Tại tọa đàm trực tuyến góp ý sửa đổi Nghị định 82/2018/NĐ-CP về quản lý KCN và KKT diễn ra chiều ngày 21/9, bà Nguyễn Thị Bích Liên- Tổng giám đốc Công ty CP WHA Industrial Zone Nghệ An - nhấn mạnh, Nghị định thay thế Nghị định 82/2018 đã có các điểm điều chỉnh tốt hơn, tuy nhiên có khá nhiều điểm cần phải xem xét lại.
Theo đó, bà Liên đề xuất bỏ Điều 8 khoản 5 quy định về hạn mức chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa 02 vụ trở lên trong phạm vi khu công nghiệp theo mỗi giai đoạn được chấp thuận chủ trương đầu tư tối đa không quá hạn mức quy định/dự án đầu tư như sau: 200 ha đối với vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long; 150 ha đối với vùng Bắc Trung bộ, duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ; 100 ha đối với vùng trung du, miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.
Tại tọa đàm trực tuyến góp ý sửa đổi Nghị định 82/2018/NĐ-CP về quản lý KCN và KKT diễn ra chiều ngày 21/9, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) kỳ vọng Nghị định số 82 sẽ được sửa đổi một cách toàn diện, tạo dư địa để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp cho KCN, KKT. |
Theo quan điểm của bà Liên, điều khoản này chưa phù hợp với Luật Đầu tư bởi danh mục các điều kiện đầu tư kinh doanh theo khoản 6 Điều 7 Luật đầu tư không có hạn chế về diện tích chuyển đổi đất trồng lúa theo mỗi giai đoạn của dự án đầu tư. Bên cạnh đó, theo khoản 2 Điều 30 Luật Đầu tư, việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô từ 500 ha trở lên để thực hiện dự án đầu tư là có thể được chấp thuận, và thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án loại này là của Quốc hội.
Cũng theo bà Liên, quy định này chưa phù hợp với tình hình thực tế bởi đối với các tỉnh Bắc Trung Bộ và Trung Trung bộ, nơi địa hình chỉ có núi đá, đồng bằng nhỏ hẹp và ven biển, thì chỉ có duy nhất vùng đất đồng bằng mới phù hợp để chuyển đổi sang phát triển KCN.
Tương tự, bà Liên kiến nghị bỏ, Điều 27 khoản 4, điểm b tại Dự thảo Nghị định quy định về trường hợp khung giá và các loại phí hạ tầng. Theo bà Liên, quy định này chưa phù hợp với pháp Luật về giá bởi theo Điều 15, Điều 19, và Điều 23 Luật Giá, Nhà nước thực hiện điều tiết giá theo các hình thức bình ổn giá, định giá, và hiệp thương giá…. Đồng thời cho rằng đây là quy định chưa phù hợp với thực tế bởi đơn vị phát triển hạ tầng KCN luôn có phương án cân đối khung giá và các loại phí hạ tầng một cách hợp lý để bảo đảm việc thu hút các dự án thứ cấp, và duy trì tính cạnh tranh với các KCN khác.
Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Phạm Hồng Điệp – Tổng giám đốc KCN Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) - cũng cho rằng, Dự thảo Nghị định vẫn còn nhiều bất cập cần được sửa đổi.
Cụ thể, về điều kiện xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư phát triển hạ tầng KCN mới là tổng diện tích đất công nghiệp của các KCN đã được thành lập trên địa bàn tỉnh/thành phố đã cho các dự án đăng ký đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thuê đất, thuê lại đất đạt tối thiểu 60%. Ông Điệp cho biết, đây là rào cản phát triển cho các đơn vị thu hút đầu tư hiệu quả bên cạnh những dự án treo, dự án thu hút đầu tư kém trong cùng một địa phương.
Cũng theo ông Điệp, hiện để nhà đầu tư được cấp phép đầu tư, nhà đầu tư phải mất thời gian lên tới 18 – 24 tháng, thậm chí có những dự án lên tới 36 tháng. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả của việc đầu tư cũng như làm lỡ mất cơ hội thu hút đầu tư vào các dự án. Do đó, cần hơn nữa việc tháo gỡ, giảm tải thủ tục hành chính trong việc phát triển và mở rộng các KCN đặc biệt là các dự án của các đơn vị phát triển hạ tầng đã có uy tín và hiệu quả thông qua năng lực triển khai thực tế các dự án sẵn có.
Ông Điệp cũng cho biết, không nên quy định giới hạn đầu tư KCN với diện tích dưới 500ha, với những địa phương có quỹ đất lớn và điều kiện hạ tầng tốt, nên cho phép phát triển các KCN quy mô trên 1.000 ha để thu hút các liên hiệp nhà máy đầu tư sản xuất lớn.
Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Nghị định, ông Đỗ Quốc Dũng - Trưởng Ban phát triển dự án Công ty CP Đầu tư phát triển TNI Holdings Vietnam- cho rằng, dự thảo Nghị định cần đưa ra tiêu chí cụ thể về điều kiện và loại hình trong KCN để xác định đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; Thời gian thực hiện, từ khi lập quy hoạch hay giai đoạn nào ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh và bán hàng của chủ đầu tư.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến cuối tháng 4/2021, Việt Nam có 575 KCN, 26 KKT cửa khẩu và 18 KKT ven biển. Ông Hoàng Quang Phòng- Phó Chủ tịch Phòng công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI)- nhận định, Việt Nam đã ký một loạt các hiệp định EVFTA, CTPPP, Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA)… là bàn đạp cho việc thu hút đầu tư nước ngoài. Việt Nam cần phải gấp rút chuẩn bị cho việc hình thành hệ thống bất động sản công nghiệp quy mô, hiện đại và dịch vụ hậu cần để đón bắt làn sóng FDI này. “Chúng tôi rất mong chờ Nghị định số 82 sẽ được sửa đổi một cách toàn diện, tạo điều kiện thu hút mạnh mẽ hơn nữa nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng KCN, KKT, đồng thời tạo dư địa để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp cho KCN, KKT. Từ đó, tạo điều kiện thu hút những dự án có chất lượng cao, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và định hướng thu hút đầu tư trong thời gian tới", ông Hoàng Quang Phòng cho biết.
Ngày 22/05/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 82/2018/NĐ-CP hoàn thiện khung pháp lý về KCN, KKT, có hiệu lực từ ngày 10/07/2018. Sau hơn 3 năm, Nghị định đã đi vào cuộc sống, tạo khung pháp lý cho hoạt động đầu tư phát triển các KCN, KKT. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những khó khăn, tồn tại nên việc xây dựng và ban hành Nghị định thay thế Nghị định 82/2018/NĐ-CP là hết sức cần thiết. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mục tiêu của việc sửa đổi Nghị định nhằm sửa đổi, cập nhật, phù hợp với các quy định tại các văn bản pháp quy mới như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp. Mặt khác, hoàn thiện xây dựng mô hình quản lý nhà nước đối với KCN, KKT theo nguyên tắc “một cửa, tại chỗ”. Đồng thời, nghiên cứu quy định trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế và phù hợp với thực tiễn hoạt động của các KCN mới tại Việt Nam... |