Xuất khẩu nông lâm thủy sang thị trường Trung Quốc tăng 14,5%
Trong báo cáo ngày 29/12 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội về tình hình ùn tắc nông sản xuất khẩu tại cửa khẩu biên giới phía Bắc cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam - Trung Quốc 11 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 11,3 tỷ USD, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 8,47 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ 2020, nhập khẩu đạt 2,85 tỷ USD, tăng 37,4% so với cùng kỳ 2020.
Xuất nhập khẩu hàng hóa tại Cửa khẩu cầu Bắc Luân II, tỉnh Quảng Ninh |
Theo Tổng cục Hải quan, số liệu cụ thể về kim ngạch cả 9/11 nhóm mặt hàng xuất khẩu 11 tháng đầu năm 2021 tăng so với cùng kỳ năm 2020 bao gồm: rau quả đạt 1,75 tỷ USD, tăng 3,6%; gạo đạt 494,7 triệu USD, tăng 14,6%; hạt điều đạt 563,1 triệu USD, tăng 24,8%; cà phê đạt 113,7 triệu USD, tăng 40,7%; chè đạt 13,7 triệu USD, tăng 28,1%; cao su đạt 1,96 tỷ USD, tăng 26,3%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,36 tỷ USD, tăng 26,6%; sắn và sản phẩm sắn đạt 994 triệu USD, tăng 25,5%; thức ăn gia súc đạt 330,7 triệu USD, tăng 75,6%. Hai mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm 2020: thủy sản đạt 862,8 triệu USD, giảm 21,6%; sản phẩm mây tre, cói, thảm đạt 7,8 triệu USD, giảm 23,1%.
Riêng đối với mặt hàng rau quả, theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 11/2021 đạt 261,5 triệu USD, tăng 9% so với tháng 10. Lũy kế 11 tháng, giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 3,2 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt 1,75 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 54% kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, đà tăng trưởng của ngành hàng rau quả đang bị cản trở bởi thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc siết chặt kiểm soát dịch Covid-19 theo chiến lược "zero Covid". Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc gặp khó ít nhất trong 3-6 tuần dịp Tết Nguyên đán 2022.
Tại Diễn đàn "Kết nối sản xuất, chế biến và thúc đẩy thị trường nội địa", diễn ra sáng 31/12, ông Nguyễn Văn Dương - Phó Chi cục trưởng Chi cục Cửa khẩu Móng Cái - cho biết: từ ngày 21/12/2021, thủ tục thông quan qua cửa khẩu Đông Hưng bị tạm ngưng, dẫn tới việc hàng hóa nông sản bị ùn ứ tại cầu Bắc Luân II và Lối mở Km 3+4 phường Hải Yên. Cụ thể, hàng nông sản qua cửa khẩu còn tồn 146 xe của 20 doanh nghiệp. Số này đang tìm đường tiêu trụ trở lại nội địa. Riêng tinh bột sắn tồn 38 xe có thể đưa vào kho bảo quản, do đây là hàng khô; Thủy hải sản tồn 139 xe. Cửa khẩu Móng Cái đã thông báo đến doanh nghiệp, và có phương án giảm chi phí bảo quản cho chủ hàng.
Theo bà Đinh Thị Thu - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lạng Sơn, lượng xuất khẩu tại các cửa khẩu của tỉnh hiện nay chỉ vào khoảng dưới 100 xe/ngày/cửa khẩu và đa số là sản phẩm khô. Tổng lượng xe ùn tắc tại Lạng Sơn hiện nay vào khoảng 2.900 xe, đang giảm dần nhưng nguyên nhân chính là do nhiều xe quay đầu về tiêu thụ nội địa, đặc biệt là sau khi Bằng Tường thông báo ngừng nhập khẩu thanh long từ 0h 29/12 - 24h 26/1/2022. Trong thời gian tới, việc xuất khẩu nông sản dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là 2 dịp nghỉ Tết dương lịch và Tết Nhâm Dần đang đến gần. “Phía Trung Quốc sẽ tạm dừng nhập khẩu hàng hóa trên container lạnh trong 28 ngày của dịp Tết Nhâm Dần, trong đó 14 ngày trước Tết và 14 ngày sau Tết”, bà Đinh Thị Thu cho biết thêm.
Trước tình hình đó, bà Thu kiến nghị các đơn vị cấp trên cần tổ chức thêm các cuộc hội đàm cấp cao để thông quan nốt 2.900 xe đang còn ùn tắc trước Tết Nguyên đán. Ngoài ra, bà Đinh Thị Thu cũng đề xuất đàm phán với Trung Quốc để tăng thời gian làm việc tại các cửa khẩu vẫn còn hoạt động, từ 4h, 8h lên 12h mỗi ngày để nâng cao năng lực thông quan.
Ông Hoàng Chí Hiền - Giám đốc Sở Công Thương Lào Cai - cho biết, hiện không còn tồn đọng xe hàng nào tại cửa khẩu của tỉnh. Tuy nhiên, ở phía Trung Quốc còn tồn 1.700 xe, các doanh nghiệp cho biết đó là rau củ quả, hàng tiêu dùng. Ngày 27-28/12 phía bạn tạm dừng cửa khẩu để khử khuẩn, chống dịch, sau đó các hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra bình thường.
Cũng theo ông Hoàng Chí Hiền, trước dịch Covid-19, trung bình 600-800 xe thông quan mỗi ngày qua các cửa khẩu của tỉnh, trong đó 80% là xe từ Trung Quốc sang. Hiện tại, chỉ có cửa khẩu quốc tế Lào Cai hoạt động, chủ yếu xuất khẩu chính ngạch. Tuy nhiên, doanh nghiệp phía Trung Quốc tận dụng chính sách cư dân biên giới để được hưởng chính sách 8.000 tệ, tiết giảm chi phí. Sở Công Thương Lào Cai cho rằng, nếu duy trì chính sách này thì sẽ nan giải.
Theo thống kê của Sở Công Thương Lào Cai, mặt hàng thanh long chiếm tỷ trọng cao nhất, giá trị lớn nhất trong xuất khẩu qua tỉnh này. Số liệu cụ thể năm 2019 đạt 800 triệu USD, năm 2020 là 600 triệu USD, năm nay do dừng từ ngày 18/7 thì đạt 450 triệu USD. Từ ngày 5/8, sau khi có xét nghiệm, Cục Thương vụ Hà Khẩu có công hàm dừng nhập khẩu thanh long từ Lào Cai. Về ý kiến vận chuyển qua đường sắt, ông Hiền cho rằng hạn chế lớn nhất là bảo quản và trung chuyển.
Đối với nông sản, vấn đề này rất khó. Mặt khác, hệ thống đường sắt giữa Lào Cai và Trung Quốc chưa đồng bộ về khổ đường ray. Ông Hiền lưu ý các doanh nghiệp về việc đường sắt cao tốc Vân Nam - Lào sắp khánh thành, do đó hàng nông sản từ Lào, Thái Lan, Campuchia qua đây sẽ rất lớn. Nông sản các nước ASEAN đang tràn ngập ở Côn Minh.
Lãnh đạo Sở Công Thương Lào Cai đề nghị Bộ NN&PTNT sớm đàm phán ký kết hiệp định về kiểm dịch nông, thủy, hải sản, mở rộng danh mục trái cây xuất sang Trung Quốc do phía bạn còn nhiều nhu cầu về nông sản Việt Nam. Đồng thời đề nghị các cơ quan ngoại giao trao đổi lại với các địa phương để dự báo, nhận định, tham mưu cho công tác điều hành chung; có thêm các chương trình xúc tiến, đối thoại...
Định hướng tập trung tiêu thụ tốt các nông sản mùa vụ
Ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) - đánh giá, bất chấp những khó khăn về thông quan, điểm sáng của nông sản là giá trị xuất khẩu rau quả 11 tháng năm 2021 sang thị trường Trung Quốc vẫn đạt hơn 1,7 tỷ USD. Con số này chứng tỏ Trung Quốc vẫn là một thị trường quan trọng đối với nông sản Việt Nam.
Cũng theo ông Lê Thanh Hòa, hiện nhiều nông sản vào vụ, có nhu cầu tiêu thụ lớn. Ngoài ra, các chính sách giám sát Covid-19 của Trung Quốc ngày càng tăng cường, duy trì chế độ “zero Covid”, trong khi Việt Nam lại chủ trương sống chung với dịch. Những vấn đề ở biên giới đặt ra yêu cầu về việc chế biến nông, lâm, thủy sản của Việt Nam phải thay đổi, nhất là khi Tết Nguyên đán đang đến gần.
Một số mặt hàng như thủy sản, rau quả bảo quản lạnh sẽ được Trung Quốc giám sát chặt chẽ. Theo ông Lê Thanh Hòa, đây là một trong những nguyên nhân chính khiến năng lực thông quan tại cửa khẩu giảm khoảng một nửa thời gian qua.
Nhằm giải quyết các vấn đề ùn tắc nông sản, ông Lê Thanh Hòa cho biết, ngành nông nghiệp đã tổ chức nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình lưu thông, xuất nhập khẩu nông sản cả ở cửa khẩu, lẫn các địa phương. Dù nhiều Bộ, ban, ngành vào cuộc quyết liệt, nhiều địa phương chưa kịp điều tiết hàng hóa. Tình trạng này dẫn đến việc nhiều xe chở nông sản lên biên giới đã quay đầu trở lại các đô thị lớn như Hà Nội.
“Chúng ta cần định hướng tập trung tiêu thụ tốt các sản phẩm đang vào mùa vụ. Những doanh nghiệp có khả năng chế biến sâu, hoặc có công nghệ bảo quản cần tham gia vào quá trình này, tránh tình trạng để giá nông sản giảm sâu”, ông Hòa nhấn mạnh.
Từ ngày 1/1/2022, Trung Quốc áp dụng Lệnh 248, Lệnh 249, và chủ trương quản lý chặt kinh tế biên mậu, và thúc đẩy việc xuất nhập khẩu chính ngạch. Ông Lê Thanh Hòa nhận định, đây là vấn đề mà các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng Việt Nam cần lưu ý, bên cạnh cải tiến, nâng cao quy trình sản xuất để đảm bảo chất lượng sản phẩm, đảm bảo khả năng có thể tham gia vào các chuỗi siêu thị lớn của Trung Quốc.
Ghi nhận các ý kiến đóng góp của các địa phương, ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - cho biết sẽ tích cực liên hệ với phía Trung Quốc để giải quyết lâu dài tình trạng ùn tắc nông sản. Đồng thời lưu ý các doanh nghiệp, hiệp hội xuất khẩu cần tìm hiểu, đẩy mạnh chế biến và xuất khẩu đi các thị trường khác. Với các đơn vị chế biến trong nước, ông Trần Thanh Nam đề nghị kết nối thông tin với các vùng nguyên liệu để hỗ trợ tiêu thụ trong giai đoạn khó khăn hiện nay.