Xin Thứ trưởng cho biết, quá trình hình thành, biến ý tưởng thành hiện thực xuất khẩu hàng Việt vào các kênh phân phối hiện đại như AEON, Central Group của Bộ Công Thương ra sao?
Từ đầu những năm 2000, thị trường phân phối tại Việt Nam bắt đầu được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, mở đầu là các nước châu Âu như Đức với Metro, Pháp với Tập đoàn Bourbon. Các DN xuất khẩu Việt Nam bắt đầu tiếp cận trực tiếp để bán hàng vào hệ thống phân phối của nước ngoài tại Việt Nam. Từ đây, Bộ Công Thương bắt đầu hình thành ý tưởng kết nối giữa hệ thống phân phối nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam với chính những DN xuất khẩu để trực tiếp đưa hàng vào hệ thống của họ tại thị trường nước ngoài. Đây cũng là biện pháp xúc tiến thương mại thiết thực và hữu hiệu đối với DN Việt Nam.
Tuy nhiên, DN Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn về kinh nghiệm cũng như kiến thức kinh doanh quốc tế. Chính vì thế, Bộ Công Thương đã xây dựng Đề án Thúc đẩy các DN Việt Nam trực tiếp tham gia các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2020, trình Thủ tướng Chính phủ và được phê duyệt. Từ đó đến nay, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, nhất là DN, địa phương để thực hiện đề án hiệu quả.
Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã có các hoạt động hỗ trợ và tăng cường năng lực cho DN trong nước như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Bộ Công Thương đã phối hợp với các tập đoàn, DN của nước ngoài đang có hệ thống phân phối tại Việt Nam tổ chức những lớp tập huấn để cung cấp cho DN Việt Nam kiến thức, thị trường, sản phẩm, thị hiếu của người tiêu dùng tại các nước tập đoàn này có hệ thống phân phối.
Qua đó, Bộ Công Thương phối hợp với các hiệp hội, ngành hàng, địa phương và đối tác của nước ngoài để lựa chọn DN Việt Nam có đủ năng lực tham gia vào đề án. Hiện nay, DN Việt Nam ngoài việc trực tiếp cung cấp thông tin về thị trường hàng hóa còn tham gia vào đoàn khảo sát, phối hợp DN nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam để nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng các nước.
Xin Thứ trưởng cho biết, đánh giá của Bộ Công Thương về kết quả đưa hàng Việt vào hệ thống AEON nói riêng và các chuỗi siêu thị lớn của nước ngoài nói chung?
Từ năm 2012, Tập đoàn AEON đã phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội chợ thương mại Việt Nam tại Nhật Bản; Tuần hàng Việt Nam tại hệ thống AEON năm 2016 và 2017. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu hàng Việt vào các hệ thống của AEON tại nước ngoài đạt 200 triệu USD. Hiện nay, Bộ Công Thương và Tập đoàn AEON đặt ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam vào hệ thống AEON tại nước ngoài đạt 500 triệu USD năm 2020 và 1 tỷ USD năm 2025.
Sản phẩm dệt may của Tổng công ty 28 được ưa chuộng tại hệ thống phân phối của AEON |
Ngoài AEON, còn có một số tập đoàn, DN nước ngoài đang phân phối tại Việt Nam như E-Mart, Lotte (Hàn Quốc), Auchan (Pháp), Central Group (Thái Lan)… đã thực hiện một số chương trình. Vừa qua, Central Group đã tổ chức Tuần hàng Việt Nam ngay tại Bangkok (Thái Lan). Nhiều tập đoàn khác cũng đang có ý tưởng, kế hoạch phối hợp với Bộ Công Thương và DN Việt Nam để đưa hàng hóa Việt Nam sang hệ thống phân phối của chính các tập đoàn này tại nước ngoài.
Tuy nhiên, để kênh xuất khẩu hàng Việt đạt được hiệu quả cao nhất vẫn phụ thuộc vào năng lực của DN Việt Nam. Các DN cần đầu tư bài bản, nghiêm túc, lâu dài từ nguồn nguyên liệu để làm ra sản phẩm, khâu sản xuất, lưu thông, đặc biệt bảo đảm chất lượng hàng hóa..., đáp ứng yêu cầu cao của các nước.
Ngoài ra, DN cần kết hợp để tạo nên dung lượng hàng hóa đủ cho các tập đoàn nước ngoài tiêu thụ trong hệ thống siêu thị của họ, chứ không chỉ đơn thuần của một DN nào.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!