng hóa Nghệ An với các kênh tiêu thụ lớn hơn, tổ chức các hoạt động quảng bá, giới thiệu tại các địa phương trong cả nước; tăng cường xúc tiến thương mại, tiêu thụ hàng hóa trên các kênh online, sàn TMĐT…", bà Lê Việt Nga nhấn mạnh.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)