Khích lệ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo tồn bản sắc văn hóa ĐBQH nhất trí cao điều chỉnh chủ trương đầu tư CTMTQG vùng dân tộc thiểu số và miền núi |
Nhiều sản phẩm độc đáo để thu hút du khách
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng ngày 5-6/6, nhóm vấn đề về chính sách đặc thù, thu hút đầu tư cho hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được nhiều đại biểu quốc hội quan tâm, chất vấn, đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nêu quan điểm, giải pháp.
Du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang phát triển ấn tượng, có nhiều sản phẩm độc đáo để thu hút du khách. Ảnh: Nam Thái |
Đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Nông nêu vấn đề, có nhiều chính sách pháp luật về đất đai ban hành nhằm thu hút đầu tư du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vừa bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, vừa tạo sinh kế và nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, chính sách pháp luật về đất đai sử dụng cho mục đích nông nghiệp kết hợp du lịch chưa hoàn thiện nên khó thu hút đầu tư.
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 922/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đã giao trách nhiệm cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét nội dung này. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng tích cực phối hợp, trong đó xác định gói sản phẩm du lịch ở lĩnh vực này là dựa trên tài nguyên văn hóa đặc sắc tiêu biểu để thiết kế.
Trước mắt xây dựng các điểm du lịch cộng đồng, phù hợp với tập quán, phù hợp với khả năng điều hành và đặc biệt là tính lan tỏa cộng đồng trong đoàn kết của đồng bào. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, đã có một số mô hình đã thành công như ở Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đắk Nông…
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, du lịch ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã bắt đầu đi đúng hướng; có rất nhiều sản phẩm độc đáo để thu hút du khách, tuy vậy, chúng ta cũng ta đang đứng trước một số bất cập và được các bộ, ngành nhìn nhận rõ liên quan đến quy hoạch, liên quan đến một số luật như Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai…
Vì vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp; Chính phủ cũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn triển khai Luật Đất đai vừa được Quốc hội thông qua, trong đó có quy định về đất đa mục đích – đây là cơ sở để phát triển du lịch cộng đồng.
“Tuy nhiên, chính quyền địa phương khi thực hiện các mô hình này cần linh hoạt, không quá cứng nhắc, đảm bảo an ninh trật tự, cho phép khai thác chu kỳ các loại hình sản phẩm này”- ông Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề được đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình nêu đó là còn hiện tượng thương mại hóa, lạm dụng trẻ em tại các phiên chợ vùng cao đã làm mai một và biến tướng nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, văn hóa của mỗi đồng bào có phong tục, tập quán và nét đẹp riêng. Vấn đề mà đại biểu nêu có thể là lợi dụng việc này, cố ý làm sai. Còn thực tế chợ tình đó không phải như vậy. Những ai lợi dụng nó để làm biến tướng thì cần phải xử lý.
Về giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề xuất cần tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là người dân vùng đồng bào dân tộc đó là chủ thể văn hóa biết tôn trọng, phát huy và bảo tồn văn hóa của chính dân tộc mình từ phong tục, tập quán đến cách ứng xử. Đồng thời cần có chế tài để xử lý nghiêm minh việc lợi dụng vấn đề này để đưa vào khuôn khổ. Như vậy mới hạn chế, khắc phục được tình trạng lợi dụng trẻ em như đại biểu đề cập.
Sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang chất vấn, báo cáo số 136/BC-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa được thường xuyên, hiệu quả do thiếu thiết chế văn hóa, thể thao tại cơ sở.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có giải pháp đột phá gì nhằm thu hút nguồn lực đầu tư, bên cạnh nâng cao số lượng cần nâng cao hơn nữa chất lượng của các thiết chế văn hóa cơ sở nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi?
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Trần Thị Thanh Hương, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, điều mà đại biểu phản ánh rất đúng, các thiết chế được đầu tư, xây dựng ở đồng bào dân tộc không xây thì đang thiếu, nhưng xây thì sử dụng thế nào cho hiệu quả? Những bất cập này và đề xuất thời gian tới cần có giải pháp mang tính chất căn cơ.
“Ví dụ như thiết chế văn hóa thuộc về tài sản công, Luật Quản lý tài sản công được thể hiện như thế nào, được khai thác ra sao thì cần được bàn rõ, liên kết cái gì để triển khai hoạt động? Vì vậy, cần phải tính toán” - Ông Hùng nêu dẫn chứng.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói thêm, Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội rà soát lại để ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để có điều kiện tổ chức thực hiện, nhất là phát huy đầu tư công của Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Bởi vì thiết chế văn hóa là điều kiện cần và đủ để hình thành môi trường văn hóa.
Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng mong muốn thời gian tới các cấp ủy, chính quyền địa phương vận dụng linh hoạt, sáng tạo, tập trung các nguồn lực, ngoài nguồn lực Nhà nước cần huy động thêm các nguồn lực khác để xây dựng thiết chế văn hoá, có như vậy mới phát huy được tác dụng.
Trong báo cáo nhóm vấn đề về chính sách đặc thù, thu hút đầu tư cho hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, gắn với xây dựng đời sống văn hóa cơ sở thời gian qua, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ban hành theo thẩm quyền nhiều các đề án, chương trình quan trọng và đã, đang mang lại hiệu quả tích cực.
Tuy nhiên, về việc thu hút đầu tư cho hoạt động Văn hoá, Thể thao và Du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh hiện còn gặp một số khó khăn nhất định. Theo đó, lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch không thuộc nhóm ngành nghề ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, không thuộc nhóm lĩnh vực được áp dụng đầu tư theo phương thức PPP theo quy định của Luật PPP.
Vừa qua, Quốc hội đã thông qua một số Nghị quyết về cơ chế chính sách đặc thù cho các địa phương, trong đó cho thí điểm thực hiện hình thức đầu tư PPP đối với lĩnh vực văn hóa (tại TP.Hồ Chí Minh, Nghệ An). Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định các khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế là các khoản tài trợ cho giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học, khắc phục hậu quả thiên tai..., không có lĩnh vực văn hóa.
Hiện tại, dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo đã đề cập nội dung này. Luật Quản lý, sử dụng tài sản công hiện chưa có quy định chi tiết về tài sản kết cấu hạ tầng văn hóa, hạ tầng thể thao.
Bên cạnh đó, theo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, việc tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa được thường xuyên, hiệu quả do thiếu thiết chế văn hóa, thể thao tại cơ sở; thiếu đội ngũ cán bộ, cộng tác viên, hướng dẫn viên thể dục thể thao cơ sở nên chưa đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh phong trào tập luyện các môn thể thao dân tộc...