Lấy ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định phát triển và quản lý chợ |
Dự thảo nghị định phát triển và quản lý chợ có điểm gì mới?
Hội thảo "Chính sách phát triển chợ truyền thống trong đô thị Việt Nam và góp ý Dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý chợ" diễn ra trong 2 ngày 28 - 29/6 đã tập trung lấy ý kiến góp ý Dự thảo 3 Nghị định phát triển và quản lý chợ (thay thế các Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/1/2004 và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ).
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Phó Trưởng ban soạn thảo nhấn mạnh, Nghị định số 02/2003 và Nghị định số 114 là căn cứ pháp lý quan trọng cho phát triển và quản lý chợ thời gian qua. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cùng với sự thay đổi của các quy định pháp luật liên quan, Nghị định số 02 và Nghị định số 114 đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, gây khó khăn cho công tác phát triển và quản lý chợ tại các địa phương, đòi hỏi phải ban hành Nghị định mới.
Dự thảo Nghị định được xây dựng theo hướng: Giải quyết ngay các vấn đề cấp bách trong công tác phát triển và quản lý chợ, tạo điều kiện cho các địa phương kịp thời tận dụng nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 cho công tác đầu tư phát triển chợ, bảo đảm tính đồng bộ ngay cả trong trường hợp có sự thay đổi của các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Nghị định quy định những vấn đề chung về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; phân loại chợ (chợ dân sinh, chợ đầu mối), lược bỏ các khái niệm chợ không có nội hàm quản lý trong Nghị định cũ, bổ sung một số khái niệm như chợ đêm, các địa điểm không tổ chức họp chợ, chợ di tích, lịch sử, văn hoá, cảnh quan kiến trúc, chợ cộng đồng.
Về quy định đầu tư xây dựng chợ: Quy định những vấn đề về đầu tư xây dựng chợ, quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư xây dựng chợ; quy định về Dự án đầu tư xây dựng chợ và bố trí các công trình trong phạm vi chợ. Lược bỏ quy định về quy hoạch phát triển chợ, thay bằng kế hoạch phát triển chợ để bảo đảm phù hợp với Luật Quy hoạch.
Trong chương quy định về tổ chức quản lý chợ và hoạt động kinh doanh tại chợ: Quy định những vấn đề về trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ của các tổ chức quản lý chợ, nội quy chợ, quản lý điểm kinh doanh tại chợ, quy định về hoạt động kinh doanh tại chợ.
Về quản lý, sử dụng và khai thác kết cấu hạ tầng chợ do Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư. Ngoài ra, dự thảo nghị định sửa đổi cũng quy định về quản lý Nhà nước về chợ.
Dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý chợ sẽ có nhiều điểm mới |
Dự thảo Nghị định có nhiều điểm mới. Thứ nhất, sửa đổi khái niệm chợ dân sinh nhằm tháo gỡ khó khăn cho địa phương trong công tác đầu tư.
Thứ hai, sửa đổi quy định về vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (ngân sách Trung ương và địa phương): quy định tại khoản 3, Điều 5, Dự thảo Nghị định - “vốn Nhà nước được sử dụng để hỗ trợ đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp các chợ dân sinh, chợ đầu mối. Việc hỗ trợ giải phóng mặt bằng từ ngân sách nhà nước đối với chợ đầu mối được tách thành dự án riêng”. Đồng thời, dự thảo Nghị định sửa đổi khái niệm về chợ dân sinh tại khoản 4, Điều 2 như sau: “Chợ dân sinh là chợ kinh doanh những mặt hàng thông dụng và thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày của người dân, không có cư dân sinh sống".
Thứ ba, bổ sung các quy định về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ do Nhà nước đầu tư và hỗ trợ đầu tư.
Thứ tư, sửa đổi quy định về chính sách khuyến khích đầu tư phát triển chợ.
Thứ năm, bổ sung quy trình chuyển đổi mô hình quản lý chợ từ Ban quản lý sang doanh nghiệp hoặc hợp tác xã.
Thứ sáu, quy định về chợ đêm; chợ di tích lịch sử, văn hoá, cảnh quan kiến trúc, chợ cộng đồng và trách nhiệm phát triển và quản lý các loại chợ này cho UBND tỉnh.
Các nội dung về xử lý tài sản công, về cơ chế tài chính áp dụng cho việc chuyển đổi các Ban quản lý chợ, đây là các vướng mắc lớn nhất mà các địa phương đã phản ánh trong thời gian qua đã có sự vào cuộc rất nhiệt tình và được Bộ Tài chính làm rõ tại hội thảo hôm nay.
Nhiều góp ý cho dự thảo mới
Tại hội thảo, các đại biểu đã có những đóng góp để hoàn thiện Dự thảo Nghị định, đặc biệt đối với các nội dung về xử lý tài sản công, về cơ chế tài chính áp dụng cho việc chuyển đổi các Ban quản lý chợ, đây là các vướng mắc lớn nhất mà các địa phương đã phản ánh trong thời gian qua.
Theo đại diện của Sở Công Thương Hà Nội, dù đã có nhiều điểm mới trong nghị định sửa đổi, vẫn còn 3 luật đang chênh nhau gồm luật đất đai, quản lý tài sản công, luật đầu tư đấu thầu. Người đại diện này dẫn ra thực trạng ở Hà Nội khi đã chuyển đổi mô hình chợ sang hình thức xã hội hoá nhưng không thể giao cho đơn vị nhận chuyển đổi vì phần đất vẫn là đất công, không thể giải quyết được.
“Nghị định không làm rõ vấn đề này thì sau này sẽ tiếp tục mắc”, người đại diện Sở Công Thương Hà Nội nhấn mạnh.
Ông Vũ Thế Hải - Tổng giám đốc Công ty chợ Tây Bắc cho biết, trong quy định quản lý chợ đang có một mâu thuẫn kinh tế rất lớn, đó là giới hạn trần doanh thu. Hiện nay, mỗi địa phương đều áp dụng giới hạn doanh thu đối với các doanh nghiệp đầu tư chợ. Điều này dẫn đến nhiều dự án được đấu thầu từ nhiều năm nay nhưng vẫn không tìm được nhà đầu tư.
Ông Hải đề xuất, các địa phương trong quá trình đấu thầu, đấu giá dự án cần lập và quy hoạch dự án trước, từ đó tính ra tổng mức đầu tư và làm cơ sở để tính năng suất thặng dư.
Bên cạnh đó, ông Đinh Đăng Hải - Chuyên gia của Tổ chức Health Bridge cho rằng, cần phải có quy định về “chợ tạm”, bởi lẽ, chợ tạm xuất phát từ nhu cầu của người dân trong cộng đồng. Do đó, việc có quy định rõ ràng, cụ thể để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Ông Đinh Đăng Hải - Chuyên gia của Tổ chức Health Bridge |
Ông Trần Duy Đông thông tin: "Đối với các vấn đề liên quan tới hướng dẫn về lựa chọn nhà đầu tư, Bộ Công Thương đã có ý kiến đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tuy nhiên do không có đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại hội thảo này nên đề nghị đại diện Vụ Kế hoạch thành viên Ban soạn thảo lưu ý phối hợp về nội dung có liên quan".
Kết luận hội thảo, ông Trần Duy Đông cho biết, Bộ Công Thương ghi nhận các ý kiến đóng góp quý báu của các đại biểu tham dự hội thảo. Theo đó, Vụ Thị trường trong nước là đơn vị đầu mối sẽ tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Nghị định, trình Chính phủ ban hành theo đúng kế hoạch.