VND mất giá 4,9%
Thông tin tại họp báo, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, trong 3 tháng đầu năm Ngân hàng Nhà nước luôn theo sát diễn biến, điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, tạo điều kiện cho xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới có nhiều biến động, khiến đồng nội tệ của nhiều quốc gia mất giá khá cao, kể cả các nước có nền kinh tế mạnh, dao động từ trên 3% đến gần 9%. Việt Nam cũng nằm trong xu thế đó, tỷ giá hiện mất giá 4,9% so với đầu năm.
Theo ông Đào Minh Tú, năm qua Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất trong bối cảnh thế giới tăng lãi suất. “Hiện lãi suất VND âm so với lãi suất đồng đô la trên thị trường liên ngân hàng. Đặt ra câu hỏi quản lý của Ngân hàng Nhà nước về điều hành chính sách tiền tệ hài hoà. Bên cạnh đó, cầu ngoại tệ cho nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất đảm bảo cũng là yếu tố khiến tỷ giá tăng thời gian qua. Ngoài ra, còn kể đến yếu tố tâm lý muốn găm giữ USD”, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thông tin.
Đồng thời khẳng định, “Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng can thiệp nếu tỷ giá có diễn biến bất lợi, kể cả ngay hôm nay. Dự trữ ngoại hối những năm qua đảm bảo được khi nhà điều hành muốn can thiệp thị trường”.
Họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I năm 2024 |
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thông tin thêm, nhờ điều hành tỷ giá linh hoạt, góp phần hấp thụ các cú sốc, kết hợp với phát hành tín phiếu VND nhằm giảm bớt dư thừa thanh khoản VND, qua đó giảm bớt áp lực trong ngắn hạn đối với tỷ giá.
“Về cơ bản, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ; tỷ giá diễn biến phù hợp với điều kiện thị trường và xu hướng của các đồng tiền quốc tế so với USD”, ông Tú khẳng định.
Đối với thị trường vàng, ông Tú cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, giá vàng quốc tế biến động theo xu hướng tăng là chủ đạo, trong đó có nguyên nhân: Các nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm cắt giảm lãi suất trong năm 2024 khiến chỉ số đồng đô la Mỹ giảm điểm, nhu cầu về vàng tăng; ngân hàng trung ương một số nước tăng mua vàng; tâm lý lo ngại tình hình xung đột Nga-Ukraine, căng thẳng tại Trung Đông…
Còn trong nước, giá vàng miếng SJC bình quân biến động tăng theo giá vàng quốc tế. “Ngân hàng Nhà nước đang triển khai các biện pháp hỗ trợ thị trường vàng, bán vàng miếng để tăng cung cho thị trường thông qua hình thức đấu thầu”, ông Tú nói.
Về điều hành lãi suất, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành sau 4 lần điều chỉnh giảm trong năm 2023 trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn neo cao, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp; tiếp tục khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng thương mại giảm so với cuối năm 2023.
Theo báo cáo lãi suất của các ngân hàng thương mại, đến ngày 31/3/2024, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5% so với cuối năm 2023 và lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 6,5%/năm, giảm 0,6%/năm so với cuối năm 2023.
Về điều hành tín dụng, để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, ngày 31/12/2023, Ngân hàng Nhà nước đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các tổ chức tín dụng và thông báo công khai nguyên tắc xác định để tổ chức tín dụng chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng.
Theo ông Tú, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tuy nhiên tăng trưởng tín dụng thời điểm đầu năm 2024 khá thấp so với các năm gần đây, trong đó có nguyên nhân do nhu cầu vốn tín dụng thường tăng cao vào dịp cuối năm và thời điểm trước Tết nguyên đán; cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế ở mức thấp do nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng hoạt động... Do đó, ngày 07/2/2024, Ngân hàng Nhà nước ban hành Công văn số 1088/NHNN-CSTT chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh các giải pháp đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề ra tại Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 15/1/2024 nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tiếp đó, ngày 20/02/2024, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 14/3/2024, Ngân hàng Nhà nước đã chủ trì phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, cơ quan có liên quan tổ chức Hội nghị “Triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô” do Thủ tướng chủ trì nhằm đề xuất, đưa ra các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp và người dân…
Nhờ đó, “tín dụng trong tháng 3/2024 đã tăng tích cực trở lại sau khi giảm trong 2 tháng đầu năm do yếu tố mùa vụ. Đến ngày 29/3, tín dụng nền kinh tế tăng 1,34% so với cuối năm 2023”, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thông tin.
Đến ngày 29/3, tín dụng nền kinh tế tăng 1,34% so với cuối năm 2023 |
Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Nhiều nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn 100% (tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, mở thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển tiền,...), nhiều ngân hàng Việt Nam có tỷ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số.
Công tác thanh tra, giám sát các tổ chức tín dụng tiếp tục được chú trọng tăng cường, góp phần bảo đảm an ninh, kỷ luật trên thị trường tiền tệ, ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” (Đề án 689) theo chỉ đạo của các cấp…
Tiếp tục bám sát diễn biến để ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối
Trong thời gian tới, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, cụ thể: Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; chủ động điều hành tăng trưởng tín dụng nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an toàn hệ thống; tiếp tục rà soát, hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cấp tín dụng phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024. Rà soát, đánh giá và đề xuất Chính phủ để xem xét kéo dài thời gian thực hiện Thông tư 02/2022/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp tại Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng và Chiến lược phát triển các hệ thống thanh toán Việt Nam đến năm 2030; Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung tại Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-BCA-NHNNVN (giữa Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước) triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06, nhằm thúc đẩy, tạo thuận lợi cho các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, bảo mật, tiện ích, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng; Tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao liên quan đến Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 689/QĐ-TTg; Theo dõi, giám sát tình hình nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng…
Thông tin thêm về các giải pháp ổn định tỷ giá, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, hiện chỉ số phản ánh sức mạnh đồng đô la trên thị trường thế giới tăng nhanh, trên 6% sau 1 tháng đầu năm. Với biến động nhanh mạnh nhiều nước thả nổi đồng tiền, tuy nhiên vẫn có nước bảo vệ đồng nội tệ, trong đó có Việt Nam.
“Ngân hàng Nhà nước có nhiều giải pháp từ đầu năm, nhất là khi tháng 3 tỷ giá tăng cao Ngân hàng Nhà nước đã hút tiền đồng về thông qua phát hành tín phiếu. Những ngày gần đây nhu cầu ngoại tệ cao để nhập khẩu nguyên liệu xăng dầu, sắt thép… Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều biện pháp chặt chẽ và mạnh mẽ các phương án can thiệp ngoại tệ, bán ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm. Ngay sau động thái công bố này thì thị trường ngoại tệ trong nước đã bớt nóng”, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ khẳng định.