Chủ nhật 05/05/2024 01:46

Bản sắc Hà Nội sẽ đưa du lịch "cất cánh"

Hệ thống di tích, lễ hội, ẩm thực, làng nghề phong phú, cảnh quan tự nhiên hấp dẫn là nguồn lực để Hà Nội khai thác, mang lại nguồn lợi lớn từ du lịch.
Hà Nội: Tiếp tục triển khai lắp đặt camera giám sát an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính Hà Nội: Rà soát, đánh giá nhiều dự án phát triển hạ tầng logistics

Tiềm năng Thăng Long ngàn năm văn hiến

Trải hơn ngàn năm lịch sử, Thăng Long - Hà Nội đã tích lũy cho mình giá trị văn hóa truyền thống phong phú và đa dạng, trở thành trung tâm giao lưu văn hóa của cả nước.

Trong những năm qua, đi cùng sự phát triển của đất nước, Thủ đô Hà Nội đã bộc lộ tiềm năng và ưu thế lớn trong thu hút du lịch. Trong đó, ưu thế nổi bật của Hà Nội chính là sở hữu hệ thống di tích lịch sử, văn hóa lâu đời. Hiện Hà Nội có 5.922 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 21 di tích - cụm di tích được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt; 1.182 di tích được xếp hạng là di tích cấp thành phố; 1 di sản văn hóa thế giới; 1 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh.

Bản sắc Hà Nội sẽ đưa du lịch
Di sản văn hóa ở Hà Nội là nguồn tài nguyên đặc sắc, hấp dẫn thu hút du khách trong và ngoài nước

Trong các di tích này còn có một số di vật đã được công nhận: Hệ thống 82 bia đá ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám; tượng Huyền Thiên Trấn Vũ ở đền Quan Thánh (quận Ba Đình), các pho tượng Phật thời Tây Sơn ở chùa Tây Phương (huyện Thạch Thất), chuông Nhật Tảo ở đình Nhật Tảo (quận Bắc Từ Liêm); tượng đôi sư tử đá và khám thờ gỗ sơn son thếp vàng tại đền - chùa Bà Tấm (huyện Gia Lâm)…

Với các di tích, danh thắng lịch sử, đình chùa miếu mạo như chùa Hương, chùa Tây Phương, làng cổ Ðường Lâm... cùng với những giá trị lịch sử từ nghìn đời xưa, du lịch Hà Nội đang hướng tới loại hình du lịch văn hóa, lịch sử là trọng yếu. Tiềm năng này được những người làm du lịch đánh giá cao và đặt hy vọng khách du lịch quốc tế.

Ngoài ưu thế về các di tích, danh thắng lịch sử của mảnh đất nghìn năm văn hiến, Hà Nội đang nổi lên là địa điểm lý tưởng cho du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí với: Ðầm Long, Thác Ða, hồ Suối Hai, núi Ba Vì...

Bên cạnh đó, Hà Nội có hệ thống các món ăn truyền thống phong phú có từ lâu đời, đã làm nên bản sắc ẩm thực Hà thành. Những món ăn như phở, gỏi cuốn, chả cá Lã Vọng, kem Tràng Tiền... không chỉ vang danh trong nước mà còn làm say lòng bao du khách quốc tế, có mặt trên nhiều bảng xếp hạng ẩm thực của thế giới.

Bản sắc Hà Nội sẽ đưa du lịch
Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt được xây dựng để tôn vinh những giá trị, tinh hoa của làng nghề Bát Tràng và quảng bá rộng rãi hình ảnh, thương hiệu gốm sứ và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác của Việt Nam

Sau đại dịch Covid-19, du lịch Hà Nội đã nhanh chóng phục hồi và khởi sắc nhờ có sức hấp dẫn riêng. Đặc biệt, ngay sau khi SEA Games 31 được đăng cai và tổ chức thành công tại Hà Nội và một số địa phương lân cận vào tháng 5/2022, hình ảnh một Hà Nội an toàn, mến khách và hấp dẫn đã nhanh chóng được bạn bè quốc tế biết đến.

Thương hiệu du lịch Thủ đô Hà Nội không ngừng được củng cố và nâng cao trên bản đồ du lịch quốc tế. Năm 2023, ngành du lịch Hà Nội đạt được những giải thưởng rất quan trọng: Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á; điểm đến thành phố golf tốt nhất thế giới; điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á cho kỳ nghỉ ngắn ngày; Hà Nội có đại diện nhà hàng được gắn sao Michelin - Giải thưởng danh giá trong ngành ẩm thực thế giới.

Sở Du lịch thành phố Hà Nội được trao tặng danh hiệu "Cơ quan quản lý du lịch thành phố hàng đầu châu Á"... Từ đó, Hà Nội tiếp tục trở thành "Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới cho kỳ nghỉ ngắn ngày năm 2023".

Bản sắc Hà Nội sẽ đưa du lịch
Du khách khám phá, tham gia nhiều hoạt động thú vị trong tour "Giải mã Hoàng Thành Thăng Long"

Sự nỗ lực trong việc đổi mới, xây dựng sản phẩm, trải nghiệm khác biệt dựa trên nền tảng truyền thống và những tiềm năng sẵn có đã giúp ngành du lịch Thủ đô khởi sắc trong năm 2023, được phản ánh qua những con số ấn tượng.

Theo thống kê, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội trong năm 2023 đạt 24 triệu lượt (tăng 27% so với năm 2022). Trong đó, 4 triệu lượt khách quốc tế (tăng 138,1% so với năm 2022) và 20 triệu lượt khách nội địa (tăng 16% so với năm 2022); tổng thu từ khách du lịch ước đạt 85.700 tỷ đồng (tăng 43% so với năm 2022).

Khai thác thế mạnh để phát triển du lịch Thủ đô

Ðứng trước nhiều cơ hội lớn nhưng làm thế nào khai thác tối ưu hiệu quả đang là vấn đề những người làm du lịch Hà Nội suy tính. Bên cạnh đó, ngành du lịch Hà Nội vẫn phải đối mặt với không ít thách thức, khó khăn do những nguyên nhân khách quan như sự suy thoái kinh tế, tài chính thế giới, các sự kiện chính trị, khủng bố, dịch bệnh... Những khó khăn về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; nhiều cơ sở dịch vụ, doanh nghiệp lữ hành chưa phục hồi, chất lượng nguồn nhân lực bị suy giảm do dịch Covid-19 cùng sự phục hồi chậm của các thị trường khách trọng điểm...

Bản sắc Hà Nội sẽ đưa du lịch
Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội

Bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết: Ngành du lịch Thủ đô luôn giữ quan điểm phát triển du lịch Thủ đô phải khai thác được những tiềm năng, lợi thế vốn có nhưng vẫn gìn giữ, phát huy được những giá trị văn hóa, xã hội, bản sắc riêng có của Thủ đô.

Theo định hướng đến năm 2025, ngành du lịch sẽ tiếp tục trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành và lĩnh vực khác. Vì vậy, mục tiêu của ngành du lịch hiện nay là xây dựng du lịch trở thành ngành dịch vụ hiện đại, chuyên nghiệp với năng lực cạnh tranh cao; chủ động nắm bắt xu hướng phát triển và hội nhập quốc tế; lấy khoa học, công nghệ tiên tiến và nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao làm nhân tố đột phá để phát triển du lịch.

Theo bà Giang, trong bối cảnh hiện nay, xu hướng, nhu cầu du lịch của du khách trong nước và quốc tế có sự thay đổi lớn. Du khách có nhu cầu đi du lịch theo nhóm nhỏ, được tham gia các sản phẩm du lịch mang tính trải nghiệm cao, có nội dung văn hóa đặc sắc, các sản phẩm được yêu cầu phải an toàn, thân thiện với môi trường... Nắm bắt những xu hướng đó, thời gian qua, Sở Du lịch đã chỉ đạo, định hướng, hỗ trợ các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch có bước chuyển lớn trong xây dựng các sản phẩm du lịch.

Để đưa hình ảnh du lịch Hà Nội đến gần với với du khách trong và ngoài nước, đặc biệt đối với thị trường khách trọng điểm, công tác tuyên truyền, quảng bá của ngành du lịch Hà Nội được quan tâm trong thời gian qua.

"Sở Du lịch Hà Nội tiếp tục triển khai đa dạng các hình thức truyền thông trên các kênh truyền thông, truyền hình quốc gia, Hà Nội, các cơ quan truyền thông khác và các nền tảng số, trang website, nền tảng xã hội (Youtube, Facebook, Tiktok…) cùng các hình thức tuyên truyền quảng bá khác phù hợp trên không gian mạng. Sở cũng thực hiện sản xuất clip, biên tập, dịch bài thuyết minh các điểm đến du lịch trên địa bàn được chuẩn hóa sáng 5 ngôn ngữ: Anh, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc", bà Giang cho hay.

Bản sắc Hà Nội sẽ đưa du lịch
Công nghệ được áp dụng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Trước đó, tại Tọa đàm "Giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững", đánh giá cao vai trò của du lịch Hà Nội trong sự phát triển chung của ngành du lịch, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh đề nghị: Trong giai đoạn tới, du lịch Hà Nội và các doanh nghiệp cần cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững, đề xuất giải pháp thúc đẩy thị trường nội địa, khai thác hiệu quả thị trường khách quốc tế đến với Hà Nội. Xây dựng và triển khai Chương trình hành động du lịch xanh giai đoạn 2023 - 2025, chú trọng công tác bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội tại các điểm đến du lịch trọng điểm theo định hướng "Điểm đến du lịch xanh, sạch, đẹp, văn minh, thân thiện".

Bên cạnh đó ngành du lịch Thủ đô cần tăng cường đầu tư phát triển sản phẩm du lịch có trọng tâm, trọng điểm, xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh phục vụ cho công tác quản lý điểm đến và marketing du lịch, tập trung thu hút đầu tư cho các sản phẩm du lịch mới, phù hợp với thị hiếu của khách du lịch.

Đồng thời, tăng cường công tác chuyển đổi số, số hóa trong các hoạt động kinh doanh du lịch, góp phần tăng cường hiệu quả kinh doanh, tăng cường hội nhập quốc tế.

Tin khác

Phiên bản di động