Bản sắc Hà Nội sẽ đưa du lịch "cất cánh" Hà Nội lọt top thành phố du lịch phổ biến nhất với du khách |
Phong phú nguồn tài nguyên du lịch
Hà Nội là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng khi có tới 18 huyện, thị xã ngoại thành rộng lớn với những hình thái nông thôn mang đặc trưng riêng, hệ thống di tích lịch sử phong phú, di sản phi vật thể đặc sắc và ẩm thực đa dạng.
Làng cổ Đường Lâm vẫn lưu giữ được những nét đặc trưng cơ bản của một ngôi làng ở Bắc Bộ |
Du lịch cộng đồng là hình thức kinh doanh du lịch dựa trên tài nguyên thiên nhiên, đặc điểm văn hóa địa phương, trong đó người dân bản địa đóng vai trò quan trọng. Mô hình du lịch cộng đồng không còn xa lạ ở Việt Nam, thậm chí tại một số tỉnh, như Lai Châu, Sơn La, Lào Cai… du lịch cộng đồng là điểm nhấn, đặc trưng, hấp dẫn, thu hút du khách. |
Thay vì tập trung phát triển du lịch khu vực nội đô như trước đó, ngành Du lịch Thủ đô đang từng bước khai thác tiềm năng du lịch ngoại thành nhằm đa dạng hóa sản phẩm, phát triển toàn diện du lịch, đồng thời góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội địa phương.
Gần đây, đại dịch Covid-19 làm thay đổi nhu cầu tiêu dùng của khách du lịch. Họ có xu hướng tự tìm kiếm địa chỉ du lịch, tự khám phá thay vì tham gia các tour đông người. Đây là cơ hội tốt với du lịch cộng đồng.
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu, ngành du lịch Thủ đô đang tập trung gắn phát triển du lịch với hoạt động nông nghiệp, sinh hoạt làng nghề, giúp du khách dễ dàng trải nghiệm văn hóa làng quê. Hà Nội đã có những địa bàn cộng đồng tích cực tham gia vào hoạt động du lịch như: Gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm), làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), khu di tích Hương Sơn (chùa Hương, huyện Mỹ Đức), làng sinh vật cảnh Hồng Vân (huyện Thường Tín), điểm du lịch Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng)...
Từ những hoạt động ban đầu chỉ gồm tham quan, ăn uống mang tính tự phát, với sự hỗ trợ của Sở Du lịch, chính quyền các địa phương, Hà Nội đã có nhiều mô hình du lịch cộng đồng hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đồng bộ: Du khách được tham gia các hoạt động tham quan, trải nghiệm các hoạt động văn hóa, thưởng thức những đặc sản ẩm thực địa phương, mua những món quà lưu niệm mang đậm bản sắc địa phương; có thể ngủ lại tại các homestay. Hầu hết các dịch vụ đều do chính người dân địa phương thực hiện.
Những hoạt động thực tế tại làng gốm Bát Tràng đã thu hút rất nhiều bạn nhỏ tham gia trải nghiệm |
Tại Bát Tràng, trước đây, các dịch vụ ăn uống chủ yếu là tự phát, thì nay đã có các nhà hàng chuyên phục vụ đặc sản Bát Tràng, trong không gian nhà cổ.
Làng cổ Đường Lâm hiện có hơn 100 gia đình tham gia "chuỗi" cung ứng dịch vụ du lịch, đem lại kinh tế ổn định. Riêng năm 2023, lượng khách du lịch đến thị xã Sơn Tây đạt 1.175.000 lượt khách, trong đó có 450.000 lượt khách tham quan tại các di tích làng cổ ở Đường Lâm, Văn Miếu Đường Lâm, Thành cổ, phố đi bộ Sơn Tây.
"Du lịch cộng đồng đã góp phần tạo việc làm, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, nâng cao đời sống cho người dân, đồng thời phát huy giá trị di sản văn hóa lịch sử, sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp tại địa phương", ông Hiếu cho hay.
Đường Lâm còn lưu giữ được gần 1.000 ngôi nhà truyền thống, nhiều ngôi nhà được xây dựng từ thế kỷ 17-19 |
"Tiếp sức" để phát triển bền vững
Những năm gần đây, TP. Hà Nội đã đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch cộng đồng, tạo ra sản phẩm khác biệt, giàu tính trải nghiệm cho du khách. Song, sự phát triển của du lịch cộng đồng tại Hà Nội vẫn chưa thật sự "cất cánh".
Theo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn TP. Hà Nội, du lịch cộng đồng là một trong những mũi nhọn được tập trung đầu tư để tăng tính hấp dẫn cho du lịch Thủ đô.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, trong năm 2023, Sở đã phối hợp với các quận, huyện thị xã tổ chức tập huấn ứng xử văn minh du lịch và du lịch cộng đồng cho dân cư điểm du lịch xã Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng), xã Phú Yên (huyện Phú Xuyên) và xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây).
"Hàng trăm người dân hồ hởi tham gia, nghe các chuyên gia chia sẻ nhiều kiến thức về hoạt động du lịch. Đó là lợi ích du lịch đem lại, trao đổi về xây dựng sản phẩm, kỹ năng phục vụ, giao tiếp đối với khách du lịch, với mục tiêu đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, gắn với phát triển nông thôn mới", ông Hiếu cho hay.
Thời gian tới, Sở sẽ tổ chức nhiều đoàn khảo sát với sự tham gia của các đơn vị lữ hành, nhằm giúp các địa phương xây dựng sản phẩm phù hợp nhu cầu của du khách, từ đó tăng tính kết nối tour, tuyến du lịch, khai thác được thế mạnh của du lịch cộng đồng, góp phần giúp du lịch Thủ đô phát triển chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.
Trao đổi với Báo Công Thương, PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn đòi hỏi phải có quá trình chuẩn bị chu đáo và nghiêm cẩn. Việc không chỉ dựa trên tư duy "suy diễn" là cứ có tiềm năng thì có thể phát triển du lịch cộng đồng. Và, cũng không thể dựa trên tư duy "quy nạp" là du lịch cộng đồng đang là xu thế thịnh hành nên nếu tổ chức du lịch cộng đồng thì sẽ sinh lời...
PGS.TS Phạm Hồng Long |
Theo chuyên gia Phạm Hồng Long, phát triển du lịch cộng đồng đòi hỏi quá trình điều tra kỹ lưỡng về các điều kiện phát triển du lịch cộng đồng ở góc độ cung và cầu. Bên cạnh đó, cần có tư duy sáng tạo để đưa ra các ý tưởng mới phù hợp với thực tế tại địa phương, giúp du khách có những trải nghiệm mới lạ, tránh sự trùng lặp. Nói cách khác, tính đặc thù là điểm mấu chốt trong phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng.
Ngoài ra, để phát triển du lịch cộng đồng, người dân cần quá trình dài học cách ứng xử văn minh trong giao tiếp và đối đãi với khách. Khắc phục những nhược điểm này, bên cạnh đầu tư hạ tầng, Hà Nội đang nỗ lực nâng cao nhận thức, cung cấp kỹ năng cho cộng đồng thông qua các buổi tập huấn, hướng dẫn và kết hợp cùng kinh nghiệm thực tế.
"Việc Sở Du lịch Hà Nội hỗ trợ các huyện ngoại thành phát triển du lịch cộng đồng, du lịch xanh không chỉ góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển mà còn đa dạng hóa ngành nghề nông thôn, tăng thu nhập cho người dân, giúp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cộng đồng địa phương", PGS.TS Phạm Hồng Long nhấn mạnh.