Nhiều hoạt động hỗ trợ
Chương trình xuất khẩu toàn cầu thông qua thương mại điện tử lựa chọn các doanh nghiệp Việt Nam có sản phẩm tiềm năng để đào tạo kỹ năng, hỗ trợ tư vấn trực tiếp và kết nối với mạng lưới dịch vụ hỗ trợ đã được thiết kế riêng cho chương trình để đưa sản phẩm xuất khẩu lên hệ thống thương mại điện tử Amazon tại Hoa Kỳ vào tháng 6/2019.
Đối với đợt hỗ trợ đầu tiên của chương trình trong năm 2019, Ban tổ chức đã bắt đầu nhận đăng ký tham gia từ ngày 01/2/2019 và kết thúc vào ngày 1/4/2019. Sau khi tiếp nhận và xét duyệt hồ sơ kỹ lưỡng, Cục Xúc tiến thương mại và Amazon Global Selling đã lựa chọn 100 doanh nghiệp tiềm năng.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, Cục và Amazon Global Selling đã thống nhất thực hiện kế hoạch phối hợp trong giai đoạn từ nay đến 2021 với các nội dung chính gồm: Chương trình xuất khẩu toàn cầu thông qua thương mại điện tử; chương trình phát triển thương hiệu trên thương mại điện tử với Amazon; chương trình đào tạo cho các doanh nghiệp Việt Nam về thương mại điện tử.
Trong đó, các doanh nghiệp tham gia Chương trình xuất khẩu toàn cầu thông qua thương mại điện tử sẽ nhận được sự hướng dẫn chi tiết từ mở tài khoản, hoàn tất thủ tục xuất khẩu, vận chuyển hàng hóa, quảng bá sản phẩm, nhằm đưa hàng vào hệ thống Amazon một cách thuận lợi và hiệu quả nhất thông qua các buổi đào tạo, qua sự tư vấn trực tuyến và trực tiếp.
Theo ông Vũ Bá Phú, những doanh nghiệp bán hàng thành công nhất trên Amazon.com trong đợt hỗ trợ đầu tiên này sẽ được chúng tôi lựa chọn vào đoàn xúc tiến thương mại tới Hoa Kỳ vào tháng 10 năm nay. Các doanh nghiệp này sẽ được cung cấp vé máy bay khứ hồi tới Hoa Kỳ, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, giao thương gặp gỡ doanh nghiệp tại nhiều thành phố lớn tại Hoa Kỳ, từ đó mở rộng quan hệ kinh doanh cũng như có cơ hội đến thăm và làm việc trực tiếp với đại diện Amazon tại thành phố Seattle, Hoa Kỳ.
“Cục Xúc tiến thương mại và Amazon Global Selling sẽ phát triển chương trình phối hợp này theo định hướng dài hạn và tổ chức các hoạt động theo chuỗi, và sau đợt hỗ trợ đầu tiên trong năm 2019 này” - ông Vũ Bá Phú nói và cho hay, tất cả những hoạt động nói trên đã được Cục Xúc tiến thương mại và Amazon Global Selling thiết kế công phu và chúng tôi kỳ vọng sẽ mang tới hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp tham gia.
Chủ động nắm bắt cơ hội
Amazon có trang thương mại điện tử tại 18 quốc gia, hỗ trợ 27 ngôn ngữ và danh mục hàng hóa hết sức đa dạng. Các doanh nghiệp bán hàng trên Amazon đến từ hơn 130 quốc gia khác nhau. Đặc biệt, Amazon có 175 trung tâm hoàn thiện đơn hàng trên thế giới, hỗ trợ người bán vận chuyển sản phẩm đến người mua tại 185 quốc gia và khu vực.
Việc hợp tác với trang thương mại điện tử toàn cầu Amazon.com được kỳ vọng sẽ thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa thời gian tới. Nói cách khác, các sản phẩm như thủ công mỹ nghệ, dệt may, da giầy, sản phẩm tiêu dùng.... của Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận với hàng triệu khách hàng trên thế giới của Amazon. “Tuy nhiên, hiệu quả cuối cùng của chương trình còn phụ thuộc rất lớn vào sự chuẩn bị và đầu tư kỹ lưỡng, cũng như sự cố gắng, nỗ lực của chính các doanh nghiệp” - ông Vũ Ba Phú nhấn mạnh.
Để chuẩn bị và tham gia tốt vào kênh bán hàng trực tuyến Amazon, doanh nghiệp phải có sự hiểu biết và khát vọng tham gia thâm nhập thị trường thế giới, đồng thời sản phẩm phải đáp ứng được về mặt chất lượng của thị trường quốc tế.
Điều này, đòi hỏi doanh nghiệp cần có chiến lược dài hạn xây dựng thương hiệu sản phẩm nhằm tăng cường sự tham gia hiệu quả trong chuỗi giá trị toàn cầu. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần nâng cao trình độ ngoại ngữ để có thể tận dụng tối đa những lợi thế bán hàng trên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới như Amazon.
Về phía Amazon, ông Berard Tay, Giám đốc Amazon Global Selling khu vực Đông Nam Á cho rằng, xuất khẩu thông qua thương mại điện tử là xu hướng tất yếu và ngày càng trở thành kênh quan trọng cho việc xuất khẩu của doanh nghiệp. Thông qua Amazon, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội phát triển kinh doanh trên toàn cầu và xây dựng các thương hiệu quốc tế.