Bộ Công Thương nỗ lực hết mình tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu
Giải bài toán chi phí kinh doanh xăng dầu là một trong những vấn đề mấu chốt nhất tháo gỡ tình hình đứt gẫy nguồn cung hiện nay. Lý giải vấn đề này, phát biểu trước Quốc hội để làm rõ ý kiến một số đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội ngày 28/10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã lý giải: "Nhiều chi phí phát sinh, nhiều định mức lỗi thời nhưng chưa được cập nhật kịp thời, đầy đủ, chưa được phản ánh trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu nên doanh nghiệp càng làm càng lỗ và trong cơ chế thị trường thì không ai ngoài quy luật cung cầu, quy luật giá trị và mục tiêu lợi nhuận, quyết định được hành động của doanh nghiệp, doanh nghiệp đầu mối hay thương nhân phân phối đã không làm ăn có lãi thì cũng không thể có chiết khấu cho đại lý, cửa hàng bán lẻ nên đã tạo ra sự đứt gãy nhất thời, cục bộ ở khâu bán lẻ một số nơi".
Ngày 5-11, tại phiên chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Đoàn Hồng Phong, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã tiếp tục tham gia làm rõ một số ý kiến đại biểu Quốc hội nêu về vấn đề khan hiếm xăng dầu. Bộ trưởng cho biết: "Đã xảy ra tình trạng đứt gãy nguồn cung cục bộ tại một số thành phố lớn, nơi tập trung đông dân cư...Trước tình hình đó, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, mỗi ngành chức năng đang làm tốt hơn chức trách nhiệm vụ của mình. Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp hiệu quả hơn".
“Chiều hôm qua 04/11, Bộ Tài chính đã chính thức có dự kiến phương án điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam để lấy ý kiến của Bộ Công Thương. Và cũng ngay trong chiều qua, Bộ Công Thương đã có ý kiến đồng thuận với Bộ Tài chính về thời gian điều chỉnh. Như vậy, nếu không có gì thay đổi lớn thì trong kỳ điều hành ngày 11/11 thì những chi phí phát sinh sẽ được cập nhật và đây cũng là một tháo gỡ tương đối tốt”, Bộ trưởng cho biết.
Không phải đến khi báo chí dư luận phản ánh Bộ Công Thương mới vào cuộc, trước đó, nắm rõ tình hình, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chỉ tính riêng trong tháng 10, Bộ Công Thương đã liên tục có 2 cuộc họp với doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để nghe các doanh nghiệp phản ánh khó khăn, vướng mắc. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng có 2 chuyến đi thị sát tại Tổng kho Đức Giang và Tổng kho Nhà Bè để lắng nghe doanh nghiệp. Đến ngày 2/11, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tiếp tục có cuộc họp với họp với các doanh nghiệp Nhà nước là đầu mối, sản xuất và kinh doanh xăng dầu.
Từ đầu năm đến nay, Bộ Công Thương đã nhiều lần có văn bản gửi sang Bộ Tài chính, đồng thời kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát lại các chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp xăng dầu.
Được biết, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vào ngày 29/10/2022 đã có cuộc họp với các bộ: Công Thương, Tài Chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các vấn đề liên quan đến điều hành xăng dầu. Phó Thủ tướng sau đó đã có chỉ đạo, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương điều chỉnh ngay các chi phí liên quan trong công thức giá cơ sở cho phù hợp và sát với tình hình thực tế.
Ngày 3/11, Bộ Công Thương tiếp tục có công văn trả lời Bộ Tài chính về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, tập trung vào vấn đề chi phí kinh doanh xăng dầu.
Chiều 4/11, Bộ Tài chính đã chính thức có dự kiến phương án điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam để lấy ý kiến của Bộ Công Thương. Chỉ sau 2 giờ đồng hồ nhận được công văn, Bộ Công Thương đã có ý kiến đồng thuận với Bộ Tài chính về thời điểm điều chỉnh chi phí kinh doanh xăng dầu ngay vào kỳ điều chỉnh ngày 7/11, đồng thời nhấn mạnh, đề nghị Bộ Tài chính rà soát, tính đúng, tính đủ các chi phí để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Cần tính toán đủ chi phí
Chiều 7/11, sau nhiều lần đề xuất của lãnh đạo Bộ Công Thương, nhiều hội nghị, chỉ đạo từ Thủ tướng, Phó thủ tướng Chính phủ và những kiến nghị, chất vấn nóng từ nghị trường Quốc hội cũng như báo chí, công luận, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Bộ Công Thương về mức tăng chi phí đưa xăng dầu về Việt Nam.
Thế nhưng số liệu từ công văn trên đã khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lo lắng tình trạng "lỗ chồng lỗ" của doanh nghiệp.
Bởi vì, các doanh nghiệp, cả đầu mối, phân phối và bán lẻ đều kỳ vọng vào việc điều chỉnh chi phí định mức để tính giá cơ sở xăng dầu của Bộ Tài chính kỳ 11/11 này sẽ có mức tăng hợp lý, đủ chi phí để giúp doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng khó khăn, cắt lỗ, có thể tiếp tục nhập xăng dầu và duy trì hoạt động. Tuy nhiên, với phương án công bố tại công văn số 11575/BTC-QLG ngày 8/11/2022 của Bộ Tài chính về chi phí định mức để tính giá cơ sở xăng dầu theo các doanh nghiệp phản ánh mức chi phí mà Bộ Tài chính dự kiến đã không tính đúng, tính đủ thực tế và chưa kịp thời. Cụ thể:
Chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam để tính giá cơ sở xăng dầu theo công văn số 11575/BTC-QLG ngày 8/11/2022 của Bộ Tài chính để tính giá cơ sở xăng dầu (đối với nguồn xăng dầu nhập khẩu) bao gồm: xăng nền để phối trộn xăng E5RON92 là 640 đồng/lít; xăng RON95 là 1.280 đồng/lít; dầu điêzen 0,05S là 730 đồng/lít; dầu hỏa là 1.740 đồng/lít; dầu madut 180cst 3,5S là 1.290 đồng/kg.
Chi phí này theo một số doanh nghiệp là quá thấp, chỉ tăng 5 - 83%, tương ứng với 60 - 660 đồng/lít. Trên thực tế, có doanh nghiệp đã tự thống kê chi phí tăng tới 67% đến -466%/lít xăng dầu, tức là gấp gần 2 lần đến hơn 10 lần so với mức Bộ Tài chính đề xuất.
Trên thực tế, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối sử dụng nguồn xăng dầu nhập khẩu xăng dầu về việt Nam chia sẻ, doanh nghiệp đã chịu lỗ rất nặng từ đầu năm đến nay do chi phí kinh doanh xăng dầu không được cập nhật tính đúng, tính đủ cho doanh nghiệp nhập khẩu.
Theo tính toán thực tế của doanh nghiệp này (nhập khẩu xăng dầu về từ Hàn Quốc) thì chi phí nhập khẩu gồm 3 loại: Phụ phí (pre), cước vận chuyển, bảo hiểm từ đầu năm 2022 đến nay đều tăng rất cao. Nếu so sánh chi phí quý I so với quý II/2022 thì mặt hàng xăng không phát sinh tăng nhưng mặt hàng dầu cước vận chuyển tăng 56%, phụ phí giảm 3%, chi phí bình quân tăng 35%. So sánh quý I với quý III, mặt hàng xăng không phát sinh tăng nhưng mặt hàng dầu phụ phí tăng 90%, cước vận chuyển tăng tới 442%, bảo hiểm tăng 40%, tính chi phí chung tăng 315%.
Đặc biệt so sánh quý I với Quý IV thì cả xăng và dầu đều tạm tính tăng rất cao.Trong đó xăng có phụ phí 2.348 đồng/lít, cước vận chuyển 1365 đồng/lít, bảo hiểm 4 đồng/lít, tính chi phí chung là 3.717 đồng/lít, tăng 67%. Mặt hàng dầu phụ phí là 776 đồng/lít, cước vận chuyển là 1.365 đồng/lít, bảo hiểm 4 đồng/lít, tính chi phí chung là 2.145 đồng/lít, tăng tới 466%.
Sang quý IV, dự kiến tính chung, chi phí cho mặt hàng dầu là 2.147 đồng/lít. Trong khi đó, chi phí premium và chi phí đưa xăng dầu về cảng doanh nghiệp được tính là là 570 đồng/lít, doanh nghiệp lỗ 1.577 đồng/lít dầu.
Đối với mặt hàng xăng, tính chung, chi phí là 3.719 đồng/lít. Trong khi đó, chi phí premium và chi phí đưa xăng dầu về cảng doanh nghiệp được tính là 720 đồng/lít, doanh nghiệp lỗ 2.999 đồng/lít xăng.
Đối với dầu FO, chi phí không phát sinh thêm, doanh nghiệp tiếp tục lỗ 1.828 đồng/kg.
Tất nhiên con số nêu trên chỉ là của một doanh nghiệp, chưa phải là tình hình chung vì chi phí của mỗi doanh nghiệp có khác nhau. Song tham khảo thêm ý kiến của một số doanh nghiệp đầu mối khác, với điều kiện mua bán xăng dầu thì mức chi phí có thể thấp hoặc cao hơn một chút so với trường hợp nêu trên nhưng đều có điểm chung, chi phí premium thực tế cao hơn so với mức Bộ Tài chính xác định. Vì vậy, một số doanh nghiệp có đề nghị tính lại mức chi phí như sau:
CHI PHÍ ĐƯA XĂNG DẦU TỪ NƯỚC NGOÀI VỀ VIỆT NAM
Với đề xuất trên của một số doanh nghiệp, mức chi phí cần tăng từ 560 đồng/lít đến 1360 đồng/lít xăng dầu, thay cho mức 60 đồng đến 660 đồng mà Bộ Tài chính đề xuất.
Doanh nghiệp kiến nghị thêm về chi phí
Về chi phí Premium trong nước, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng từ đầu năm đến nay đều tăng cao, song theo một số doanh nghiệp, việc Bộ Tài chính đưa ra trong công văn số 11575 là “không phát sinh đột biến” là chưa hợp lý.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, một số doanh nghiệp cho rằng, Bộ Tài chính nêu 2 đơn vị báo cáo chi phí tăng nhưng do sản lượng tăng nên chi phí bình quân trên sản lượng giảm là Tổng công ty Dầu Việt Nam PV Oil (giảm 6 đồng/lít)…thì cũng chưa đúng thực tế. Theo nguồn tin của Báo Công Thương, một số doanh cho rằng số liệu này không phản ánh bản chất gia tăng chi phí chính của doanh nghiệp vì với một doanh nghiệp như Tổng công ty Dầu Việt Nam, cái quan trọng là chi phí tạo nguồn nhập khẩu chứ không nên dẫn chiếu số liệu chi phí cố định trong nước. Còn với Tổng công ty Anh Phát, công văn số 11575 nêu chi phí giảm khoảng 136 đồng/lít thì nhiều doanh nghiệp cho rằng con số của đơn vị này mang tính đặc thù, không đại diện cho khâu nhập khẩu xăng dầu vì Anh Phát đứng chân trên địa bàn Thanh Hoá, chủ yếu nhập xăng dầu từ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn liền kề với kho của công ty xăng dầu Anh Phát nên các chi phí thuận lợi, khác xa các doanh nghiệp đầu mối và phân phối khác.
Doanh nghiệp xăng dầu đang gặp rất nhiều khó khăn về chi phí kinh doanh |
Báo cáo của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) gửi Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng nêu rõ, đối với chi phí premium nhập khẩu (yếu tố điều chỉnh giá trong hợp đồng nhập khẩu xăng dầu), tập đoàn xăng dầu chiếm gần 50% thị phần cho hay đang có chênh lệch lớn giữa định mức được điều chỉnh ngày 11/7 so với thực tế. Đơn cử với các mặt hàng dầu chênh lệch từ gần 300 - 680 đồng/lít, cao hơn khá nhiều so với con số Bộ Tài chính quyết định điều chỉnh trong văn bản ngày 8/11.
Lãnh đạo một doanh nghiệp phân phối xăng dầu cho biết thêm: "Với việc Ngân hàng Nhà nước gửi công văn sang các ngân hàng thương mại khác nêu chung chung là đề nghị xem xét cấp tín dụng khi khách hàng đáp ứng các điều kiện của pháp luật mà room tín dụng thì không cho nới, tức là vẫn siết chặt thì sẽ không giải quyết được vấn đề gì, khó khăn vẫn như cũ".
TS Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính), Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam khi trao đổi với phóng viên Báo Công Thương sáng 9/11 cũng cho biết, ông đã nhận được một số phản ánh của doanh nghiệp về việc đề xuất mức chi phí kinh doanh xăng dầu. Đây là vấn đề cần sớm được cơ quan quản lý nhìn nhận, bổ sung, nếu không sẽ không tháo gỡ được khó khăn, không ổn định được thị trường khi mà doanh nghiệp tiếp tục "lỗ chồng lỗ".
Để góp thêm tiếng nói về những giải pháp tháo gỡ những khó khăn nêu trên, dự kiến 14 giờ chiều mai, thứ 5 ngày 10/11, Báo Công Thương tổ chức Chương trình Chính sách và Đối thoại với chủ đề: “Giải bài toán chi phí kinh doanh - Khơi thông "điểm nghẽn" cung ứng xăng dầu” với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế, đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam. Rất mong sự quan tâm và góp ý, phản hồi từ bạn đọc và các doanh nghiệp, thương nhân kinh doanh xăng dầu trên mọi miền đất nước. |
(Còn nữa)