Nga cắt khí đốt qua Ukraine, châu Âu ảnh hưởng thế nào? Quốc gia châu Âu tiếp tục nhập khẩu khí đốt từ Nga |
Theo dữ liệu từ Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu (GIE), kể từ đầu mùa sưởi ấm, Liên minh châu Âu (EU) đã rút hơn 42 tỷ m3 từ các cơ sở lưu trữ khí đốt dưới lòng đất.
GIE cho biết, lượng khí đốt rút từ các cơ sở UGS ở các nước EU vào ngày 20/1 lên tới 985 triệu m3. Mặc dù tỷ lệ tiêu thụ khí đốt dự trữ cao nhưng tình hình ở châu Âu vẫn chưa đến mức căng thẳng. Tổng khối lượng nhiên liệu trong cơ sở lưu trữ khí đốt ngầm đạt mức tối đa vào đầu tháng 1/2025 với 65,9 tỷ m3.
Những năm khó khăn nhất đối với EU là năm 2018 và 2022, khi trữ lượng trong các cơ sở lưu trữ vào cuối mùa sưởi ấm giảm xuống mức tới hạn lần lượt dưới 18% và 26%. Hiện tại, các cơ sở UGS ở châu Âu đã lấp đầy 59,38%, thấp hơn 7,57% so với mức trung bình trong 5 năm qua. Trước đó, vào tháng 1/2024, trữ lượng dự trữ khí đốt lên tới 75%.
![]() |
Dự trữ khí đốt tại các cơ sở lưu trữ dưới lòng đất (UGS) ở châu Âu đã giảm xuống dưới 60% và lượng rút ra hàng ngày đạt gần 1 tỷ m3. Ảnh: Pixabay |
Nhằm bảo đảm nguồn cung năng lượng ổn định cho khu vực, châu Âu ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) vận chuyển bằng các tàu chuyên dụng. Tuy nhiên, thời tiết lạnh giá trong mùa Đông bao phủ hầu hết các nước trong khu vực đang khiến nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh và phải lấy từ nguồn dự trữ hiện có.
Theo giới chuyên gia, với tốc độ tiêu thụ như hiện nay, châu Âu sẽ phải đối mặt với áp lực lớn trong việc tái lập mức dự trữ an toàn trước mùa Đông năm sau và điều này có thể khiến giá khí đốt tăng mạnh trên thị trường năng lượng quốc tế trong thời gian tới.
Trước viễn cảnh đó, các nhà lãnh đạo khu vực đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp dài hạn nhằm giảm thiểu phụ thuộc vào các nguồn cung bên ngoài, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.